Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm Ngoại giao Phòng ngừa của LHQ ở Trung Á
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 6/7 đã tiến hành họp trực tuyến thảo luận định kỳ về hoạt động của Trung tâm Ngoại giao Phòng ngừa của LHQ tại Trung Á (UNRCCA).
Tại cuộc họp, Việt Nam bày tỏ mong muốn UNRCCA tiếp tục hỗ trợ các nước Trung Á xử lý các vấn đề cùng quan tâm như ứng phó đại dịch COVID-19 và chống khủng bố.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, báo cáo trước HĐBA, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm người đứng đầu UNRCCA, bà Natalie Gherman điểm lại các hoạt động chính của UNRCCA kể từ sau phiên họp định kỳ của HĐBA vào tháng 1/2020, trong đó tập trung vào hỗ trợ các nước khu vực Trung Á ứng phó với đại dịch COVID-19, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống khác như chống khủng bố và bạo lực cực đoan, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý vấn đề quản lý nguồn nước xuyên biên giới, nâng cao sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong lĩnh vực ngoại giao phòng ngừa. UNRCCA và cá nhân Đại diện đặc biệt Gherman cũng tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nước Trung Á với Afghanistan và các tổ chức khu vực liên quan thông qua hình thức trực tuyến.
Các nước HĐBA đều bày tỏ ủng hộ hoạt động của UNRCCA, chia sẻ các thách thức mà các nước Trung Á phải đối mặt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành, đồng thời đặt câu hỏi cho Đại diện đặc biệt về các hoạt động cụ thể của UNRCCA.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN phát. |
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ ủng hộ và đánh giá cao hoạt động của UNRCCA và cá nhân bà Gherman, coi đây là điển hình tích cực của LHQ trong thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa khu vực; đánh giá cao những tiến triển về an ninh, kinh tế, xã hội ở các nước Trung Á, đồng thời chia sẻ quan ngại về tác động của dịch COVID-19 đối với các nước này. Đại sứ mong muốn UNRCCA tiếp tục hỗ trợ các nước Trung Á quản lý nguồn nước xuyên biên giới cũng như tăng cường hợp tác khu vực và nâng cao vai trò của thanh niên và phụ nữ. Đại sứ cũng đánh giá cao nỗ lực của UNRCCA trong thúc đẩy hợp tác với Afghanistan và các tổ chức khu vực liên quan, qua đó đóng góp chung vào thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững ở khu vực Trung Á và Afghanistan.
UNRCCA được thành lập năm 2007 theo quyết định của Tổng Thư ký LHQ, trên cơ sở sáng kiến của 5 nước Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan về việc thành lập một cơ chế khu vực để thúc đẩy đối thoại, ngoại giao phòng ngừa, hợp tác khu vực và xử lý những vấn đề an ninh phi truyền thống giữa 5 nước này.
Hiện nay, hoạt động của UNRCCA tập trung vào thúc đẩy thực hiện chiến lược toàn cầu của LHQ về chống khủng bố; quản lý nguồn nước xuyên biên giới; xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống như phòng chống tội phạm xuyên biên giới và mới đây là hỗ trợ ứng phó COVID-19 và biến đổi khí hậu; cũng như thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong phòng ngừa xung đột và phát triển bền vững.
Các tổ chức tôn giáo ủng hộ 200 tỷ đồng phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 6/7, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác tôn giáo 6 tháng đầu năm 2020 với một số tổ chức thành viên, cơ quan Trung ương.
Báo cáo kết quả phối hợp trong công tác tôn giáo của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, đây là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người, là nguy cơ cao cho dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, 43 tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh với nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể như: hủy hoặc tạm dừng các hoạt động lễ hội, các buổi hội họp, thuyết giảng, khóa tu tập trung đông người và nhiều hoạt động tôn giáo ở cộng đồng và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng…
Quang cảnh hội nghị |
Bên cạnh đó các tổ chức tôn giáo cũng tham gia đóng góp, ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 với nhiều hình thức phong phú, đa dạng cả về tiền mặt cũng như vật phẩm để góp phần quan trọng cùng cả nước kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam, đến nay các tôn giáo đã tham gia ủng hộ tiền và hiện vật, thiết bị y tế để phòng, chống dịch Covid-19 ước đạt 200 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 6/7, Bộ Y tế tuyên bố "bệnh nhân 91", phi công người Anh khỏi Covid-19, có thể ra viện và không cần cách ly. Ngoài ra 2 bệnh nhân khác cũng được công bố khỏi bệnh. Cùng ngày, Bộ Y tế khẳng định 14 ca nghi nhiễm từ Bangladesh về cách ly tập trung ngay ở Thanh Hóa, dương tính với Covid-19, nâng số ca nhiễm lên 369, trong đó 342 người đã khỏi, ghi nhận 81 ngày liên tiếp không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Hà Nội sẽ tổ chức giải đua xe F1 vào cuối tháng 11/2020
Chiều 6/7, phát biểu làm rõ một số nội dung liên quan đến các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 của đại biểu HDND TP, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết một trong nhiều giải pháp thực hiện là tập trung cho các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa. Thành phố giao Sở Văn hóa- Thể thao xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa phục vụ chào mừng 1010 năm Thăng Long, Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ Thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII…
Hà Nội dự kiến khởi động lại giải đua F1 vào tháng 11/2020 |
Theo Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung, TP đang đánh giá kỹ lưỡng, đàm phán với đơn vị nắm bản quyền để tiếp tục tổ chức giải đua xe công thức 1 (F1) vào cuối tháng 11/2020, đồng thời tiếp tục chuẩn bị chương trình, dự án phục vụ SEA-Games 31 và Paragames 11.
Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung cho biết, giải đua F1 tại Hà Nội đáng lẽ diễn ra vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sự kiện này không thể diễn ra. TP đang xem xét việc tiếp tục tổ chức giải đua xe F1 này, khi đủ điều kiện đảm bảo an toàn về dịch bệnh, giải đấu có thể diễn ra vào cuối tháng 11/2020.
Trước đó, TP Hà Nội và Ban tổ chức giải F1 đã quyết định hoãn sự kiện F1 tại Hà Nội từ giữa tháng 3/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Toàn bộ 291 người từ Nhật Bản đến Đà Nẵng đều âm tính với SARS-CoV-2
Chiều 6/7, Bác sĩ Tôn Thất Thạnh Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho biết, toàn bộ 291 người trên chuyến bay từ Nhật Bản xuống sân bay Quốc tế Đà Nẵng đêm mồng 3/7 đều âm tính với SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế kiểm tra từng công dân khi vào khu vực cách ly. |
Hiện, 178 công dân Việt Nam đang cách ly tập trung tại 2 đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng. Đó là Trung tâm huấn luyện dự bị động viện Đồng Nghệ, đóng tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang và Trung tâm bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng- An ninh, Trung đoàn 971, ở đường Nguyễn Chánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. 1 cháu bé cách ly tại Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng.
Riêng 112 chuyên gia là người Nhật Bản, Thái Lan và các quốc gia khác làm việc cho Tập đoàn FPT thì cách ly tự trả phí tại khách sạn Sand Grands, quận Sơn Trà. Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, các trường hợp này không có vấn đề về sức khỏe và dự kiến sẽ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày 16/7, trước khi kết thúc đợt cách ly 14 ngày.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét