Open top menu
Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Về phía Nhà nước, đã có những chính sách nào nhằm hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận những tiêu chuẩn nói chung, trong đó bao gồm cả những tiêu chuẩn “xanh”, thưa ông?

Vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg, theo đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp cả về tài chính và kỹ thuật trong việc nắm bắt các công cụ về năng suất, chất lượng và dễ tiếp cận hơn với các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Như trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã liên kết với tất cả các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế cũng như các nước tiên tiến có các tiêu chuẩn về máy thở, các chi tiết của máy thở hay các găng tay, trang thiết bị bảo hộ y tế, và phổ biến miễn phí các tiêu chuẩn này cho các doanh nghiệp của chúng ta để họ kịp thời sản xuất các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Điển hình, Tổng cục đã cử một nhóm chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ cho Tập đoàn Vingroup xác định các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế phù hợp trong quá trình nghiên cứu, chế tạo sản xuất máy thở.

Ông có thể chia sẻ định hướng xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia sắp tới, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập khá nhiều hiệp định thương mại quốc tế?

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét, rà soát các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và nâng tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế lên thêm một nấc nữa, phấn đấu đạt 70% vào năm 2030. Tuy nhiên, mức độ hài hòa này sẽ được cân đối, tính toán cũng như có một lộ trình phù hợp để làm sao vừa giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản quốc tế, vừa giữ được các lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.

Đồng thời, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các tiêu chuẩn mang tính chất thân thiện với môi trường bởi tiêu chuẩn “xanh” chính là lợi thế giúp cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài, ví dụ như rào cản đối với các sản phẩm có sử dụng chất gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, chúng tôi sẽ ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến các nguyên liệu, nhiên liệu mới thay thế cho nguồn nhiên liệu khoáng; năng lượng tái tạo; hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm thiết bị sử dụng điện; tái sử dụng nước thải; tái chế chất thải; các sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước; các công nghệ thân thiện với môi trường; bao bì phân hủy sinh học… Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng các tiêu chuẩn về ứng phó biến đổi khí hậu như tiêu chuẩn về định lượng và kiểm kê khí nhà kính cho các ngành công nghiệp, điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh thế hệ mới thay thế các môi chất lạnh cũ có chứa các chất làm suy giảm tầng ozone…

Tôi cũng muốn nhấn mạnh một xu hướng gần đây, đó là thay vì nhà nước chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn thì chúng ta đang thúc đẩy việc xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chủ động đề xuất và xây dựng các tiêu chuẩn mới phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT!

* Đa số các tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam về môi trường được chấp nhận hoàn toàn theo tiêu chuẩn quốc tế

Số lượng các TCVN từng lĩnh vực và mức độ hài hòa cụ thể như sau:

- Âm học, tiếng ồn: 71 TCVN (mức độ hài hòa đạt 86 %);
- Môi trường không khí: 165 TCVN (mức độ hài hòa đạt 89 %)
- Môi trường nước: 275 TCVN (mức độ hài hòa đạt 86 %)
- Môi trường đất: 158 TCVN (mức độ hài hòa đạt 90 %)
- Chất thải rắn: 46 TCVN (mức độ hài hòa đạt 89 %);
- Quản lý môi trường: 35 TCVN (mức độ hài hòa đạt 100 %)
* Một số tiêu chuẩn quốc gia tiêu biểu đang góp phần thúc đầy tăng trưởng xanh

- Bộ tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý môi trường TCVN ISO 14000. Bộ tiêu chuẩn này gồm 35 TCVN về: hệ thống quản lý môi trường, đánh giá môi trường, nhãn môi trường, đánh giá vòng đời sản phẩm, quản lý khí nhà kính và các hoạt động liên quan. Trong đó, TCVN ISO 14001, Hệ thống quản lý môi trường – Các yêu cầu và hướng dẫn thực hiện được xem như là tiêu chuẩn gốc của bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường, được dùng trong đánh giá, chứng nhận sự tuân thủ hệ thống quản lý môi trường.

Các tiêu chuẩn khác trong bộ tiêu chuẩn này được xây dựng nhằm hỗ trợ tích cực hoặc là công cụ để hướng dẫn, đánh giá mức độ tuân thủ đối với hệ thống quản lý môi trường một cách hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, và đây cũng được xem như là giấy thông hành giúp sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp có thể lưu thông giữa các nước trên thế giới.

- Bộ tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo Quyết định 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm 27 TCVN áp dụng cho 21 phương tiện, thiết bị.

Các tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định mức tiêu thụ năng lượng, quy định mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và các cấp hiệu suất năng lượng nhằm phục vụ và đóng vai trò không thể thiếu trong Chương trình dán nhãn năng lượng của Việt Nam từ những năm 2011 đến nay.

Một số thiết bị được dán nhãn năng lượng theo các TCVN góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải kể đến như: Điều hòa không khí, Tủ lạnh, Quạt điện, Nồi cơm điện, Máy biến áp và Động cơ điện, v.v.

- Bộ tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước, bao gồm: TCVN 12500:2018 Sen vòi; TCVN 12500:2018 Vòi rửa bát; TCVN 12500:2018 Vòi rửa mặt; TCVN 12501:2018 Bệ xí bệt; TCVN 11920:2017 Máy giặt gia dụng.

Bộ tiêu chuẩn này quy định hiệu quả sử dụng nước của sản phẩm, thiết bị sử dụng nước tiết kiệm được chia thành ba cấp để phản ánh mức độ tiết kiệm nước. Hiệu quả sử dụng nước tăng dần theo thứ tự từ cấp 1 đến cấp 3, trong đó cấp 1 là cấp có hiệu quả sử dụng nước thấp nhất tương ứng với khả năng tiết kiệm nước ít nhất, cấp 3 là cấp có hiệu quả sử dụng nước cao nhất tương ứng với khả năng tiết kiệm nước nhiều nhất.

- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13114:2020 Chất dẻo có khả năng tạo compost - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử. Đây là tiêu chuẩn đưa ra các yêu cầu để chất dẻo có khả năng tạo phân compost, giúp giảm thiểu về vấn đề rác thải nhựa hiện nay.

(Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)

Let's block ads! (Why?)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét