Đến dự và chỉ đạo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chỉ đạo Đại hội |
Tham dự Đại hội có 348 đại biểu chính thức, đại diện cho trên 83.000 đảng viên, trong đó có 51 đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X và 297 đại biểu được bầu từ đại hội của 16 Đảng bộ trực thuộc tỉnh.
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương – Sáng tạo ”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm tăng cường xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh; xây dựng tỉnh Đồng Nai phát triển bền vững.
Phát biểu tại Đại hội, ông Võ Văn Thưởng chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh của Đồng Nai trong nhiệm kỳ qua. Ông Thưởng cho rằng, Đồng Nai là địa phương giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, là địa phương có vị trí rất quan trọng, là cửa ngõ đi vào vùng Đông Nam bộ cho nên tỉnh Đồng Nai hội tụ nhiều thuận lợi và tiềm năng để phát triển. Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trong thục hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Toàn cảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 |
Nổi bật nhất của Đồng Nai là hoàn thành và vượt 18/20 chỉ tiêu, GRDP giai đoạn 2015-2020 tăng 8,14%, nằm trong nhóm tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. GDRP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 124 triệu đồng, cao thứ 8 trên cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ lệ 91,7% trong GRDP. Công nghiệp hỗ trợ bước đầu hình thành, tạo mối liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển khá. Ngành nông nghiệp được cơ cấu lại, từng bước ứng dụng cộng nghệ cao. Đồng Nai là một trong hai địa phương của cả nước được công nhận hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, hiện có 43 xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, ượt mục tiêu nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh để ra.
“Để tỉnh Đồng Nai ngày càng xứng đáng là địa phương trong nhóm đầu các tỉnh phát triển, thể hiện tầm nhìn rộng mở, khát vọng lớn của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh - Ông Thưởng nhấn mạnh - tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả quan điểm phát triển kinh tế- xã hội là trung tâm, tập trung thực hiện các đột phá, về kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính; tăng cường tháo gỡ khó khăn, xóa bỏ các “điểm nghẽn” đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh . Tỉnh cần bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết tốt các vấn đề xã hội”.
Ông Thưởng cũng nhắc nhở, Đồng Nai phải tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng Đảng viên. Tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các quy định về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Để làm được các nhiệm vụ như trên, ông Thưởng đề nghị Đồng Nai quyết tâm đồng thuận từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài để phát triển địa phương nói riêng và phát triển cả nước nói chung. Các đại biểu dự đại hội phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ, tinh thần tập thể, thảo luận, nghiên cứu, đánh giá những yếu kém để rút ra bài học kinh nghiệm để nhiệm kỳ 2020 - 2025; đưa Đồng Nai phát triển mạnh hơn.
Bên cạnh đó, ông Thưởng cũng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, sáng suốt lựa chọn, bầu những người có đủ tiêu chuẩn, đạo đức, biết hy sinh lợi ích của cá nhân vào Ban chấp hành Tỉnh ủy khóa XI để phục vụ nhân dân, giúp Đồng Nai và đất nước ngày càng giàu mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường, Đại hội XI của tỉnh đánh dấu bước ngoặt quan trọng đưa tỉnh Đồng Nai chuyển sang thời kỳ phát triển mới: Ý chí và khát vọng phát triển, là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế. Đồng Nai là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu các đại biểu phát huy trí tuệ và trách nhiệm cá nhân, tập trung nghiên cứu để có những ý kiến đóng góp tâm huyết, có chất lượng, góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Từ những thành tựu mà Đảng bộ tỉnh Đồng Nai và nhân dân trong tỉnh đã đạt được, cần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những mặt tồn tại, hạn chế; từ đó đề ra phương hướng, giải pháp khắc phục, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi kinh tế, tiếp tục giữ vững ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn cho biết: 5 năm qua, Đồng Nai đã và đang phát triển mạnh, đồng bộ trong nhiều lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân mỗi năm tăng 8,14%, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Quy mô GRDP tính theo giá hiện hành đến năm 2020 đạt gần 400.000 tỷ đồng (tương đương 17,2 tỷ USD), gấp 1,7 lần so với năm 2015. Sự chuyển dịch mạnh mẽ thể hiện ở mô hình tăng trưởng kinh tế chuyển đổi theo xu hướng tăng hàm lượng đóng góp của khoa học, công nghệ và sáng tạo. Kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (công nghiệp, xây dựng chiếm 61,72%, dịch vụ 29,98%, nông, lâm, ngư nghiệp 8,3%). GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 124 triệu đồng/người, tương đương khoảng 5.300 USD, gấp hơn 1,7 lần năm 2015. Cơ cấu lao động dịch chuyển nhanh từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có hơn 40.000 doanh nghiệp trong nước được thành lập và hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 300.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới và bổ sung tăng vốn (đến nay có 1.230 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký trên 218.000 tỷ đồng). 5 năm đã có trên 440.000 tỷ đồng đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, hạ tầng thông tin truyền thông.
0 nhận xét