Tặng kỷ niệm chương ‘Vì thế hệ trẻ’ cho Phó Đại sứ Cuba tại Việt Nam
Chiều 14/7, tại Hà Nội, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong tặng kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” Phó Đại sứ Cuba tại Việt Nam Nancy Coro Aguiar vì đã có nhiều đóng góp trong hợp tác thanh niên Việt Nam - Cuba trong thời gian qua.
Cùng dự buổi trao kỷ niệm chương "Vì thế hệ trẻ" tại trụ sở cơ quan T.Ư Đoàn (62 Bà Triệu, Hà Nội) có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera.
Tại buổi trao tặng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong bày tỏ vui mừng được trao kỷ niệm chương "Vì thế hệ trẻ" cho Phó Đại sứ Cuba tại Việt Nam. Đồng thời, cảm ơn Đại sứ và Phó Đại sứ cùng các thành viên Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam trong suốt thời gian qua đã hỗ trợ, tạo điều kiện để tổ chức Đoàn Thanh niên hai nước có điều kiện phối hợp nhiều hoạt động giao lưu thanh niên Việt Nam - Cuba.
“Chúng tôi đã có năm 2019 rất sôi nổi trong hoạt động giao lưu, hợp tác giữa thanh niên hai nước, nếu không có đại dịch COVID-19 thì năm 2020 sẽ tiếp tục có rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Dịch COVID-19 đã có những tác động cụ thể tới việc gặp gỡ trực tiếp, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì các kênh liên lạc, chia sẻ thông tin với các bạn T.Ư Đoàn TNCS Cuba bằng các phương thức khác nhằm duy trì, hỗ trợ lẫn nhau”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nói.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong tặng kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” Phó Đại sứ Cuba tại Việt Nam Nancy Coro Aguiar. |
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong mong muốn dù ở cương vị công tác nào, Kỷ niệm chương sẽ giúp Phó Đại sứ Cuba tại Việt Nam Nancy Coro Aguiar luôn nhớ về thanh niên Việt Nam, về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đồng thời tiếp tục quan tâm, ủng hộ các hoạt động hợp tác giữa Đoàn thanh niên và thanh niên Việt Nam - Cuba.
Phó Đại sứ Cuba tại Việt Nam Nancy Coro Aguiar bày tỏ vinh dự khi được nhận kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. "Nhân dịp này, tôi khẳng định tình cảm tôi với nhân dân Việt Nam và niềm tin sâu sắc không một thế lực nào chia rẽ được Việt Nam với Cuba. Tôi xin hứa làm tất cả để xứng đáng với phần thưởng được nhận hôm nay", Phó Đại sứ xúc động.
Phó Đại sứ Nancy Coro Aguiar cho biết, trong 4 năm nhiệm kỳ công tác đã được chứng kiến việc trao đổi thường xuyên về hợp tác song phương của tổ chức Đoàn hai nước. Đặc biệt, hoạt động gặp gỡ, giao lưu được tổ chức tại Sochi, LB Nga giữa Đoàn thanh niên hai nước nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm là một trong những hoạt động tiêu biểu của thanh niên hai nước.
Nhìn lại quan hệ song phương giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đoàn TNCS Cuba, chúng ta cần khẳng định rằng mối quan hệ này là sự thể hiện sinh động quan hệ lịch sử tốt đẹp giữa Việt Nam và Cuba, tự hào về thế hệ trẻ hai nước, về giá trị, phẩm chất, sự trong sáng của mình đã tham gia đóng góp vào tiến trình lịch sử mỗi quốc gia.
ASEAN thảo luận phương hướng phục hồi hậu đại dịch Covid-19
Cuộc họp liên ngành xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN được tổ chức bằng hình thức trực tuyến ngày 14/7 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, tham dự cuộc họp có các Quan chức cao cấp
ASEAN và ba Phó tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội ASEAN.
Trao đổi tại cuộc họp, các nước đều đánh giá cao nỗ lực của nước Chủ tịch ASEAN 2020 trong tổ chức hoạt động, tạo cơ hội để các cơ quan của ASEAN trong từng trụ cột, các cơ quan liên trụ cột, liên ngành đóng góp ý kiến xây dựng tài liệu Khung phục hồi tổng thể ASEAN theo chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (ngày 26/6).
Các nước khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ cùng nước Chủ tịch ASEAN 2020, các cơ quan của ASEAN và Ban Thư ký ASEAN hoàn tất tài liệu theo đúng lộ trình đề ra, đảm bảo tính toàn diện, bao trùm, khoa học và hiệu quả.
Cuộc họp liên ngành xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến ngày 14/7. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Đóng góp ý kiến vào tài liệu khái niệm Khung phục hồi tổng thể ASEAN, các nước nhấn mạnh cần đảm bảo thúc đẩy hợp tác liên trụ cột, liên ngành trong ASEAN cũng như với các bên liên quan để củng cố sức mạnh tập thể và cách tiếp cận đồng bộ của cả khu vực trong giảm thiểu các tác động đa chiều của dịch bệnh COVID-19.
Các nước cũng thống nhất xây dựng lộ trình phục hồi cho ASEAN trong từng giai đoạn cụ thể bao gồm mở cửa trở lại, phục hồi và hướng tới những mục tiêu lâu dài về nâng cao tính tự cường, khả năng ứng phó và năng lực cạnh tranh của ASEAN.
Đại diện cho nước Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng tất cả thành phần trong Cộng đồng ASEAN đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ người dân, doanh nghiệp, địa phương và các chính phủ. Do đó, Thứ trưởng đề nghị xây dựng kế hoạch phục hồi cần đảm bảo đúng và trúng các thành phần này.
Thứ trưởng kêu gọi nỗ lực cao nhất để giúp người dân vượt qua các khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên tinh thần Cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. Trong đó, các nước cần phối hợp chính sách và các biện pháp để hỗ trợ lực lượng lao động đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng hoặc được đào tạo lại để tìm công việc mới, tập trung vào hỗ trợ phụ nữ và thanh niên. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ xã hội đến người thất nghiệp, người già, đảm bảo trẻ em được tiếp cận giáo dục; bảo vệ lao động nhập cư.
Đối với doanh nghiệp, Thứ trưởng đề nghị lắng nghe nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang hoạt động tại những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, hàng không, dịch vụ, may mặc và dệt may; cung cấp các gói hỗ trợ cấp quốc gia và khu vực để thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối; ứng dụng công nghệ, đảm bảo duy trì chuỗi cũng ứng…
Với các địa phương, Thứ trưởng đề nghị hỗ trợ nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ y tế, dịch vụ công cộng thiết yếu, sẵn sàng cho việc mở cửa lại và chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Về các giải pháp hỗ trợ cho các chính phủ, Thứ trưởng đề nghị sự chung tay, đảm bảo cách tiếp cận cả Cộng đồng, liên chính phủ trong phục hồi; tăng cường việc chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin về định hướng phục hồi, đồng thời duy trì kiểm soát dịch bệnh.
Tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, dự thảo Khung phục hồi tổng thể ASEAN sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới và trình các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11/2020).
Nhật Bản xem xét nới lỏng nhập cảnh từ Mỹ và Châu Âu
Đến chiều hôm nay (14/7), Nhật Bản ghi nhận 319 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số người nhiễm lên 23. 229 ca. Tuy nhiên, số ca nhiễm tại thủ đô Tokyo có xu hướng giảm, trong khi đó một số địa phương khác tăng. Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn đang xem xét nới lỏng nhập cảnh từ Mỹ và Châu Âu.
Sân bay quốc yế Haneda ở thủ đô Tokyo. Ảnh: AP. |
Thủ đô, Tokyo xác nhận có thêm 143 ca nhiễm mới vào hôm nay. Như vậy, cho đến nay đã có gần 8.200 người nhiễm tại thành phố hơn 14 triệu dân này. Trước đó, trong 4 ngày liên tiếp số ca nhiễm mới mỗi ngày đều trên 200 ca. Đa số ca nhiễm gần đây là người trẻ tuổi hay lui tới các khu giải trí về đêm.
Bộ trưởng tái thiết kinh tế của Nhật Bản Nishimura Yasutoshi cho biết, số ca nhiễm đang gia tăng đáng kể và Nhật Bản phải có biện pháp ứng phó mạnh mẽ và nhận thức rõ ràng về khủng hoảng. Theo đó, các chuyên gia cần thảo luận về tính cần thiết của việc yêu cầu đóng cửa những câu lạc bộ ban đêm hay không?
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét cho phép lãnh đạo các doanh nghiệp từ Mỹ và châu Âu nhập cảnh vào Nhật với một số điều kiện nhất định. Tuy nhiên, những quốc gia này là những quốc gia phần lớn kiểm soát được việc bùng phát dịch Covid-19. Nếu được phép, rất có thể những đối tượng này sẽ được nhập cảnh với số lượng nhỏ và thời gian lưu trú ngắn. Một số quan chức chính phủ đang kêu gọi các lãnh đạo này đến Nhật bằng máy bay riêng.
Trước đó, Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam và đang hướng tới bắt đầu đàm phán với 10 nước và vùng lãnh thổ khác bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan về nới lỏng nhập cảnh.
Nhật Bản dự kiến muộn nhất là cuối tháng 9 sẽ tăng cường năng lực xét nghiệm tại các sân bay lên mức khoảng 10 nghìn người/ngày.
Anh sẽ loại bỏ hoàn toàn Huawei vào năm 2027
Quyết định được chính phủ Anh đưa ra trong ngày 14/07 sẽ cấm việc mua tất cả các thiết bị 5G của tập đoàn Huawei từ sau năm 2020 và đến năm 2027 sẽ chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của Huawei trong hạ tầng viễn thông Vương quốc Anh.
Văn phòng Huawei tại Vương quốc Anh. Ảnh: The Guardian. |
Quyết định của chính phủ Anh được Bộ trưởng Văn hoá, truyền thông và thể thao Anh, ông Oliver Dowden thông báo chính thức trước các nghị sĩ tại Hạ viện Anh chiều ngày 14/07.
Theo ông Oliver Dowden, quyết định được chính phủ Anh đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh, một đơn vị trực thuộc cơ quan tình báo nước này và việc loại các thiết bị của tập đoàn Huawei khỏi hạ tầng viễn thông nước Anh được xem là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ an ninh quốc gia của Anh.
Tuy nhiên, ông Dowden cũng thừa nhận, các lệnh trừng phạt bổ sung mà chính quyền Mỹ liên tiếp áp đặt nhằm vào Huawei cũng có tác động lớn đến quan điểm của chính phủ Anh.
“Thực tế là Mỹ đã có các trừng phạt bổ sung đối với Huawei và vì có các diễn biến đó, cách tiếp cận của chúng tôi cũng thay đổi. Theo đó, chúng tôi quyết định rằng sẽ không có thiết bị nào của Huawei được mua sau khi kết thúc năm 2020 và sẽ có một kế hoạch rõ ràng để loại bỏ hoàn toàn Huawei vào năm 2027, theo một lộ trình không thể đảo ngược sẽ được thiết lập vào thời điểm diễn ra tổng tuyển cử lần tới vào năm 2024”.
Về tác động của quyết định loại Huawei, Bộ trưởng Văn hoá và truyền thông Anh thừa nhận việc này sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến tốc độ triển khai mạng viễn thông 5G tại Anh. Theo tính toán, việc loại bỏ các thiết bị của Huawei và tìm kiếm thiết bị thay thế sẽ khiến việc triển khai 5G tại Anh chậm thêm 2-3 năm và khiến các tập đoàn viễn thông nước này thiệt hại khoảng 2 tỷ bảng Anh.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét