Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet) |
Chiều 30/9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo truyền thông, vận động giảm tiêu thụ muối để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác. GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân hãy giảm một nửa lượng muối ăn hằng ngày, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia, tích cực vận động thể lực; đồng thời thường xuyên đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm, phòng chống hiệu quả tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.
Theo số liệu của cuộc điều tra năm 2015 cho thấy mức tiêu thụ muối trung bình của mỗi người Việt trong một ngày là 9,4 g, trong đó nam 10,5 g và nữ 8,3 g, gấp hai lần so với khuyến cáo của thế giới. Khoảng 90% người Việt ăn thừa muối.
Riêng trong năm 2016, ước tính toàn quốc có tới gần 82.000 trường hợp tử vong do tai biến mạch máu não và gần 68.000 trường hợp tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, chiếm tới 27% tổng số ca tử vong toàn quốc.
Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gam muối trong một ngày để phòng, chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay đa số người dân Việt Nam đang ăn thừa muối. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4 gam muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của WHO.
Ăn mặn gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm với sức khỏe. Ảnh minh hoạ: SHUTTER STOCK |
Thiếu muối, cơ thể bải hoải, mệt mỏi, sự cân bằng bị phá vỡ. Tuy nhiên, ăn mặn lại là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm.
Theo TS. Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Ước tính mỗi năm có khoảng 4,1 triệu người tử vong trên thế giới do ăn thừa muối, trong đó, có tới 11 người tử vong/ngày vì hấp thụ quá nhiều muối. Do đó, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê).
Loét và ung thư dạ dày: Nitrat có trong muối có thể gây ung thư dạ dày. Ngoài ra, những thực phẩm nhiều muối có thể kích thích niêm mạc dạ dày. Cũng không loại trừ nguy cơ bạn bị loét dạ dày.
Tổn thương thận: Muối ảnh hưởng tới thận theo nhiều cách. Trước tiên, nó làm tăng gánh nặng cho thận. Ngoài ra, giữ nước có thể làm suy yếu các mạch máu trong thận. Sử dụng muối quá nhiều trong thời gian dài có thể gây suy thận
Làm chậm hoạt động não: Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng sử dụng quá nhiều muối có thể ảnh hưởng tới hoạt động não và một số khả năng nhận thức. Nó thậm chí có thể gây ra chứng mất trí.
Tăng huyết áp: Ăn mặn thường xuyên sẽ làm tăng huyết áp. Tăng huyết áp dẫn đến nguy cơ cao bị đau tim, đột quỵ và bệnh thận. Ăn mặn làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp. Việc ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố stress trong cuộc sống sẽ làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp.
WHO đã đưa ra hướng dẫn cho người dân giảm ăn muối với tên gọi “SHAKE” gồm các biện pháp: giám sát hàm lượng muối, hợp tác với ngành công nghiệp, bành hành chuẩn về ghi nhãn dán, quảng cáo thực phẩm, truyền thông và tạo môi trường hỗ trợ.
Để phòng bệnh do ăn thừa muối, TS.BS. Đỗ Thị Phương Hà – Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra lời khuyên, người dân cần hạn chế cho muối và gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm khi sơ chếm tẩm ướp, nấu nướng; tự nấu ăn tại nhà để giảm lượng muối; chấm nước mắm nhẹ tay, bỏ thói quen chấm ngập thực phẩm vào nước mắm khi ăn, pha loãng nước mắm; không rưới nước mắm, sốt kho cá, thịt vào cơm; không cố uống hết nước phở, bún, miến khi ăn ở hàng, quán,…
Muối là loại gia vị có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng nếu sử dụng quá nhiều thì sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn. Do đó, chúng ta cần chú ý hạn chế sử dụng đồ ăn mặn, có chế độ ăn uống hợp lý và giàu dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, bảo vệ gia đình mình chống lại bệnh tật.
0 nhận xét