Trước năm 2017, thành phố Hà Nội giao các quận, huyện, thị xã thực hiện phương thức đấu thầu với các doanh nghiệp môi trường thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, duy trì vệ sinh môi trường. Do mỗi địa phương xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu khác nhau nên chất lượng vệ sinh môi trường không đồng đều... Khắc phục tình trạng trên, từ năm 2017, thành phố chuyển sang phương thức đấu thầu tập trung công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải và toàn thành phố có 26 gói thầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Theo bà Nguyễn Thị Dung - công nhân môi trường Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, so với trước khi đấu thầu, hiện mỗi ca làm việc phải tăng thêm khoảng 2 giờ mới làm hết khối lượng công việc. Còn chị Nguyễn Thị Hồng - công nhân môi trường của Hợp tác xã Thành Công thu gom rác ở huyện Hoài Đức nói: “Công nhân làm việc rất vất vả nhưng vẫn bị doanh nghiệp thường xuyên chậm trả lương...”.
Phó Giám đốc Hợp tác xã Thành Công Nguyễn Xuân Quý cho biết: Theo gói thầu hợp tác xã ký với huyện Hoài Đức thì các hạng mục thu gom, vận chuyển rác, duy trì vệ sinh môi trường đều vượt khối lượng thực tế. Từ năm 2017 đến nay, số tiền vượt khối lượng thu gom đơn vị chưa được thanh toán khoảng 30 tỷ đồng, dẫn đến việc chậm trả lương cho công nhân.
Tương tự, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai Vũ Công Minh nhận định: “Theo nội dung của gói thầu thì 8 ngày đơn vị mới thu gom rác một lần. Tuy nhiên, do rác thải tồn đọng nhiều nên các địa phương yêu cầu chúng tôi tăng tần suất thu gom lên 3 lần/tuần, thậm chí là thu gom hằng ngày nên phát sinh khối lượng lớn”. Ông Minh dẫn chứng thêm, theo hợp đồng, mỗi ngày công ty vận chuyển 145 tấn rác của huyện Chương Mỹ và 80 tấn rác của huyện Quốc Oai. Nhưng thực tế, khối lượng rác của huyện Chương Mỹ tăng thêm 30 tấn/ngày, của huyện Quốc Oai tăng gần 40 tấn/ngày.
Theo liên sở Tài chính, Xây dựng, tổng giá trị khối lượng phát sinh tăng thêm so với giá trị đấu thầu của 26 gói thầu vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố đến tháng 8-2020 là gần 594 tỷ đồng. Phần giá trị tăng thêm này thành phố chưa phê duyệt kinh phí phát sinh nên các doanh nghiệp môi trường chưa được thanh toán, dẫn đến một số đơn vị chậm trả lương cho công nhân.
Để đẩy nhanh tiến độ thanh toán cho các doanh nghiệp môi trường, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai Vũ Công Minh đề xuất: Các sở, ngành liên quan sớm trình thành phố phê duyệt bổ sung kinh phí do tăng khối lượng; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá còn thiếu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường để làm căn cứ thực hiện.
Về phía các quận, huyện, nhiều địa phương đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng phương án đăng ký nhu cầu thu gom rác, vệ sinh môi trường sát thực tế để công tác đấu thầu thời gian tới khắc phục tồn tại trên. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, huyện sẽ phân tích rõ nguyên nhân và kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị liên quan trong việc để phát sinh chênh lệch giá trị gói thầu nêu trên...
Liên quan vấn đề trên, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngày 10-8-2020, liên sở Tài chính, Xây dựng đã có báo cáo rà soát các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định liên quan, đề xuất UBND thành phố xem xét, chấp thuận phê duyệt khối lượng phát sinh ở các gói thầu... Liên sở cũng đề xuất UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tổ chức đánh giá công tác dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn...
Hy vọng, những bất cập trên sớm được tháo gỡ để việc đấu thầu tập trung công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn ngoại thành phát huy được hiệu quả.
0 nhận xét