Ngày 18/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức Tọa đàm về "Thực hiện quy định lắp camera trên xe chở khách từ 9 chỗ ngồi trở lên, xe đầu kéo và xe container" theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ - Những vướng mắc và kiến nghị" với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp vận tải.
Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô và đã có hiệu lực thi hành từ 1/4/2020: Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km. Hình ảnh camera trên xe phải được truyền với tần suất từ 15 - 20 lần/giờ (tương đương từ 3 - 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, qua trao đổi với các doanh nghiệp hội viên có nhiều phương tiện thuộc diện phải lắp camera và một số hiệp hội vận tải địa phương nhận thấy chưa có đơn vị nào lắp camera trên xe theo quy định nói trên, đồng thời các đơn vị cũng phản ánh chưa nắm rõ mục đích của việc này (nhất là với yêu cầu lắp camera ở cửa lên xuống xe và trong khoang hành khách) và đề nghị Hiệp hội tiếp tục đề nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành có hướng dẫn cụ thể hơn.
Kiến nghị lùi lắp camera trên xe kinh doanh vận tải do đại dịch covid-19 ảnh hưởng tới kinh doanh (Ảnh VTC New). |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, một trong những nội dung mà nhiều doanh nghiệp có ý kiến đó là chi phí cho việc lắp đặt và truyền dữ liệu hình ảnh về máy chủ.
Cụ thể, theo quy định của Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô quy định: đối với xe khách phải lắp 3-4 camera mới đủ để ghi hình đối với lái xe, tại các cửa lên xuống và khoang hành khách.
Giá camera trên thị trường có nhiều loại nhưng qua khảo sát trung bình với loại có tinh năng truyền dữ liệu như quy định là 3 triệu đồng/camera và số camera phải lắp cho toàn bộ các đối tượng phải lắp là 800.000- 900.000 đồng/chiếc.
Bên cạnh đó chi phí truyền dữ liệu khi sử dụng sóng 4G (từ 1/7/2021 sẽ không sử dụng sóng 2G, 3G) sẽ tăng khoảng 3 lần so với sử dụng sóng 2G. Tính toán của các chuyên gia cho thấy nếu sử dụng sóng 4G doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra từ 240.000-320.000 đồng/máy/tháng.
Đặc biệt, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng cần làm rõ việc việc lắp camera ghi hình đối với các hành khách trên xe trong suốt quá trình tham gia giao thông có vi phạm quyền riêng tư của hành khách không?.
Đối với xe khách giường nằm, nếu ghi hình hành khách thì phải nhiều camera và gây tốn kém. Còn quy định đối với việc lắp camera ở khoang tài xế là phù hợp nhưng cũng chỉ phục vụ việc quản lý điều hành của doanh nghiệp không cần thiết truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc lắp camera ở cửa lên xuống xe cũng không cần thiết vì nó cũng chủ yếu phục vụ việc quản lý doanh nghiệp và hiện nay một số doanh nghiệp cũng đã lắp để quản lý hành khách lên xuống xe.
Đồng thời, hiện nay một số thiết bị đầu cuối (như giám sát hành trình) cũng đang chịu nhiều bộ quản lý như Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây nhiều phiền hà trong thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
0 nhận xét