Quang cảnh cuộc họp |
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Thời gian qua, UBND TP Hà nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và vận hành các trạm, nhà máy xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt tập trung, làng nghề quy mô lớn, đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường; các dự án đầu tư cải tạo nạo vét và xây dựng hệ thống thủy lợi liên quan thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy, các dự án bổ sung nguồn nước sông, các công trình tiêu thoát nước.
Mặc dù, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác phối hợp với các địa phương còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhưng TP Hà Nội xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, gắn với BVMT và phát triển kinh tế-xã hội nên TP Hà Nội vẫn tập trung đẩy mạnh vào các nhiệm vụ nhằm xử lý triệt để ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
Báo cáo kết quả thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy giai đoạn 2008 – 2020, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết: Trong thời gian qua, các nhà máy XLNT tập trung hiện có trên địa bàn Thành phố, ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được vận hành thường xuyên, có hiệu quả, đáp ứng được khoảng 28,8% nhu cầu XLNT. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt phát sinh từ các khu đô thị đa phần đã được xử lý tại các trạm XLNT phân tán. Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2021, dự án xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ đi vào hoạt động, khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý đạt công xuất khoảng 4000 tấn/ngày, giảm đáng kể tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp truyền thống.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng tích cực triển khai các dự án làm sạch, thu gom, nạo vét Sông Nhuệ, Sông Đáy; xây dựng các trạm bơm tiêu thoát nước; tăng cường công tác giám sát, xử lý vi phạm đất đai, lấn chiếm hành lang sông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BVMT, quản lý tài nguyên nước đối với 12.907 cơ sở; quyết liệt xử lý nghiêm 5.530 cơ sở sản xuất, kinh doanh , dịch vụ , ... có các hành vi vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 76 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Tuấn Định, việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy là việc làm khó bởi có một số khó khăn, vướng mắc về tình hình thực tế, khách quan như công tác BVMT Lưu vực sông Nhuệ - Đáy liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều bộ, ngành và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT, xử lý chất thải của địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí còn hạn hẹp và thiếu nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, do chưa có hệ thống thu gom nước thải dọc tuyến sông Tô Lịch, vì vậy toàn bộ nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả thẳng vào sông Tô Lịch.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả đạt được của Thành phố Hà Nội trong 12 năm qua. Điển hình là Thành phố hoàn thành 3 nhà máy xử lý đốt rác không phát điện, 8 nhà máy XLNT.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá, hiện nay, nước thải sông Tô Lịch là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho sông Nhuệ. Do đó, UBND Thành phố cần có phương án chiến lược để giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch. Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Thành phố trên cơ sở quyết sách, chiến lược của thành phố.
Bên cạnh đó, tiếp thu các ý kiến của UBND Thành phố, thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức điều tra, đánh giá ưu điểm và vướng mắc tại 3 lưu vực sông: Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai. Trên cơ sở đó, đề xuất chiến lược bảo vệ môi trường sông Nhuệ - Đáy trong giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi làm việc, UBND TP Hà Nội kiến nghị với Bộ TN&MT về kế hoạch triển khai công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy giai đoạn tiếp theo như nghiên cứu việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề một cách đồng bộ từ cơ chế, chính sách và công nghệ xử lý; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành đầu tư xây dựng các nhà máy, trạm XLNT cho các bệnh viện, cơ sở y tế do Trung ương, các Bộ, ngành quản lý trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
0 nhận xét