Gọi những người làm nghề diễn viên là người bán mặt (tất nhiên chỉ tính những người nổi mặt, ồn tiếng) có thể tạo những hiểu lầm chữ nghĩa, song viết về Nguyễn Hải, tôi cứ vân vi mãi mà không tìm ra được một cách gọi nào khác về anh. Còn có thể là gì khác khi đi đâu anh cũng bị thiên hạ gọi bằng cái tên nhân vật anh thủ vai, nghĩa là người ta nhớ đến khuôn mặt của nhân vật và cứ thế réo gọi bất cứ ở chỗ nào anh xuất hiện. Mà cái sự réo gọi này cũng tréo ngoe, nó ở cả hai cực yêu và ghét. Người yêu thì nồng nhiệt, vồ vập khen ngợi xoắn xuýt, người ghét cũng không thiếu nhiệt tình nhưng đa phần độp thẳng vào mặt kiểu như ông đểu lắm, cái mặt ông thật đểu. Họa thay và cũng vẻ vang thay!
Ngót chục năm trước, Nguyễn Hải thủ vai Trịnh Khả trong phim truyền hình Chuyện làng Nhô. Khi viết kịch bản này dựa vào tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tôi cứ chập chà chập chờn khuôn mặt nhân vật chính Trịnh Khả. Tôi có thói quen luôn mặc định một khuôn hình diễn viên nào đấy vào nhân vật định viết nhưng trong trường hợp này tôi không tài nào hình dung rõ được hình hài như những nhân vật khác, nó cứ lờ mờ thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc ra khuôn mặt quăn quắt kiểu Bùi Bài Bình, lúc xương xương hom hóm gian gian kiểu Quốc Trọng... Đây là một điều rất lạ, thậm chí tối kị khi viết dựng nhân vật. Thoáng chút hoảng hốt, duy tâm, tôi phải thầm khấn với nguyên mẫu nhân vật rằng, anh à, tôi chỉ là người làm nghề, sống bằng nghề, chúng ta không hề quen biết nhau, không thù oán nhau, những gì viết về anh, tôi chỉ gạn lọc ra từ trong tiểu thuyết không chút bịa đặt, ngòi bút của tôi chân thành có sao viết vậy, lòng dạ tôi ngay thẳng không tâm địa xấu xa, mong anh cảm thông, mở lượng…
Kịch bản này viết xong năm 1994 nhưng mãi đến cuối 1997 mới đưa vào sản xuất được. Thời gian dài như vậy nhưng tôi vẫn canh cánh về nhân vật chính Trịnh Khả. Phải đến khi đoàn phim lên đường, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo chỉ vào Nguyễn Hải giới thiệu với tôi đây là Trịnh Khả, thì tôi giật mình đánh thót. Cảm giác chập chờn năm nào giờ hiện hữu cụ thể, sống động từng đường nét. Tim tôi rộn nhịp, đúng là Trịnh Khả, không thể trượt vào đâu được. Đúng như thế nào thì tận đến bây giờ tôi cũng chịu không thể diễn giải được, chỉ biết lúc đó dù Nguyễn Hải chưa hề ăn mặt nổi tên, cũng chẳng biết anh ở đâu, tài cán thế nào nhưng tôi hoàn toàn yên tâm. Một thứ yên tâm cảm tính phủ đầy tâm linh.
Chuyện làng Nhô trình chiếu và mang lại những sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Công bằng thì đó cũng chỉ là một phim bình thường như những phim cùng thời, nhưng Chuyện làng Nhô nóng ở đề tài và những vấn đề nó truyền tải. Cũng công bằng, diễn xuất của Nguyễn Hải phải nói vô cùng đặc biệt, diễn mà như không diễn, không còn là sự hóa thân thông thường mà như thể chính nhân vật Trịnh Khả ấy nhập vào Nguyễn Hải và ngược lại. Có thể nói Chuyện làng Nhô phát hiện ra Nguyễn Hải và chính anh mang đến sự thành công ngoài mong đợi cho phim. Khỏi nói, tôi vô cùng ngưỡng mộ Nguyễn Hải, anh thật sự là một tài năng đích thực.
Nghề viết lách, biên tập, làm phim trên giấy ít khi ra phim trường nên tôi không có điều kiện quen biết cánh diễn viên. Nguyễn Hải cũng vậy, tôi chả mấy khi gặp nên anh hoàn toàn không biết tôi. Không gặp nhưng sự ngưỡng mộ, quý trọng và cảm phục luôn tràn đầy nơi tôi. Cũng bụng bảo dạ hôm nào đó phải gặp anh chàng này một lần, cho đã. Cứ lần lữa mãi nhưng vẫn không có dịp, đành tự than thở, đàn ông cho chí đàn bà cái sự “gặp” này phải có duyên, không “duyên” thì phải “nợ” mới đến với nhau được.
Nghệ sỹ Nguyễn Hải trong một cuộc giao lưu... |
... Và trong một vai diễn. |
Đến một hôm nhân 20/11, đi cùng con gái đến nhà cô giáo dạy nhạc, tôi không tin ở mắt mình, Nguyễn Hải trong vai chủ nhà xăng xái tiếp khách. Hóa ra cô giáo dạy nhạc Lê Thúy Hằng là vợ của chàng diễn viên này. Chúng tôi là bạn của nhau từ hôm ấy. Cái giống đàn ông đã trọng nhau, thích nhau thì bập vào nhau nhanh lắm, còn hơn cả đàn ông đàn bà sét đánh tình yêu. Hải ít tuổi hơn dĩ nhiên gọi tôi bằng anh nhưng có vẻ nom bộ dạng lấc cấc không tuổi tác của tôi nên Hải nghi ngờ thì phải nên đôi khi trong lúc say, bao năm rồi vẫn giật mình một câu hỏi: “Em hỏi thật, đúng là anh hơn tuổi em không?”. Đấy là Hải sợ bị thiệt. Tôi chỉ cười cười, tuổi tác quan trọng gì, xưng hô quan trọng gì miễn là đối xử với nhau thế nào.
Thân Nguyễn Hải tôi mới biết vai diễn Trịnh Khả đã làm thay đổi nhiều cuộc sống của anh. Trước khi Chuyện làng Nhô phát sóng, Nguyễn Hải đã là một diễn viên gạo cội có những vai diễn xuất sắc trong nhiều vở kịch nổi tiếng như vai Bùi Nhiêu trong kịch Quả báo từng công diễn liên tục đến mấy trăm buổi. Đa phần Nguyễn Hải đảm nhiệm các vai chính diện là nhân vật công an, một dạng vai không thể thiếu trong đoàn nghệ thuật của ngành công an. Vai diễn Trịnh Khả như một dấu son đóng vào nghiệp diễn nhưng lại khiến anh khổ sở vì nó. Đi đâu, làm gì anh cũng bị “lộ diện” vì sự hâm mộ thái quá.
Trên sàn diễn kịch nói không tính vì anh vẫn đều đều xuất hiện khi sân khấu đỏ đèn nhưng các đoàn phim sau đó không một ai mời Hải vì sự xuất sắc của vai diễn kia sẽ “nuốt” đi nhân vật của họ. Cái này trong nghề gọi là “chết vai”. Chuyện đến mức thế này, khi viết Đất và người tôi đã nhắm vai Bí thư Thủ, một cán bộ xã thoái hóa (cũng một dạng phản diện) cho Nguyễn Hải nhưng bị lãnh đạo Hãng phim kiên quyết từ chối. Lý do không chấp nhận cũng đơn giản, đưa Trịnh Khả vào là đổ phim chưa biết chừng. Một vai diễn mà nhân vật thay tên đổi họ diễn viên, suy cho cùng là điều bất cứ ai làm nghề cũng mong ước, nhưng đến nước bị tẩy chay thì quá tệ hại. Hải than vãn: “Cứ thế này thì em đói nhăn răng mất, anh phải viết cho em một vai khác thay thế vai Trịnh Khả đi. Cái mặt bán đi đổi lấy danh đã đành nhưng còn cả cơ thể phải ăn, phải sống...”. Tôi biết Hải đùa nhưng vẫn áy náy, cả đời cầm bút được một nhân vật thế đã là quá may, lấy đâu ra mà viết với vọc, thôi đành mắc nợ nhau vậy.
Khi đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Hồng Sơn làm phim Bí mật những cuộc đời của nhà văn Nguyễn Như Phong, tôi phải khẩn khoản hai vị đạo diễn này giao vai Tổng Giám đốc Trần Hùng Lân cho Nguyễn Hải. Rồi tôi cùng đạo diễn mang kịch bản đến tận nơi mời. Khỏi nói Hải mừng như thế nào. Cái mừng của một người yêu nghề được làm nghề khiến tôi không khỏi chạnh lòng vì sự lười biếng của mình.
Lại một vai diễn xuất sắc nữa chứng minh tài năng của Nguyễn Hải. Chưa vượt qua được cái bóng Trịnh Khả, nhưng Trần Hùng Lân đã đảm bảo cho Nguyễn Hải vị thế của mình khi được đạo diễn Hồng Sơn tin tưởng trao cho anh vai Lê Thanh trong hai phần phim Chạy án nổi tiếng. Vai này Nguyễn Hải đóng cùng một nhân vật là chú hổ thật. Chuyện về hổ tôi đã kể không nhắc lại. Nhưng điều này mới là quan trọng, sau vai Trần Hùng Lân, nhiều lời mời vai tới tấp bay đến. Đến lượt tôi đùa lại, cái mặt lại bán tốt rồi, đắt sô rồi. Hải cười hào sảng. Cái cười của một người hiểu nghề, biết mình.
Nguyễn Hải cầm tinh Tuất, Mậu Tuất (1958), sinh và sống tại Nam Định. Ban đầu anh học Mỏ địa chất, đến khi tốt nghiệp ra trường nhận công tác ở Bộ Công nghiệp, đột nhiên thấy ham mê kỳ lạ nghề diễn viên nên quyết định xoay ngang thi vào trường Sân khấu điện ảnh, khoa kỹ thuật biểu diễn. Lại tiếp tục một tấm bằng đại học. Năm 1987 anh xin vào làm cộng tác viên rồi biên chế chính thức, hiện Nguyễn Hải mang quân hàm cấp tá và là một diễn viên kỳ cựu của đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân. Hải ham học, đã có hai bằng đại học nhưng mới đây Hải nhờ tôi tìm giúp một văn phòng luật sư để thực tập hoàn thành khóa đào tạo cấp chứng chỉ luật sư. Lại một điều mới mẻ đáng yêu của Nguyễn Hải. Thì ra anh đã âm thầm học xong tại chức Đại học Luật cách nay vài năm.
Hôm rồi, Hải đến nhà tôi vào lúc khuya muộn mang theo một chai ruợu vang ngon. Suốt buổi uống Hải im lặng. Quật hết chai ruợu, Hải mới rủ rỉ: “Vừa nhận được tin con Hot ốm vì viêm phổi anh ạ (Hot chính là chú hổ diễn viên). Bây giờ nó nặng ngót một tạ, gấp ba lần khi làm bạn diễn với em. Tự nhiên em nhớ nó quá, không biết bây giờ gặp lại nó còn nhớ nổi em không”. Tôi không ngạc nhiên về tâm trạng của Hải, dù cái sự ốm đau này chỉ là một con vật.
Tôi im lặng chỉ nhìn thật sâu vào khuôn mặt Hải. Không còn những vẻ thường thấy của những nhân vật phản diện anh đã thủ vai. Khuôn mặt đó bây giờ ánh lên sự nhân hậu của một người trĩu nặng tâm tình với nghiệp diễn. Một người bán mặt.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến/reatimes.vn
0 nhận xét