Tại một số điểm Quảng Bình, chính quyền và các ngành chức năng đã được huy động tổng lực để dọn dẹp vệ sinh trường học sau lũ, nhằm sớm đón học sinh trở lại trường.
Tại xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch nằm ven sông Gianh. Khi lũ đến, nước sông dâng cao khiến toàn bộ địa phương này chìm trong biển nước. Sau lũ, nước rút chậm nên đường vào các trường học tại xã này vẫn ngập một số đoạn khiến các phương tiện di chuyển khó khăn.
Một số trường học ở xã Phù Hóa cơ sở vật chất, sách vở, đồ dùng học tập các em bị hư hại, cuốn trôi… gây thiệt hại không kể xiết. Các thầy cô giáo và phụ huynh, đoàn viên... tất bật dọn dẹp bùn non, tẩy rửa dụng cụ học tập, đồ chơi, bàn ghế trong lớp học…
Thầy Hoàng Quốc Nga - Hiệu trưởng Trường THCS xã Phù Hóa - cho biết trong lũ trường học này bị nước dâng cao ngập hơn 2m và “ngâm” trong suốt 3 ngày ròng. Khi nước rút, ngôi trường nơi này như là “hồ chứa thải” khi bùn non, rác rưởi bị trôi dạt ùn ứ về đây. Sáng nay, nhà trường phải huy động tổng lực giáo viên, học sinh đến dọn dẹp.
Trong các lớp học, bàn ghế nằm ngổn ngang chất đống, phía xung quanh tường bùn đất bám chặt vàng uế. Dưới nền nhà, những lớp bùn non dày xếp lớp hơn 20cm cộng rác thải tràn vào rất ô nhiễm, khiến công việc dọn dẹp rất cực khổ.
Nước lũ vừa rút là các thầy cô giáo đến trường quét dọn bùn đất, múc nước dội sạch sẽ. Dù công việc bộn bề nhưng tất cả động viên nhau gắng làm cho xong để đón các em học sinh trở lại học. Tuy nhiên, bùn đất đã bám chặt từng ngõ ngách khuôn viên, tường nhà, bàn ghế... nên việc dọn dẹp rất vất vả, khó khăn” - thầy Nga tâm sự.
Tại Trường Mầm non xã Quảng Thanh, sau lũ mọi thứ ngổn ngang khi trước đó trường bị ngập sâu gần 3m. Nhiều tài liệu, sách vở và thiết bị dạy học bị hư hỏng, bám đầy bùn bẩn. Sân trường bùn non đặc quánh, dày hơn 30cm.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Xuân - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Quảng Trạch - cho biết sau lũ có 13 đơn vị trường học bị ngập nước. Các trường học bị ngập sâu tập trung ở các xã Phù Hóa, Cảnh Hóa và Quảng Thanh với ước tính thiệt hại trên 7 tỉ đồng.
Tại Hà Tĩnh, nhiều tuyến đường sau khi nước rút để lại nhiều sình lầy, đất đá, cây cối ngổn ngang làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân. Việc xử lý sau khi nước lũ rút tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh là khai các tuyến đường dân sinh và tiếp đến là trường học, công sở, các trạm y tế các thôn xã.
Ngoài vấn đề dọn dẹp vệ sinh vấn đề nước sạch, đang là khó khăn trong lúc này cần phải xử lý triệt trùng và diệt khuẩn trước khi đưa vào sử dụng, sinh hoạt.
Ông Nguyễn Hoài Sơn Chủ tịch thị xã Kỳ Anh cho biết: “Đang cho các đoàn thể xử lý các giếng nước bằng cách tiêu độc khử trùng. Thị xã cũng đã phát xuống 87 kg hóa chất trong danh mục cho phép”
Ông Sơn cũng nói thêm tại thị xã Kỳ Anh có 3 thôn bị ngập lũ nặng, trong thời gian này nước vẫn chưa rút nên chưa tiến hành xử lý môi trường được còn phải tiếp tục ứng cứu các nhu yếu phẩm thuốc y tế, lương thực, quần áo... sau khi nước rút sẽ điều động khảng 500 cán bộ chiến sĩ và các Hội đoàn dọn dẹp vệ sinh môi trường nhằm ổn định cuộc sống”.
Tuy nhiên, cũng tại Quảng Bình và Hà Tĩnh nhiều địa phương nước vẫn đang ngập và công tác xử lý môi trường sẽ tiến hành xử lý sau khi nước rút.
Xử lý, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ ở một số địa phương:
0 nhận xét