Open top menu
Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

Trả lương chuyên gia đầu ngành ngang với HLV Park Hang Seo

Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây, do tác động chính từ đại dịch COVID-19, 7 tháng đầu năm, Việt Nam có gần 63.500 doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường.

Dẫu vậy, cục này cũng nhận định, nếu dịch bệnh trong nước tiếp tục được kiểm soát tốt và tình hình thế giới diễn biến theo chiều hướng tích cực, bức tranh phát triển của DN Việt Nam có thể xuất hiện nhiều điểm sáng trong những tháng cuối năm. Với việc nắm bắt được nhu cầu dịch chuyển nhà máy sản xuất, nguồn vốn, trước hết là xu thế chuyển dịch đơn hàng, bên cạnh chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân công…một số DN Việt đã có những quyết định mang tính bước ngoặt.

Điển hình là trường hợp của Tập đoàn Sunhouse do CEO Nguyễn Xuân Phú lãnh đạo. Theo ông Phú, từ đầu năm 2020 đến nay, dưới tác động tiêu cực của dịch COVID-19, DN vừa phải đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch, an toàn cho người lao động, đồng thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh ngắn hạn để thích ứng nhanh chóng với bối cảnh kinh doanh bất lợi. Ngoài ra, ông Phú cũng khẳng định: Dịch Covid-19 chỉ là một trong những biến động thị trường buộc bất cứ doanh nghiệp nào khi hoạt động kinh doanh cũng phải luôn có dự phòng và tìm phương thức thích ứng, nhằm đảm bảo được mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp.

Người “thuyền trưởng” của Sunhouse chia sẻ cơ hội đón sóng FDI của doanh nghiệp Việt trong thời kỳ mới

Theo ông Phú, cách đây 3 năm, ông đã có một quyết định mang tính bước ngoặt - đầu tư nguồn vốn khổng lồ vào mở rộng hệ thống nhà máy mới, đầu tư vào hoạt động R&D nhằm hoàn thiện chuỗi sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của dòng sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và xây dựng quy chuẩn sản phẩm xuất khẩu đạt chuẩn Quốc tế.

“Hiện DN đang tập trung vào thay đổi hệ thống quản lý chất lượng, đặc biệt là xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho sản phẩm. Cụ thể, Sunhouse đã mời các chuyên gia đầu ngành từ Hàn Quốc về hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu R&D (lương cao bằng lương của huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang Seo), đào tạo nhân sự công nghệ cao và sắp xếp hệ thống kiểm tra chất lượng luôn hoạt động ở công suất cao nhất”, ông Phú cho biết.

Chiến lược đường dài, đón sóng FDI

Nói về những quyết định táo bạo của mình, Chủ tịch Tập đoàn Sunhous Nguyễn Xuân Phú tiết lộ đã rót hàng triệu USD đầu tư vào 3 nhà máy sản xuất vi mạch Narae Sunhouse System, nhà máy ép khuôn nhựa và nhà máy lắp ráp Sunhouse Lighting.

Sunhouse đã đầu tư 7 triệu USD vào nhà máy vi mạch Narae Sunhouse System với 5 line SMT, công suất 210.000 sản phẩm/tháng

Trong đó, nhà máy vi mạch Narae Sunhouse System có tổng vốn đầu tư 7 triệu USD được xây dựng và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của các hãng điện tử lớn như Samsung, LG…

Nhà máy Narae Sunhouse System được Sunhouse phát triển qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: 5 line SMT với công suất 210.000 sản phẩm/tháng; Giai đoạn 2: 10 line SMT với công suất 500.000 sản phẩm/tháng

Theo ông Phú, việc sở hữu nhà máy vi mạch giúp Sunhouse làm chủ công nghệ lõi, từ đó chủ động hơn trong khâu xây dựng tiêu chuẩn và giám sát tiêu chuẩn sản phẩm. Sunhouse sẽ nâng tầm thương hiệu trong thị trường nội địa và vươn ra thị trường quốc tế, xuất khẩu được sản phẩm đến những thị trường khó tính.

Theo ông Phú, hiện nhà máy này đã hợp tác thành công với các công ty lớn chuyên cung cấp sản phẩm mạch điện tử cho nhà máy Samsung Việt Nam trong việc gia công bản mạch điện tử. Đồng thời, nhà máy này đang hợp tác sản xuất bản mạch điện tử cho công ty TNHH Anker chuyên xuất khẩu sạc điện thoại cho thị trường Bắc Mỹ.

Sunhouse đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để đón sóng FDI

Với nhà máy sản xuất bóng đèn Lighting, Sunhouse trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị từ các phòng lab uy tín nhất thế giới để kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra (test muối, test chống nước, test quang thông, tiếp điện, dòng rò….).

Nhà máy Lighting hiện sở hữu hệ thống kiểm soát chất lượng đáng tin cậy bao gồm 4 phần với SQC (kiểm soát chất lượng nhà cung cấp), IQC (tương phản chất lượng đến), IPQC (kiểm soát chất lượng quá trình) và QA (chất lượng đảm bảo). Sunhouse dự kiến trong thời gian tới sẽ phát triển thêm nhiều dây chuyền, gia tăng sản lượng bóng đèn để đáp ứng yêu cầu nội địa hóa sản phẩm theo chiến lược kinh doanh lâu dài.

“Hiện tại các loại bóng Panel, LED UFO của Sunhouse đều phục vụ xuất khẩu cho thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Đây là những thành tựu bước đầu giúp DN này gia tăng sức mạnh nội lực trong cuộc cạnh tranh trên thương trường cũng như thu hút nhà đầu tư”, ông Phú phấn khởi.

CEO Sunhouse khẳng định DN luôn coi trọng việc kiểm soát chất lượng sản phẩm từ nhà cung cấp tới tay khách hàng và lắng nghe ý kiến từ khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi vậy, hiện tại tất cả sản phẩm của nhà máy bóng đèn đều đảm bảo đáp ứng yêu cầu và được chứng nhận từ các tổ chức quốc tế uy tín như CSA, NSF, DAS.

Thông qua quá trình đầu tư bài bản vào nhà máy vi mạch và nhà máy bóng đèn, Sunhouse đang cho thấy chiến lược đường dài, không chỉ chủ động gia tăng năng lực cạnh tranh mà còn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đón sóng FDI.

Khi đánh giá về hai nhà máy này, ông Nguyễn Xuân Phú cho rằng, việc xây dựng được bộ quy chuẩn sản xuất cho các nhà máy là một bước đi dài hạn trong chiến lược kinh doanh tập trung chất lượng của thương hiệu Sunhouse.

“Sunhouse sẽ thay đổi từ lượng sang chất, phát triển đồng bộ về các lĩnh vực sản xuất mạch, nhựa, cơ khí, khuôn, điện tử, điện lạnh. Chỉ khi hoàn thiện được chuỗi sản xuất khép kín, làm chủ công nghệ lõi, thương hiệu Sunhouse mới có được những bước tiến vững chắc trong tương lai không xa”, ông Phú tin tưởng.

Theo Tuổi trẻ online

Let's block ads! (Why?)

Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét