Sở hữu Trung tâm can thiệp tim mạch TAVI độc lập đầu tiên, tiên phong ứng dụng kỹ thuật y học tiên tiến nhất; thực hiện thành công hàng loạt các ca phẫu thuật phức tạp cùng việc công bố những nghiên cứu y học có giá trị quốc tế trong lĩnh vực tế bào gốc, công nghệ gen… là những thành tựu chứng minh năng lực chuyên môn của hệ thống y tế Vinmec. Tất cả những thành công này là những bước tiến quan trọng trong chiến lược vươn tầm quốc tế của Vinmec, trong đó có những nghiên cứu “made by Vinmec” góp phần làm thay đổi cái nhìn của cộng đồng về y học Việt Nam.
Trở thành “hiện tượng” trong y giới nhờ làm chủ các kỹ thuật phức tạp
Từ năm 2017, Bệnh viện Vinmec Central Park (TP HCM) đã trở thành Trung tâm can thiệp tim mạch TAVI độc lập đầu tiên tại Việt Nam. Cũng trong thời điểm này, GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Vinmec Central Park đồng thời được công nhận là Chuyên gia đầu tiên của Việt Nam về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI).
GS.TS Võ Thành Nhân - GĐ Trung tâm Tim mạch Vinmec Central Park (thứ hai từ phải qua) được công nhận là chuyên gia đầu tiên của Việt Nam về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI). |
Trong lĩnh vực gây tê giảm đau, Vinmec gây chú ý khi trở thành nhân tố tiên phong bằng những cải tiến đặc biệt – điển hình là kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giúp giảm đau toàn diện, rút ngắn thời gian hồi sức tích cực, loại trừ nguy cơ đau sau mổ và đau mãn tính trên 96% bệnh nhân mổ tim. Vinmec trở thành bệnh viện đầu tiên trên thế giới công bố các ca phẫu thuật tim hở áp dụng ESP tại Hội nghị gây mê giảm đau thế giới lần 43 vào tháng 4/2018 (Mỹ). Hiện Vinmec đã có kinh nghiệm thực hiện hơn 1.000 ca ESP trong mổ tim hở với tỷ lệ thành công 100%.
Hơn 1.000 ca mổ tim không đau được thực hiện tại Vinmec với kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống, giúp người bệnh phục hồi sớm sau mổ. |
Ứng dụng phương pháp gây tê vùng trong sản khoa từ năm 2017, cho đến nay, Vinmec vẫn là bệnh viện đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sử dụng các gây tê vùng để giảm đau trong và sau phẫu thuật trong sản khoa. Với những thành công vượt trội đó, các kỹ thuật sinh không đau tại Vinmec trở thành một hiện tượng được y giới trong và ngoài nước quan tâm. Vinmec đã chuyển giao kỹ thuật này cho nhiều bệnh viện ở châu Á và châu Âu.
Trong các lĩnh vực khác, Vinmec cũng gây được tiếng vang khi là một trong những bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công các kỹ thuật như: ghép gan cho trẻ dưới 10kg, ghép tim bán phần (LVAD), ứng dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, phẫu thuật Robot điều trị các bệnh lý ung thư, tiêu hóa, phụ khoa... với tỉ lệ thành công lên đến 95%.
Những nghiên cứu “made by Vinmec” thay đổi cái nhìn về y học Việt Nam
Một trong những thành tựu được quốc tế ghi nhận chính là công trình nghiên cứu lớn nhất về bộ gen người Việt do GS. TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen và các cộng sự thực hiện. Công trình đã được công bố trên Tạp chí di truyền quốc tế uy tín Human Mutation vào tháng 07/2019, là nghiên cứu lớn và công phu nhất về bộ gen người Việt từ trước đến nay. Kết quả nghiên cứu cũng mở ra cơ sở tham chiếu cho nhiều nghiên cứu y – sinh, từ đó góp phần giải đáp nhiều vấn đề sức khỏe của người Việt Nam. Đây cũng là một trong những nghiên cứu đầu tiên của các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ gen tại Việt Nam được hội đồng chuyên môn của tạp chí lựa chọn là một trong những nghiên cứu xuất sắc, được đăng tải rộng rãi; khẳng định khả năng nghiên cứu chuyên sâu, độc lập và bắt kịp xu hướng của các nhà khoa học Vinmec nói riêng và Việt Nam nói chung.
Công bố của Vinmec vào tháng 9/2020 về kết quả nghiên cứu về đột biến gen ở trẻ tự kỷ là nền tảng cho các sàng lọc, chẩn đoán, tư vấn di truyền, điều trị tự kỷ trong tương lai. |
Tiếp theo công trình này, Viện tiếp tục công bố nghiên cứu khoa học về việc phát hiện đột biến ở 6 gen mới liên quan đến trẻ tự kỷ ở Việt Nam, được thực hiện độc lập từ năm 2016 - 2019. Đây là nghiên cứu lớn và công phu nhất về gen trên trẻ tự kỷ ở Việt Nam mang ý nghĩa tiên phong trong khoa học, đồng thời là cơ sở nền tảng cho các sàng lọc, chẩn đoán, tư vấn di truyền, điều trị tự kỷ trong tương lai. Mới đây nhất, tháng 09/2020, Tạp chí Stem cell translational medicine và Frontier in Pediatric (Mỹ) đã đăng tải những công bố khoa học đầu tiên trên thế giới về ghép tế bào gốc cho trẻ tự kỷ và đuối nước được thực hiện tại Viện.
Tập trung nghiên cứu gốc rễ những căn bệnh nan y, từ đó có những ứng dụng hiệu quả cho bệnh nhân, trong những năm qua, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec đã mở ra hy vọng cho nhiều trẻ em bị bại não và tự kỷ, thực hiện thành công nhiều ca ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh như đa u tủy, xơ cứng rải rác, liệt tủy do chấn thương cột sống, teo đường mật bẩm sinh, thoái hóa khớp gối, xơ gan... Trong điểm nóng của đại dịch Covid-19, Viện đã phát triển thành công 02 bộ Kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (VinKit) giúp tăng tốc độ xét nghiệm lên gấp 2 lần so với các bộ Kit đang có trên thị trường, đạt chất lượng tương đương các sinh phẩm chẩn đoán theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Với những công trình nghiên cứu khoa học về tế bào gốc và gen được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu của thế giới, Vinmec đã thực sự khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học ở tầm quốc tế, góp phần thay đổi cái nhìn của cộng đồng quốc tế về công tác nghiên cứu, công bố khoa học tại Việt Nam.
Bà Lê Thúy Anh, Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec cho biết, trở thành Hệ thống Y tế hàn lâm đẳng cấp quốc tế là bước đi chiến lược đã nằm trong lộ trình phát triển của Vinmec. Tại thời điểm này, Vinmec đã trở thành một trong những hệ thống y tế được người bệnh tín nhiệm, đồng thời được Tập đoàn Vingroup đầu tư rất lớn cho đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống máy móc phục vụ khám chữa bệnh thuộc loại tiên tiến bậc nhất... Đây chính là thời điểm thích hợp để Vinmec tham gia sâu hơn vào y học hàn lâm, góp phần cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực này ở Việt Nam./.
0 nhận xét