Open top menu
Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Anh Trương Văn Cu (1978, ngụ tại thôn 4, xã Tiên Sơn, Tiên Phước, Quảng Nam) đã mồ côi cha từ nhỏ, mẹ anh vì quá lao lực bươn chải với cuộc sống mà lâm bạo bệnh, qua đời năm 2000. Từ khi sinh ra, trí não anh Cu không được thông minh lanh lợi như người ta nên chỉ học hết lớp 2 rồi ở nhà với mẹ. Lớn lên, do sức khỏe yếu nên anh không tìm được việc làm ổn định. Kinh tế gia đình không có, sau khi mẹ mất thì anh càng sống khổ cực hơn.

Anh Trương Văn Cu đang nằm điều trị bỏng tại bệnh viện đa khoa Quảng Nam

Dù sức khỏe yếu nhưng anh Cu vẫn cố gắng đi làm kiếm sống, thậm chí có lúc anh lên tận Gia Lai, Buôn Mê đi hái cà phê cho người ta. Do có phần ngờ nghệch nên khi đi làm, một số chủ cắt xén tiền công của anh nhưng anh không đòi hỏi. Số tiền làm công một ngày chỉ đủ cho anh ăn ba bữa cơm. Duyên trời đưa đẩy, một lần đi hái cà phê ở Gia Lai anh gặp chị La Thị Được (1987) cũng làm thuê, từng lỡ một chuyến đò và có một đứa con trai. Hai người đem lòng thương nhau sau đó kết hôn rồi nắm tay nhau về vùng núi Tiên Sơn quê anh Cu lập nghiệp.

Căn nhà cấp 4 tồi tàn là nơi cả gia đình anh Cu sinh sống

Ngỡ đâu ông trời sẽ bù đắp cho anh một người vợ đảm đang chăm sóc gia đình. Oái ăm thay, chị Được không lanh lợi như bao người mà khờ khạo giống chồng. Lúc này, bệnh động kinh của anh Cu bộc phát ngày càng nặng. Thời gian đầu, anh Cu được anh rể và bà con trong xóm đưa xuống bệnh viện tâm thần Đà Nẵng lấy thuốc uống. Về sau do điều kiện gia đình quá khó khăn nên anh Cu không thể tái khám và bốc thuốc thường xuyên. Số lần lên cơn co giật ngày một nhiều nhưng không có tiền để điều trị.

Tranh thủ những lúc về nhà chị Được lên rừng kiếm củi để dự trữ trong nhà

Giờ đây gánh nặng gia đình càng đè lên vai người phụ nữ nhỏ bé ấy. Vừa sinh con nhỏ được 7 tháng nhưng vì kinh tế gia đình và cũng cần tiền để trị bệnh cho anh Cu, chị Được đành bấm bụng cho con ở nhà anh chăm rồi đi làm rẫy ở xa. Nào ngờ tai nạn bất ngờ xảy ra, trong lúc đang nấu cháo cho con, anh Cu lên cơn co giật, người té vào nồi cháo đang sôi sùng sục trên bếp lửa nhưng không ai biết để đưa đi bệnh viện ngay lúc đó. Hai ngày sau hàng xóm mới hay tin rồi đưa anh xuống bệnh viện đa khoa Quảng Nam điều trị. Vết bỏng khá sâu khiến anh bị nhiễm trùng da rất nguy hiểm.

Trong nhà không có vật dụng gì có giá trị kinh tế để lo cho gia đình

Tìm về căn nhà của anh Cu dưới chân núi Tiên Sơn hiện lên trước mắt chúng tôi là một cái nhà cấp 4 tồi tàn, cũ kỹ. Trong nhà trống rỗng không có vật dụng nào có giá trị. Chia sẻ với chúng tôi, bà Trương Thị Nguyệt (1964, chị gái cùng mẹ khác cha với anh Cu) nói: “Cái nhà này trước kia được dựng bằng gỗ nhưng sau đó bị bão quét qua làm sập ngôi nhà. Vợ chồng tôi và bà con trong xóm gom góp tiền xây tạm lên cho nó và vợ con nó sinh sống. Xây cũng được 15 năm rồi. Bao nhiêu năm qua không thay đổi tiến triển được gì. Anh chị trong nhà mỗi người mỗi cảnh khó khăn, không thể giúp gì cho gia đình thằng Cu cả.”

Bữa cơm đạm bạc của ba mẹ con chị Được. Ngày nào không có tiền mua thức ăn thì chỉ có cơm và nước mắm sống qua ngày

Quả thật như thế, là trụ cột chính trong gia đình thế nhưng số tiền một ngày chị Được làm ra chỉ đủ để lo bữa ăn hàng ngày. Thậm chí có đôi lúc nó còn không đủ ăn thì lấy đâu ra tiền để sửa lại ngôi nhà cho khang trang một chút. Một ngày đi bóc vỏ keo tiền công chỉ 100 - 220 ngàn đồng. Nhưng đó là nghề chính chị có thể làm để lo cho gia đình. Vì thế, không quản nắng mưa, chị len lỏi vào rừng sâu và đi thật xa để mưu sinh. Có những lúc không có keo bóc vỏ thì chị Được lên rẫy cấy lúa, nhổ cỏ, ai kêu làm gì làm đó. Mùa mưa thì chị đi hái rau má rừng về bán kiếm thêm tiền lo cho gia đình. Những ngày không có việc làm thì ngày hôm đó không có gạo ăn.

Chị La Thị Được cùng ba người con trước căn nhà của

Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh anh Trương Văn Cu, bà Nguyễn Thị Hoa – Chủ tịch xã Tiên Sơn nói: “Trường hợp nhà anh Cu rất là khổ, nhà có ba đứa con, anh bị bệnh động kinh, vợ là người đồng bào Cà dong và không biết chữ. Cả gia đình cũng có bảo hiểm xã hội riêng anh Cu thì được hưởng bảo trợ xã hội tháng được mấy trăm ngàn. Nhưng gia đình không có khả năng phát triển kinh tế, chúng tôi cũng có hỗ trợ nhiều mặt vẫn không thay đổi được gì. Qua đây cũng mong các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ cho gia đình họ vượt qua khó khăn.”

Vừa rồi anh Cu nằm viện, chị Được cùng anh chị trong nhà luân phiên chăm anh Cu nên không thể đi làm, con nhỏ cũng cần chăm sóc. Chị nghẹn ngào nói với chúng tôi: “Giờ mong sao cho ảnh mau khỏe để chăm con. Bé thứ hai được 3 tuổi. Đứa út mới 7 tháng. Giờ tôi không đi làm, con thì còn quá nhỏ không ai chăm lấy đâu ra tiền mà ăn. Còn chi phí tiền học cho thằng Tú (con trai lớn của chị) nữa. Tuy nhà trường có giảm một phần học phí hộ nghèo nhưng đối với gia đình chúng tôi số tiền còn lại là một vấn đề lớn.”

Rời khỏi căn nhà tồi tàn ấy, đọng lại trong đầu chúng tôi là những suy nghĩ trăn trở. Rồi đây, tương lai của những đứa trẻ này sẽ ra sao? Có thể bọn trẻ sẽ phải nghỉ học giữa chừng, mù chữ như ba mẹ và tiếp tục số phận làm thuê làm mướn suốt đời giống người lớn, vì hoàn cảnh gia đình quá khổ. Nguồn kinh tế gia đình còn không đủ ăn thì lấy đâu ra cho việc ăn việc học. Còn căn nhà cấp 4 ấy có thể trụ vững trong bao lâu nữa khi những mùa mưa bão sắp đến.

Mọi ủng hộ, giúp đỡ cho gia đình anh Trương Văn Cu, ngụ tại thôn 4, xã Tiên Sơn, H. Tiên Phước, Quảng Nam xin liên hệ chị La Thị Được. Sđt: 0355528185 hoặc ông Trần Một (anh rể anh Cu), điện thoại: 0346813017. Số tài khoản: 56610000236304, chủ tài khoản TRẦN THỊ HOÀI THƯƠNG (cháu ruột anh Cu), Ngân hàng BIDV.
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét