Hãng tin Reuters dẫn đánh giá của Công ty Tư vấn bất động sản CBRE cho biết, Khu trung tâm tài chính (CBD) của Singapore có nguy cơ cao bị ngập khi mực nước biển dâng cao do sự ấm lên toàn cầu.
51 tòa nhà với khoảng 20,8 triệu m² dùng làm văn phòng nằm trong các khu vực có nguy cơ bị ngập nước, trong bối cảnh nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5 °C theo ước tính của Liên hiệp quốc có thể xảy ra từ năm 2030 đến 2052.
CBRE nhấn mạnh, khu vực vịnh Marina với các tòa cao ốc văn phòng trị giá hàng tỷ USD dễ bị ảnh hưởng nhất. Nhiều khu tài chính của Singapore, nơi nhiều công ty đa quốc gia và ngân hàng đặt văn phòng, được xây dựng trên nền đất cải tạo và cao hơn mặt nước biển chưa tới 5m.
Theo CBRE, nhiệt độ toàn cầu tăng 4 độ C vào năm 2100, và thêm 4 triệu m2 khu vực văn phòng tại 13 tòa nhà ở CBD có thể bị ngập nước.
CBRE cảnh báo Singapore dễ bị tổn thương trước các đợt nóng kéo dài, lũ gia tăng và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Chính phủ Singapore đã thông qua một số chính sách phòng ngừa để giảm thiểu tác động này, nhưng vẫn không hoàn toàn loại trừ được các nguy cơ.
Chính phủ nước này cho biết các biện pháp bảo vệ Singapore trước mực nước biển dâng cao có thể tiêu tốn khoảng 100 tỷ đô la Singapore (72 tỉ USD) và kéo dài tới hơn 100 năm.
Quốc đảo Singapore đang nằm trong tâm điểm của mối đe dọa từ mực nước biển dâng cao, khi băng tan ở hai cực khiến dòng nước đổ về xích đạo. Đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm, Singapore đang dốc toàn lực để đối phó.
Theo dự đoán chính thức của Viện Nghiên cứu khí tượng thủy văn Singapore (CCRS), mực nước biển của quốc gia này có thể tăng khoảng 1m đến năm 2100.
Thế nhưng giáo sư Benjamin Horton của Trường Môi trường châu Á, ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), cảnh báo người Singapore nên lo lắng vì mực nước biển có thể còn dâng cao hơn.
Nhà khoa học Muhammad Eeqmal Hassim của Cơ quan Khí tượng Singapore lưu ý mưa lớn trong thời gian ngắn là nguyên nhân chính gây ra lũ quét. Đồng quan điểm, khảo sát viên trưởng của Đài quan sát Trái đất thuộc NTU Adam Switzer cho biết lũ lụt trong nội địa có khuynh hướng tăng, đặc biệt khi mưa lớn diễn ra cùng bão.
Theo đài Channel News Asia, nền kinh tế Singapore đã hứng chịu thiệt hại hơn 32 triệu SGD (tương đương 23,6 triệu USD) vì lũ lụt trong giai đoạn 2000-2015. Chỉ riêng từ tháng 6 đến tháng 7/2010, lũ lụt đã khiến Singapore tiêu tốn gần 17 triệu USD, bao gồm 868 khoản bồi thường bảo hiểm vì kinh doanh gián đoạn, thiệt hại về nhà cửa và phương tiện.
Để đối phó nguy cơ ngày một tăng, Singapore đang nỗ lực phát triển khoa học công nghệ nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, theo báo Straits Times.
Quốc gia này đã thành lập CCRS từ năm 2013. Đây là viện nghiên cứu đầu tiên trên toàn cầu được lập ra nhằm phát triển khoa học nghiên cứu khí hậu nhiệt đới và thời tiết Đông Nam Á nói chung, cũng như Singapore nói riêng.
Singapore cũng thực hiện một loạt chính sách cắt giảm lượng chất thải cácbon, thông qua việc loại chất thải cácbon khỏi ngành kinh tế và đánh thuế môi trường đối với các công ty xả thải. Cùng lúc đó, CCRS đã kêu gọi các chuyên gia nộp đề xuất về nghiên cứu mực nước biển.
Tại lễ quốc khánh Singapore hồi tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng Lý Hiển Long đã công bố kế hoạch đầu tư 100 tỉ SGD (tương đương 73,8 tỉ USD) trong vòng 50-100 năm tới nhằm củng cố đường bờ biển trước nguy cơ nước biển dâng cao.
Theo trang Today Online, kế hoạch này bao gồm xây dựng một nhà máy bơm nước tại đập Marina Barrage, lập các vùng đất thấp có đê bọc và đòi lại những hòn đảo ngoài khơi trên bờ biển phía đông Singapore.
Nhật Hạ (t/h)
0 nhận xét