Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 1,6 triệu người Ấn Độ năm 2019, trong đó hơn 100 nghìn trường hợp là trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi.
Nghiên cứu do Viện Tác động sức khỏe (HEI) – một tổ chức phi Chính phủ trụ sở tại Mỹ thực hiện cho thấy, hơn một nửa số ca tử vong liên quan tới loại bụi PM2.5 có nguồn gốc từ các hoạt động ngoài xã hội. Các ca tử vong khác có nguyên nhân từ việc sử dụng các nhiên liệu rắn như than củi, gỗ, chất thải động vật trong quá trình đun nấu tại gia đình.
Không khí ô nhiễm ở New Delhi. (Nguồn: AFP) |
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chỉ ra những bằng chứng rõ ràng về sự liên hệ giữa không khí ô nhiễm với việc gia tăng các bệnh liên quan tới tim mạch và phổi. Điều này cũng có nghĩa, ô nhiễm không khí có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của Covid-19. Ô nhiễm không khí còn tác động mạnh tới sức khỏe và tính mạng của trẻ sơ sinh.
Các nhà khoa học chỉ ra nhiều bằng chứng về việc phơi nhiễm không khí ô nhiễm khiến trẻ sinh thiếu cân và sinh non. Các phân tích trong Báo cáo Thực trạng Không khí toàn cầu cho biết, gần 21% số ca tử vong sơ sinh vì các nguyên nhân đều có tác động bởi ô nhiễm không khí tại môi trường xung quanh và ngay trong hộ gia đình.
Nhiều thành phố tại Ấn Độ đang rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng do tình trạng đốt rơm rạ. Mỗi sáng thức dậy, người dân tại thủ đô New Delhi lại nhìn thấy quang cảnh xung quanh mình bị bao phủ trong một làn khói mù dày đặc. Có những thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí AQI đã lên mức 259 rất có hại cho sức khoẻ và tình trạng này sẽ vẫn tiếp diễn trong suốt mùa đông.
Các chuyên gia y tế Ấn Độ cảnh báo tình trạng ô nhiễm nếu không giải quyết được sẽ làm giảm khả năng đề kháng của người dân, cùng với đó kép theo tăng nguy cơ nhiễm Covid-19 khiến đại dịch trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát. Như một thảm hoạ kép đến với người dân Ấn Độ./.
0 nhận xét