Theo đó, văn bản nêu rõ:
Do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp rìa bắc dải hội tụ nhiệt đới và hoạt động của đới gió đông trên cao, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa to, rất to, đặc biệt to, tổng lượng mưa nhiều nơi từ 1.000 đến trên 1.300 mm; mực nước các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao trên mức báo động, sông Kiến Giang tại Lệ Thủy đạt đỉnh lũ là 4,88 m, cao hơn báo động III là 2,18 m, trên lũ lịch sử năm 1979 là 0,97 m.
Toàn tỉnh có gần 10.000 nhà bị ngập; nhiều đoạn đường quốc lộ, tỉnh lộ không lưu thông được; nhiều thôn, bản bị chia cắt, cô lập. Trong thời gian tới, tình hình mưa lũ tiếp tục có diễn biến phức tạp, nguy cơ sụt trượt các tuyến đường, sạt lỡ đất, lũ quét khu vực miền núi và một số vùng ở mức cao.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép lùi thời gian tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Để tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ đặc biệt lớn, kéo dài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
1. Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Điện của Ban Bí thư, các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
2. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống cụ thể. Huy động các lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, nhất là những nơi bị thiệt hại nặng. Trước mắt, tập trung cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân trong vùng bị lũ lụt, những nơi bị chia cắt, cô lập, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Ngành Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo để khắc phục các tuyến đường giao thông bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường tỉnh lộ,...
Ngành Điện lực, ngành Thông tin và Truyền thông tập trung lực lượng, phương tiện để sớm khắc phục các tuyến đường dây, trạm biến áp, hệ thống thông tin liên lạc bị hư hỏng, bảo đảm cung cấp điện, thông tin liên lạc nhanh nhất, phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân.
Ngành Nông nghiệp phối hợp với chính quyền các cấp khẩn trương kiểm tra tình hình thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; đồng thời, có biện pháp khắc phục sự cố của các hồ, đập thủy lợi, hệ thống đê, kè để đảm bảo an toàn cho các công trình.
Ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc để tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.
3. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tư tưởng, động viên nhân dân chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ; giữ vững an ninh, trật tự xã hội; nắm chắc tình hình, tiến hành kiểm tra, có biện pháp chỉ đạo kịp thời, giúp dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất; chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra; đồng thời sớm ổn định việc dạy và học ở các trường học; duy trì thường xuyên hoạt động của các công sở.
Mặt trận, các đoàn thể và lực lượng vũ trang làm tốt công tác vận động đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ tích cực giúp dân sửa chữa lại nhà ở, khắc phục hậu quả mưa lũ bằng những công việc cụ thể để sớm ổn định tình hình đời sống và phát triển sản xuất.
4. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục phân công lãnh đạo và cán bộ bám, nắm địa bàn, nhất là các khu vực bị chia cắt, cô lập để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ; chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các vùng nguy hiểm, nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương thiết lập kênh tiếp nhận và phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân vùng lũ, bảo đảm hoạt động thông suốt, tập trung, kịp thời, hiệu quả. Trong ngày hôm nay (20/10/2020), 100% người dân vùng lũ thuộc các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy nhận được hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ.
Tổng hợp đầy đủ tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra để kịp thời xem xét hỗ trợ theo quy định đối với các trường hợp bị thiệt hại về người và tài sản, sớm ổn định tình hình trên địa bàn.
6. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn được phân công phụ trách, phát huy tinh thần trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
7. Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tốt việc tiếp nhận và phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chỉ đạo các địa phương, cơ sở nắm chắc tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra để có sự phân phối hàng hóa và nhu yếu phẩm cứu trợ sát đúng mức độ thiệt hại của từng địa phương, đúng đối tượng, bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan, không để xẩy ra sai sót, tránh các biểu hiện lợi dụng hoặc sử dụng sai mục đích, phân phối không đúng đối tượng. Việc tổ chức các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ phải bảo đảm an toàn.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình yêu cầu các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh khẩn trương thực hiện tốt những nội dung nêu trên; kịp thời báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
0 nhận xét