Yêu cầu doanh nghiệp xả thải chỉ từ 50m3 trở lên phải có bể sự cố, hồ sự cố khiến doanh nghiệp tốn quỹ đất, chi phí xây hồ nhưng hiệu quả thấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đơn vị soạn thảo Nghị định 40/2019/NÐ-CP đang được cho là can thiệp quá sâu vào các công đoạn xử lý chất thải, khiến nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn. Quy định mới này còn “bắt” hàng loạt doanh nghiệp lắp hệ thống quan trắc tự động rất tốn kém.
Trong nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2020, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TN&MT phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện nghị định này.
Mâu thuẫn
Nghị định 40 được Chính phủ ban hành ngày 13/5/2019, sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Nghị định quy định các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục IIa ban hành kèm nghị định này phải có công trình phòng ngừa ứng phó sự cố.
Trong đó, chủ dự án căn cứ vào đặc điểm, tải lượng của dòng thải có thể lựa chọn một số phương án. Mặc dù nói “có thể lựa chọn”, song với các điểm quy định chi tiết, Bộ TN&MT yêu cầu các doanh nghiệp có lượng xả thải chỉ từ 50m3 trở lên phải có bể sự cố, hồ sự cố; thậm chí có doanh nghiệp phải xây hồ sự cố kết hợp với hồ sinh học với khả năng lưu chứa trong 3 ngày.
Nói về quy định này, TS Tô Văn Trường, chuyên gia về môi trường cho rằng “Điều này trước tiên gây tốn kém về quỹ đất cho doanh nghiệp, rất không ổn trong điều kiện Việt Nam eo hẹp về quỹ đất. Gây tốn kém thêm nhiều cho doanh nghiệp phải tăng chi phí xây dựng và vận hành hồ. Không những thế yêu cầu xây hồ còn gây ra rất nhiều hệ lụy pháp lý và kỹ thuật. Vì thế, nhiều doanh nghiệp bế tắc, không thể triển khai dự án được”.
Các doanh nghiệp vô cùng tốn quỹ đất và kinh phí để xây bể/hồ sự cố. Ảnh minh họa: Như Ý |
TS Trường còn chỉ ra rằng, hồ sinh học có thể khiến nước thải sau khi xử lý bị tái ô nhiễm, do hồ nông, rêu tảo dễ phát triển, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu lý hóa của nước thải, khiến cho nhiều nhà máy/dự án chạy đua các giải pháp như (lặp hệ thống ozon để diệt tảo, lắp máy diệt tảo (máy này có đơn vị độc quyền cung cấp), vì thế, doanh nghiệp thêm tốn kém và phiền phức.
Giải đáp về vấn đề này, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, xây hồ chỉ là giải pháp khuyến khích chứ không bắt buộc. Đồng thời các quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 cũng yêu cầu doanh nghiệp phải phòng ngừa, ứng phó sự cố.
Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, chuyên gia về môi trường, mặc dù ở phần thông tin chung quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường có nêu “Có thể lựa chọn” song ở các khoản a), b), c) của nghị định này ghi rõ “Trường hợp …. phải có …”.
Quy định này mập mờ khiến cơ quan quản lý có thể lợi dụng để ép doanh nghiệp phải xây bể, hồ sự cố. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phải làm theo quy định này, đặc biệt tốn kém. Hơn nữa, dù ghi là “có thể” song trong Nghị định 40 cũng chỉ nêu ra một giải pháp duy nhất là phải xây bể/hồ sự cố chứ không nhắc đến giải pháp nào khác. Đại diện Tổng cục Môi trường cũng cho biết, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp xây bể sự cố/hồ sự cố.
TS Tùng cũng cho biết, Luật Bảo vệ Môi trường không có điều nào quy định doanh nghiệp buộc phải xây dựng công trình phòng ngừa ứng phó sự cố. Trên thực tế, để phòng ngừa sự cố môi trường, người ta có thể dùng các biện pháp công trình và phi công trình, không nhất thiết phải dùng bể/hồ điều hòa hay hồ sinh học. Hiện nay, thế giới cũng như trong nước có nhiều phương án công nghệ phòng ngừa sự cố nước thải ngay trong từng công đoạn chứ không chờ đến đầu cuối như vậy. “Bể sự cố hay hồ sự cố kết hợp hồ sinh học là giải pháp tốn kém nhất nhưng ít thông minh nhất”, ông Tùng nói.
Yêu cầu tháo gỡ khó khăn do Nghị định 40 gây ra
Nghị định 40 cũng “buộc” các doanh nghiệp quan trắc chất thải (lấy mẫu tổ hợp), đánh giá hiệu quả trong từng công đoạn xử lý và cả công trình xử lý chất thải”. Theo TS Tô Văn Trường: “Đây là việc can thiệp vào nội bộ qui trình công nghệ sản xuất, gây tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp khi phải lấy mẫu quan trắc rất nhiều, không có nước nào trên thế giới làm như vậy. Luật qui định doanh nghiệp chịu trách nhiệm với chất thải mà doanh nghiệp xả ra môi trường, còn từng công đoạn là việc nội bộ, miễn sao đạt qui chuẩn đầu ra”.
TS Trường cũng chia sẻ thêm, do nghị định ban hành nhưng 6 tháng sau mới có thông tư hướng dẫn nên nhiều doanh nghiệp bị đình trệ quá trình đưa vào vận hành nhà máy tới 6 tháng để xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, thiệt hại là không kể được.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Tổng cục Môi trường cho rằng, qui định này gián tiếp để nhà thầu không giấu được chủ dự án và cơ quan nhà nước trong quá trình đánh giá mẫu chất thải khi vận hành thử nghiệm. Đây là căn cứ vững chắc để cơ quan nhà nước và chủ dự án biết được công trình đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Khi PV Tiền Phong hỏi “có đúng là quy định như trên khiến nhiều doanh nghiệp bị chậm đưa vào vận hành nhà máy 6 tháng không?”, Đại diện Tổng cục Môi trường không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà chỉ cho biết, quy định này có lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây là cách cầm tay chỉ việc. Yêu cầu doanh nghiệp quan trắc công đoạn để xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường lại càng không hợp lý về mặt khoa học khi trong giai đoạn thử nghiệm, không có đầy đủ tải theo thiết kế để thử nghiệm.
TS Hoàng Dương Tùng cũng chỉ ra nhiều bất cập khác của Nghị định 40 như quy định rất nhiều các đối tượng phải lắp thiết bị quan trắc tự động. Có rất nhiều đối tượng có lượng thải rất ít cũng phải lắp quan trắc tự động, trong khi thiết bị quan trắc tự động giá khá đắt. Một doanh nghiệp trang bị đủ thiết bị quan trắc cho một nhà máy có thể tốn từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. “Các nước phát triển cũng không qui định như vậy, vì quá gây tốn kém”, ông Tùng nói.
Trước những bất cập của Nghị định 40, nhiều hiệp hội, đại sứ quán các nước đã có kiến nghị lên Chính Phủ. Chiều 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi làm việc của Tổ công tác với các bộ, cơ quan về phương án xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan tới Nghị định 40.
Bên cạnh việc tháo gỡ những khó khăn hiện tại do nghị định 40, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ TN&MT tiếp tục rà soát, phát hiện bất cập, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị định 40, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, chống tiêu cực, tham nhũng; phòng, chống ô nhiễm môi trường…
Các chuyên gia cho rằng, Bộ TN&MT phải sớm sửa đổi các quy định rất bất cập này khi dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi dự kiến được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội vào cuối năm nay.
Theo Nguyễn Hoài/Tiền Phong
0 nhận xét