Theo phản ánh của dư luận, việc nhiều dự án với quy mô lớn “mọc” lên ồ ạt là nguyên nhân phá vỡ quy hoạch, hạ tầng tại khu vực này.
Tốc độ phát triển nhà cao tầng quá nhanh dọc 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu tạo nên áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật. |
Trục đường Lê Văn Lương và Tố Hữu đi qua địa phận các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Hà Đông. Tổng chiều dài khoảng 7.5 km, bắt đầu từ điểm giao cắt Ngã tư Láng - Láng Hạ - Lê Văn Lương, tới điểm cuối là ngã tư Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Yên Lộ. Đây là là một trong những tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, trong những năm qua, hàng loạt dự án chung cư cao tầng không ngừng mọc lên, “chen chúc” nhau dọc hai bên tuyến đường đang gây nên sự quá tải về hạ tầng, với các hiện tượng ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm…
Theo khảo sát, chỉ tính riêng đường Lê Văn Lương hiện có tới 33 dự án chung cư cao 25-35 tầng, đa số các dự án đã đưa vào sử dụng. Cụ thể: Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower do Tổng Công ty Thành An và đối tác đầu tư Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Ba Đình là chủ đầu tư (30 tầng nổi, 2 tầng hầm); tòa nhà trung tâm thương mại 32 tầng (Hadinco); Trụ sở Tổng Công ty HUD kết hợp với Văn phòng cho thuê HUD Tower (2 tòa tháp cao 32 tầng và 27 tầng); dự án nhà ở (HACCI cao 25 tầng); dự án nhà ở Tổng công ty Coma (25 tầng); dự án công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng (Công ty TNHH MTV kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội cao 25 tầng); chung cư cao tầng của Công ty Cổ phần dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội cao 32 tầng; tòa chung cư của Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Vneco Hà Nội cao 35 tầng; nhà chung cư của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và đô thị 18; tổ hợp tòa nhà cao tầng Sunrise cao 25 tầng… Hết đường Lê Văn Lương đến tuyến đường Tố Hữu cũng đang phải gánh trên mình hàng chục dự án dự án bất động sản với quy mô lớn san sát nhau như dự án như: CT14, CT Trung Văn, Ecolife Capitol, The Light, The Pride, Roman Plaza... dự án khu đô thị mới Dương Nội, khu đô thị mới Vạn Phúc, Văn Khê, An Hưng với quy mô dân số lên tới hàng chục nghìn người dẫn tới áp lực giao thông sẽ còn đè nặng lên tuyến đường này.
“Siêu” đô thị Dương Nội của Công ty Nam Cường có quy mô dân số tương đương dân số của một phường. |
Điển hình cho việc quá tải về hạ tầng tại khu vực này là Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính do Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư. Dự án từng được coi là một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian qua cư dân tại khu đô thị cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan, chính quyền địa phương về việc khu vực này bị phá vỡ quy hoạch trong suốt 20 năm qua.
Theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt năm 1998, với mật độ xây dựng hơn 34% dự án có 8 toà nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. Chỉ 3 năm sau đó, quy hoạch đã điều chỉnh tăng gấp đôi về số toà lên 16 toà cao tầng. Chiều cao mỗi toà cũng tăng lên gấp đôi, dao động từ 9 đến 21 tầng. Và sau 20 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính tăng lên hơn 50% với 16 toà nhà cao tầng, chiều cao từ 17 đến 34 tầng. Bên cạnh những dự án đã đưa vào sử dụng, hàng chục dự án bất động sản với quy mô lớn vẫn đang tiếp tục triển khai thi công.
Ngay sát Chung cư StarCity (25 tầng), dự án khác trên đường Lê Văn Lương tại Lô số 1, ô đất 4.1CC, đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội do Công ty Cổ phần Dịch vụ và Kinh doanh Bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư, Công trình được xây dựng với quy mô 35 tầng + 05 tầng hầm + 01 tầng kỹ thuật + tum thang, được xây dựng trên diện tích 8.004 m2. |
Dự án MHD Trung Văn (số 29 Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 8.266 m², gồm 2 khối nhà cao 37 tầng và 39 tầng cùng quy mô dân số khoảng 1.021 người. |
Dự án BID Residence (vốn là tòa nhà 104 – CT1 trước đây) tại Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần BID Group. Dự kiến sau khi hoàn thành, dự án này sẽ cung cấp cho thị trường 13 tòa nhà cao tầng hiện đại từ 25 đến 50 tầng với quy mô 2.700 căn hộ. |
Dự án Him Lam Vạn Phúc do chủ đầu tư Him Lam xây dựng. Dự án tọa lạc ngay mặt đường Tố Hữu, Hà Đông. Tổng diện tích khu Liền kề Shophouse của dự án rộng 70.928,7 m2, bao gồm 222 căn Liền kề, Shophouse – Nhà phố thương mại. |
Nằm cạnh Tổ hợp chung cư Roman Plaza 800 căn hộ là Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ Thương Mại và nhà ở QMS Tower cao 45 tầng. |
3 tòa chung cư cao 45 tầng với 1.328 căn hộ đang triển khai thi công. |
Giáp Tổ hợp chung cư Roman Plaza, dự án Ngân Hà Vạn Phúc (Nằm trong quần thể dự án TSQ Galaxy) do Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Toàn cầu GTC làm chủ đầu tư gồm 88 căn shophouse, liền kề 240 căn, biệt thự 06 căn. |
Theo dư luận, việc “mọc” lên hàng loạt cao ốc, dự án khu đô thị mới dọc trên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu là không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Đồng thời dư luận cũng cho rằng hiện có những dự án điều chỉnh tầng cao nhiều lần là nguyên nhân gây nên việc quá tải hệ thống hạ tầng đô thị như: Hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, không gian sống, tiện ích, tiện nghi đô thị bị giảm thiểu, thiếu trường học, vắng bóng cây xanh, môi trường ô nhiễm... .
Từ thực trạng xây dựng như trên, các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 có phù hợp với các chỉ tiêu quy quy định tại khu vực trên theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để trả lời, làm rõ các ý kiến của người dân về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch tại một khu vực trọng tâm phát triển của Thủ đô./.
Theo Huyền Lê/Báo Xây dựng
0 nhận xét