Giao thông không chỉ là một nhu cầu thiết yếu, giống như ăn, mặc, ở… Giao thông còn ngày ngày phơi bày ra những thói xấu của người Việt mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy rõ nhất, bởi do tính chất “lộ thiên”, những thói xấu ấy được bộc lộ rõ ràng, nhiều mặt, công khai, lâu dài và thường xuyên trên mọi con đường, nhất là trên những đường phố. Không tin, bạn cứ thử một lần quan sát mà xem. Bạn sẽ thấy, như tôi, những khuyết tật sau:
ÍCH KỶ
Trong cả một dòng chảy miên man, vô tận các loại phương tiện, với đủ thành phần dân cư tham gia, nhưng hầu như ai cũng tìm cách cướp đường cho riêng mình mà không bao giờ nghĩ hành động đó có thể gây tổn hại cho hàng trăm, hàng ngàn người và cho cả chính mình. Nó nguy hiểm ở chỗ đã kịp là một thói quen, chỉ có thể gọi là… ích kỷ! Nhiều cuộc ùn tắc nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cả về vật chất lẫn tinh thần lại chỉ vì lý do rất vớ vẩn: Một ông tài nào đó, bất chấp mọi luật lệ quay đầu xe giữa đường. Có những cuộc ùn tắc do ban đầu hai người nào đó không chịu nhường nhau khi rẽ ở ngã ba ngã tư.
Bức tranh giao thông lộn xộn. (Ảnh sưu tầm). |
THIẾU Ý THỨC CỘNG ĐỒNG
Rất nhiều cuộc ùn tắc chỉ cần có một cảnh sát đứng ra điều hành là hết ngay. Nhưng nếu không có sự điều hành đó, hàng trăm, hàng ngàn người, đủ thành phần, đành cứ đứng nhìn nhau không nhúc nhích, mà không ai tự giác thay đổi hành vi. Luật quy định rõ ràng mọi phương tiện phải đi nửa đường phần bên phải. Nhưng chỉ cần thấy trước mặt mình mọi người ùn lại, là luật lệ bị xé bỏ trong nháy mắt. Người người, không ai bảo ai, không ai cảm thấy áy náy, cứ thản nhiên lấn sang phần đường bên kia. Phía ngược lại cũng xảy ra tình trạng tương tự như vậy. Thế là thay vì giao thông, mọi lối thoát đều bị bịt kín. Ý thức cộng đồng có thể nói là thứ yếu kém nhất của người Việt khi tham gia giao thông.
COI THƯỜNG MẠNG SỐNG CỦA MÌNH VÀ NGƯỜI KHÁC
Qua giao thông có thể khẳng định người Việt khá coi thường mạng sống của mình và của người khác. Người ta biết là đánh võng, lạng lách, cắt ngang qua đầu xe, phóng nhanh vượt ẩu, bốc đầu… đều có thể mất mạng, hoặc làm người khác mất mạng trong nháy mắt, nhưng ngày nào chuyện đó cũng xảy ra. Coi thường mạng sống của mình và do đó coi thường mạng sống của người khác là một bằng chứng cho thấy người Việt còn lâu mới trưởng thành về mặt văn hoá.
NGHỊCH LÝ SỬ DỤNG THỜI GIAN
Trong thời đại tốc độ hiện nay, rõ ràng thời gian là tiền của, là cơ hội, là bằng chứng về đẳng cấp tư duy. Đấy là lối suy nghĩ thông thường, lành mạnh, thực tế của cả nhân loại này… sau khi trừ ra những người tham gia giao thông ở Việt Nam! Người tham gia giao thông trên mọi con đường Việt Nam có một thái độ, một ứng xử hoàn toàn khác liên quan đến thời gian. Nó vượt xa cả nghịch lý, để tiệm cận sự phi lý đầy bi hài.
Không tin, bạn cứ quan sát mà xem. Họ, cũng là chúng ta, có thể kề cà hàng nửa ngày trong quán nhậu, nói và làm những điều vô bổ, vô nghĩa, vô dụng. Nhưng khi ở trên đường, lại chính những người đó giành giật từng giây để vượt lên người khác. Thế là len lách, cắt đầu xe, trèo lên vỉa hè, tràn qua vạch phân cách khi đèn đỏ, đi ngược chiều chỉ để tìm cách thu ngắn khoảng cách vài chục mét? Đôi khi làm thế, họ phải đánh đổi bằng chính mạng sống quý giá của mình hoặc người thân.
Liệu còn nghịch lý nào thê thảm và bi hài hơn?
Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải cay nghiệt nói thẳng với nhau rằng, đừng vội mơ đến những thay đổi lớn, một khi chưa tìm cách xóa đi những thói xấu trên đường.
Nhà văn Tạ Duy Anh/reatimes.vn
0 nhận xét