1. Chính quyền đô thị là gì?
Sự phức tạp, đa dạng về hoạt động kinh tế - xã hội của đô thị ngày càng gia tăng ở nước ta đang đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đô thị các cấp cũng như đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị.
Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể khái niệm "chính quyền đô thị" ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh: Hoàng Triều |
Chính quyền đô thị là một dạng cụ thể của chính quyền địa phương, được tổ chức phù hợp với các đặc điểm của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các điều kiện tự nhiên của đô thị, nhằm quản lý đô thị hiệu quả cao và mang đầy đủ đặc điểm cơ bản của chính quyền địa phương.
Chính quyền đô thị vừa thể hiện các vấn đề chung của chính quyền địa phương về bản chất, vị trí, vai trò, chức năng đại diện của nhân dân và các mối quan hệ giữa chính quyền các cấp theo quy định của pháp luật, vừa thể hiện các yêu cầu đặc thù riêng của phương thức tổ chức, quản lý và phát triển đô thị.
Chính quyền đô thị là chính quyền tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; được tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực nhằm phát huy mọi năng lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
2. Ở Việt Nam có tỉnh, thành nào được thực hiện tổ chức chính quyền đô thị?
Hiện nay, có 2 thành phố được thực hiện tổ chức chính quyền đô thị kể từ ngày 1.7.2020, cụ thể:
- Quốc hội ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27.11.2019 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Theo đó, không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội.
- Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19.6.2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Theo đó, không tổ chức HĐND quận, phường tại TP Đà Nẵng.
Việc không tổ chức HĐND quận, phường giúp tinh giản biên chế, tiết kiệm được phần ngân sách, tuy nhiên quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn vẫn được đảm bảo. Ảnh: Hoàng Triều |
3. Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM khác với Đề án của Hà Nội và Đà Nẵng như thế nào?
- Thứ nhất về cơ sở pháp lý
Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được xây dựng khi chưa có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Do đó, việc không tổ chức HĐND ở các phường là trái pháp luật. Vì vậy, Quốc hội phải có Nghị quyết 97 cho phép thí điểm không tổ chức HĐND ở phường.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu về Đề án xây dựng chính quyền đô thị tại TP HCM ở hội nghị thẩm định đề án do Bộ Nội vụ tổ chức |
Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng được xây dựng khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 chưa có hiệu lực thi hành, đồng thời Nghị quyết 119 còn có một số nội dung về chính sách khác quy định ở các luật pháp liên quan. Do đó, Nghị quyết 119 phải cho phép thí điểm việc không tổ chức HĐND quận, phường và các chính sách đặc thù.
Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực. Trong đó, đã quy định chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND), trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương (không có HĐND). Như vậy việc không tổ chức HĐND ở phường, quận đã được quy định ở luật, khi Quốc hội cho phép.
- Thứ hai về cơ sở thực tiễn
TP Hà Nội chưa thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội.
TP.HCM và TP Đà Nẵng là hai TP thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội.
TP.HCM đã có kinh nghiệm thực tiễn hơn 6 năm từ kết quả thành công của quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên diện rộng, số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất cả nước (gồm tất cả 24 quận, huyện và 259 phường) từ năm 2009 đến năm 2016 theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội. Việc thí điểm đã có kết quả tốt.
- Thứ ba về tổ chức chính quyền đô thị
+ TP Hà Nội: Chính quyền địa phương ở thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở phường thuộc quận tại TP là UBND phường (Nghị quyết số 97/2019/QH14).
+ TP Đà Nẵng: Chính quyền địa phương ở thành phố, huyện, xã là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở các quận và phường thuộc quận tại TP là UBND quận, UBND phường (Nghị quyết số 119/2020/QH14).
+ TP.HCM: Chính quyền địa phương ở TP.HCM, thành phố thuộc TP.HCM, huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở quận và phường tại TP là UBND quận, UBND phường.
Việc tổ chức chính quyền đô thị không chỉ bao gồm quy định bộ máy chính quyền địa phương có tính đặc thù ở đô thị lớn, mà có các quy định đặc thù về phân cấp quản lý, chính sách tài chính để làm cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả cao hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn.
Các nội dung này đối với TP HCM đã được Quốc hội quy định qua một Nghị quyết riêng, là Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24.11.2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Như vậy, thực hiện chính quyền đô thị ở TP.HCM theo Đề án Chính phủ trình Quốc hội mang tính đồng bộ, toàn diện, khác với khi Hà Nội và Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị.
Kỳ họp HĐND TP.HCM đầu tiên áp dụng mô hình phòng họp không giấy. Ảnh: Hoàng Triều |
4. TP.HCM trình Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP để thực hiện ổn định, lâu dài
TP.HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, là đầu tàu kinh tế của cả nước, có sức thu hút, lan tỏa đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Vì vậy, việc nghiên cứu để hình thành mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới đơn vị hành chính của TP.HCM là thực sự cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của TP.
Tiến độ thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên qua các năm |
Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội có cơ sở pháp lý là các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi theo Luật số 47/2019/QH14 đã có quy định mở theo hướng chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương (Điều 44, Điều 58).
Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (điểm e khoản 2 Điều 15).
Ngày 8-.10, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã tiếp nhận những toa tàu đầu tiên thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại cảng Khánh Hội (quận 4) |
Mặt khác, TP.HCM là một trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội trong giai đoạn 2009 -2016, qua thí điểm đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, làm cơ sở thực tiễn quan trọng để Quốc hội có thể cho phép TP được chính thức thực hiện tổ chức chính quyền đô thị để bảo đảm tính ổn định, lâu dài.
- Tổ chức chính quyền địa phương ở TP.HCM, thành phố thuộc TP.HCM, huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.
- Tổ chức chính quyền địa phương ở quận và phường thuộc TP.HCM là UBND quận, UBND phường. UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng.
- Thời gian thực hiện từ ngày 1.7.2021.
Diện mạo metro số 1 dần hình thành |
- Về thực hiện quyền đại diện của Nhân dân:
Khi không tổ chức HĐND quận, phường, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như: Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND TP, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP, cấp ủy, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và đặc biệt là sự phản ánh của Khu phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. UBND các phường tăng cường công tác giao ban với Trưởng khu phố; UBND quận giao ban với UBND phường để kịp thời nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng của người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm trải nghiệm cách xem tài liệu trên phần mềm của mô hình phòng họp HĐND TP.HCM không giấy đầu tiên |
- Về quyền làm chủ của Nhân dân:
+ Tăng cường các kênh, phương tiện công khai, minh bạch các chế độ, chính sách đến Nhân dân; cung cấp, công bố các thông tin, các quy định, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến Nhân dân. Vai trò của hệ thống chính quyền điện tử của TPHCM đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét trong việc làm tốt vấn đề này.
+ Duy trì và tăng cường sự tham gia của Nhân dân trong hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền thông qua dân chủ trực tiếp: tham gia trực tiếp thông qua đối thoại với lãnh đạo UBND như định kỳ tổ chức các Hội nghị nhân dân hoặc tiếp xúc cử tri.
Qua công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri, lãnh đạo UBND các cấp trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền; tiếp nhận thông tin và giải quyết những khiếu nại, tố cáo của cử tri.
+ Tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính quyền, cụ thể như: phân công thành viên UBND tham gia các cuộc họp của khu phố; qua hộp thư góp ý hoặc sổ góp ý; nghe Nhân dân trao đổi, phản ánh ý kiến trực tiếp trong các cuộc họp hoặc gửi phiếu xin ý kiến về các công trình thực hiện theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm"; góp ý các quy ước, công việc nội bộ khu dân cư.
Khi không tổ chức HĐND, một số việc quan trọng, UBND phường thông qua Khu phố và MTTQ Việt Nam để Nhân dân tham gia ý kiến trước khi quyết định; lập sổ theo dõi phản ánh, kiến nghị của các Trưởng khu phố để kịp thời giải quyết.
Theo Người Đô thị
0 nhận xét