Nhiều năm sống chung với khói, bụi
Thời gian qua, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tại Gia Lai nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc một số lò đốt than (thuộc tổ 4, phường Chi Lăng) hoạt động thải khói, bụi mù mịt gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Ông Phùng Văn Thống (sinh sống gần khu vực lò đốt than), bức xúc cho biết: Khoảng 2 năm nay lò đốt than (đối diện vật liệu xây dựng Hà Tiên) hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm gây ô nhiễm môi trường. Mỗi khi đốt than thì khói, bụi bay thẳng vào nhà, làm ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình, làm cho cả nhà ai cũng bị ho và viêm họng. Mùi khí than ngột ngạt, khó thở nên nhà lúc nào cũng đóng cửa cả ngày. Người dân đã nhiều lần ý kiến lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
“Chủ lò than chỉ nghĩ đến việc kinh doanh của gia đình mình, mà không quan tâm đến môi trường, sức khỏe của người dân xung quanh. Chính quyền địa phương, cần sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trên, để mang lại bầu không khí trong lành, ổn định cuộc sống cho người dân” ông Phùng Văn Thống chia sẻ.
Môi trường sống, của hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng do lò đốt than nằm cách khu dân cư chưa đến 100m. |
Cùng tình cảnh nói trên, bà Đ.T.H (65 tuổi) bức xúc cho biết: Nhà cách chỗ đốt than khoảng 500m, nên khói từ lò đốt thường xuyên bay thẳng vào nhà. Gia đình gồm 6 người trong đó có 2 người già và một đứa trẻ tất cả đều bị ảnh hưởng. Lò hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng mạnh nhất là vào lúc chiều tối, mùi khói lò than khó chịu đến mức ngạt thở, tức ngực làm ảnh hưởng đến sức khỏe khiến cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn. Vào ban đêm, nhiều người trong nhà không ngủ được, nhất là người già và trẻ nhỏ do hít phải khói từ việc đốt than.
“Nhiều năm rồi, người dân chúng tôi phải chịu cảnh ô nhiễm khói, bụi từ lò đốt than củi thủ công này. Người dân đã phản ánh nhiều lần nhưng lò than vẫn cứ hoạt động” bà Đ.T.H chia sẻ.
Các loại nguyên liệu dùng làm chất đốt như: gỗ, củi, muồng, keo, thân cây cà phê... được cắt từng khúc, chất thành đống ngổn ngang phía trước lò. |
Cơ quan chức năng nói gì?
Để tìm hiểu rõ hơn, ngày 8/10 PV liên hệ làm việc với UBND phường Chi Lăng (TP. Pleiku) nhưng được văn thư báo lại lãnh đạo phường bận đi học nên không thể làm việc được và đề nghị PV để lại nội dung làm việc, sau đó lãnh đạo sẽ trả lời.
Tiếp đến, phóng viên đăng ký làm việc với UBND TP. Pleiku. Tại đây, bộ phận văn thư đề nghị PV để lại nội dung sau đó lãnh đạo thành phố sẽ trả lời phóng viên bằng văn bản.
Đến ngày 15/10, trao đổi với phóng viên, ông Lê Giang Sơn - Chủ tịch UBND phường Chi Lăng cho biết: Sau khi phóng viên đến liên hệ và để lại nội dung làm việc, thì lãnh đạo phường đã tiến hành kiểm tra và báo cáo lên thành phố để xử lý tình trạng trên. Tại buổi kiểm tra, vì lò đốt than tại tổ 4 (đối diện vật liệu xây dựng Hà Tiên) được cấp phép hoạt động nên phường đã vận động chủ lò than sau khi hết hạn thuê đất sẽ phải di dời đến nơi khác để tránh làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Lò được dùng bạt để che chắn tạm bợ, thiếu sự chắc chắn, những tấm bạt phủ xung quanh lò chất lượng không đảm bảo như đã cũ kỹ, bị rách. |
Theo ghi nhận của phóng viên MT&ĐT: Các loại nguyên liệu dùng làm chất đốt như: gỗ, củi, muồng, keo, thân cây cà phê... được cắt từng khúc chất thành đống nằm ngổn ngang phía trước lò. Các hầm đốt được làm thủ công, xây dựng sơ sài, không có tường rào bao quanh. Lò được dùng bạt để che chắn tạm bợ, thiếu sự chắc chắn, những tấm bạt phủ xung quanh lò chất lượng không đảm bảo như đã cũ kỹ, bị rách. Do lò đốt than nằm cách khu dân cư chỉ vài chục mét nên khói, bụi bay trực tiếp vào nhà làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt của hàng chục hộ dân trong vùng.
Liệu cơ quan chức năng cấp phép hoạt động cho lò than trên có đúng quy định hay không, khi những lò than này nằm ngay cạnh khu dân cư?
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
0 nhận xét