Sáng 21-10, tại Trường Chính trị (TP Đà Nẵng) diễn ra trọng thể lễ khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Tham dự đại hội có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, thay mặt Bộ chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo đại hội. Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên BCH trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam; các đồng chí nguyên Bí thư, Phó Bí thư Thành uỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ qua các thời kỳ; các đồng chí nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, HĐND TP, các đồng chí nguyên Uỷ viên BCH Đảng bộ TP khoá XXI; đại biểu lão thành cách mạng; Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT Nhân dân, Anh hùng Lao động. Đặc biệt có 349 đại biểu chính thức đại diện cho 59.093 đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu chỉ đạo đại hội. |
Phát biểu khai mạc đại hội, đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố khẳng định, nhiệm kỳ qua, thành phố đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách, nhất là phải tập trung khắc phục, xử lý những sai phạm, khuyết điểm theo các kết luận của Trung ương. Đặc biệt, sự bùng phát, lây lan chưa rõ hồi kết của đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ.
Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu khai mạc đại hội. |
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, nội bộ đoàn kết, thống nhất; công tác cán bộ đã dần đi vào nền nếp, thực hiện đúng quy trình, chất lượng nhân sự, đảm bảo tính kế thừa trong chuyển giao giữa các thế hệ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng cao; kỷ luật, kỷ cương được giữ vững; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Kinh tế duy trì nhịp độ tăng trưởng; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn được chú trọng phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ giúp diện mạo đô thị thành phố tiếp tục thay đổi nhanh, phát triển theo hướng bền vững hơn, hướng đến phục vụ tốt hơn lợi ích của người dân và hài hòa với sự phát triển của doanh nghiệp. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được mở rộng; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường. Văn hóa - xã hội, xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng đạt được nhiều tiến bộ.
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng trình bày báo cáo chính trị tại đại hội. |
Đặc biệt, thành phố đã phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu Bộ Chính trị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030. Các văn kiện trên có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển Đà Nẵng trong thời gian đến.
Bước vào Đại hội, thành phố Đà Nẵng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, những khó khăn, thách thức này đã bộc lộ trước Đại hội Đảng bộ nên thành phố đã sớm chủ động nhận diện, kịp thời đề ra và quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp, có hiệu quả; qua đó, rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu cho thời gian tới để đề ra các chính sách, biện pháp phục hồi và phát triển sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế thành phố.
Thành phố cũng có những thuận lợi cơ bản, đó là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và sắp đến đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đây được xem là những công cụ, định hướng quan trọng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của nhiệm kỳ này để tiếp thêm động lực, niềm tin, là bước tạo đà cho thành phố chúng ta phát triển trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. |
Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội của đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đà Nẵng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ với nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng thực hiện toàn diện 10 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đặc biệt, đã nghiêm túc khắc phục các sai phạm, khuyết điểm theo các kết luận kiểm tra, thanh tra của Trung ương.
Công tác vận động quần chúng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân có nhiều khởi sắc. Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai có hiệu quả và trở thành hoạt động thường xuyên. Kinh tế duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn được chú trọng phát triển. Kết quả giai đoạn 2016-2019, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn ước tăng 7,5%/năm, gấp 1,5 lần năm 2015; Tổng sản phẩm xã hội bình quân đầu người ước đạt hơn 95 triệu đồng (tương đương gần 4.100 USD).
Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch đúng định hướng với tỷ trọng dịch vụ 65%; công nghiệp - xây dựng 22,3%; nông nghiệp 2,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 10,4%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước tăng 5,5%/năm, cơ cấu nguồn thu chuyển dịch theo hướng bền vững hơn.
Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch đạt nhiều kết quả, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định; thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc. Thành phố đã đầu tư hoàn thành cơ bản hạ tầng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; đưa vào hoạt động Khu công nghệ thông tin giai đoạn 1, tiếp tục khởi công Khu công viên phần mềm số 2. Kinh tế biển và cảng biển có bước phát triển, thành phố đã hoàn thành dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2; hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu để trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định; ban hành và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Ngành nông nghiệp được tái cơ cấu sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất hữu cơ, phát triển sản phẩm có thế mạnh và đặc trưng địa phương nhằm phục vụ nhu cầu đô thị và du lịch. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, 12 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu; tỷ lệ che phủ rừng của thành phố hiện nay đạt 47% (cao hơn bình quân cả nước là 42%).
Việc xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị được triển khai đồng bộ, có trọng điểm. hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân và vì sự phát triển bền vững của thành phố. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách thành phố giai đoạn 2015-2020 đạt 43.500 tỷ đồng. Thực hiện Đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường đạt kết quả tích cực. Các dự án trọng điểm về môi trường, cấp thoát nước, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được ưu tiên triển khai. Hệ thống cấp nước khu vực đô thị đạt trên 97%, khu vực nông thôn đạt trên 70%; công tác thu gom chất thải rắn trong đô thị đạt trên 95%; diện tích cây xanh đô thị đạt khoảng 7,5 m2/người. Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường được tập trung xử lý, cải thiện đáng kể.
Thành phố thực hiện linh hoạt, đồng bộ các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2016-2020, đã thu hút được hơn 77.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gần 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; so với năm 2015, số lượng doanh nghiệp tăng gấp hai lần và số vốn tăng gấp ba lần. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng bình quân 3,7%/năm, riêng năm 2020 ước đạt gần 38 ngàn tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2015; năm 2020 tỷ trọng vốn đầu tư phát triển chiếm 35% tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị được thực hiện hiệu quả.
Toàn cảnh Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. |
Đặc biệt, Đà Nẵng đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng đạt nhiều tiến bộ, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở được triển khai theo quy hoạch và bước đầu phát huy hiệu quả hoạt động. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thường niên, góp phần nâng cao vị thế và quảng bá hình ảnh thành phố. Công tác quốc phòng - an ninh được triển khai hiệu quả, giữ vững được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra “điểm nóng”.
Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân được củng cố; đã xây dựng được hải đội dân quân thường trực nhằm tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được triển khai toàn diện, quyết liệt. Việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đạt nhiều kết quả, tạo chuyển biến rõ nét.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Đà Nẵng đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu kém, tồn tại trong thời gian qua và đề nghị Đà Nẵng cần phải có những bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Cụ thể, Đà Nẵng cần triển khai quản lý tốt, là thành phố có tầm nhìn rộng mở, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, giúp thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Cần xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số là giải pháp để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững. Khẳng định là trung tâm văn hóa xã hội khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Đà Nẵng phải đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế, trở thành đầu tàu dẫn dắt phát triển trong vùng.
Để đạt được mục tiêu đó, Đà Nẵng cần tăng cường ứng dụng những thành tựu của công nghệ 4.0, đổi mới mạnh mẽ mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, ưu tiên nguồn lực thích đáng để đầu tư phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là động lực quan trọng để phát triển thành phố thời gian tới.
0 nhận xét