Open top menu
Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Chính thức cấm các phương tiện trên tầng 2 cầu Thăng Long từ ngày 8/8

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau một thời gian khai thác, mặt đường cầu Thăng Long với đặc điểm kết cấu phức tạp, mặt cầu đồng thời phải chịu các tải trọng xe chạy trên cầu, tải trọng tàu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ... tạo ra các dao động chuyển vị biến dạng, ứng suất lớn đồng thời theo các phương khác nhau.

Để công tác thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là lớp bê tông siêu tính năng (UHPC), cần thiết phải tổ chức phân luồng giao thông và cấm các phương tiện lưu thông trên mặt cầu tầng 2 và điều chỉnh lại tốc độ chạy tàu ở tầng 1 trong quá trình thi công xây dựng.

Các đơn vị chức năng sẽ tiến hành thực hiện công tác cắm biển báo, tổ chức phân luồng giao thông thử từ ngày 28/7 - 8/8; chính thức cấm cầu từ ngày 8/8; thực hiện các công tác chuẩn bị: huy động vật liệu, nhân lực, thiết bị thi công; thực hiện các thí nghiệm vật liệu: Từ 23/7 – 8/8; triển khai thi công trên mặt cầu bắt đầu từ 8/8 và hoàn thành trong quý II/2020.

Từ ngày 8/8 tới, tầng 2 cầu Thăng Long chính thức cấm để phục vụ thi công sửa chữa.

Trong thời gian sửa chữa tầng 2 cầu Thăng Long, các phương tiện ô tô sẽ di chuyển qua các cầu khác bắc qua sông Hồng như cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, cầu Chương Dương...

Về giải pháp sửa chữa, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ: Cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép D10; lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) có cường độ chịu nén tối thiểu bằng 120MPa, chịu kéo ≥ 7,0MPa, chiều dày tối thiểu 6cm; thảm bê tông nhựa polyme BTNP 12,5 dày 4,0cm. Thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun; sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.

Đề xuất xuất làm Cảng hàng không Quảng Trị 8.014 tỷ

Theo đề nghị của Cục Hàng không Việt Nam, cảng hàng không Quảng Trị có vị trí tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh; nằm ở phía Bắc, cách Tp. Đông Hà 7 km; là sân bay cấp 4C đối với hoạt động khai thác dân dụng và sân bay cấp II đối với hoạt động quân sự.

Theo dự kiến, Cảng hàng không Quảng Trị có 1 đường cất hạ cánh kích thước 2.400 m x 45m, lề đường cất hạ cánh rộng 7,5 m mỗi bên, hướng 04 – 22, kết cấu đường cất hạ cánh đảm bảo khai thác tàu bay A320/321 và tương đương; 1 sân đỗ đáp ứng tối thiểu 5 vị trí đỗ tàu bay A320/321; các công trình đảm bảo hoạt động bay đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.

Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch xây dựng 1 nhà ga hành khách tại khu vực phía Nam sân đỗ tàu ba, quy mô 2 cao trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000 m2, công suất 1 triệu hành khách/năm và có đất dự trữ mở rộng khi có nhu cầu…

Theo tính toán, để xây dựng mới Cảng hàng không Quảng Trị đáp ứng quy mô quy hoạch nói trên cần khoảng 8.014 tỷ đồng; nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, PPP.

Như vậy, với tổng mức đầu tư dự tính do Cục hàng không đưa ra đã tăng hơn 2.000 tỷ so với dự tính trước đó.

Vĩnh Phúc từng bước hoàn thiện hạ tầng khung đô thị

Thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, những năm qua, cùng với tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã huy động 56,7 nghìn tỷ đồng cho xây dựng cơ bản, chiếm khoảng 66% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Giai đoạn 2017 - 2020, dự kiến nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh khoảng 30%, từ ngân sách Trung ương khoảng 3%, nguồn vốn ODA khoảng 7%, theo hình thức PPP khoảng 16% và từ nguồn doanh nghiệp khoảng 44%.

Hạ tầng đô thị Vĩnh Yên từng bước xây dựng đồng bộ và hiện đại.

Trong đó, vốn đầu tư cho hệ thống giao thông và dự án hạ tầng sản xuất chiếm 34%, dự án hạ tầng xã hội chiếm 31% trên tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

Từ việc tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch, ưu tiên nguồn vốn, sau gần 4 năm triển khai Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản được triển khai theo đúng kế hoạch với nhiều công trình, dự án đầu tư được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiều công trình đang tiếp tục được triển khai xây dựng, tạo dấu ấn mới cho hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc những năm tiếp theo như: Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh); Dự án cầu Đầm Vạc hay các dự án được xã hội hóa đầu tư như: Dự án cấp nước sạch Đức Bác; Dự án nạo vét hồ Đầm Vạc; Dự án cầu vượt đường sắt đường Nguyễn Tất Thành; Bệnh viện sản nhi; Bệnh viện Đa khoa tỉnh...

Hạ tầng giao thông đô thị của tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang được đầu tư xây dựng như tuyến giao thông đối ngoại, trục Bắc – Nam, Đông – Tây đô thị Vĩnh Phúc; các trục hướng tâm, các tuyến đường vành đai 1, 2, 3 đô thị Vĩnh Phúc... theo hướng hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.

Về hệ thống cấp điện, hệ thống chiếu sáng, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ gia tăng cường độ và mức độ chiếu sáng tại các đường phố chính cũng như những khu nhà ở, ngõ xóm; Xây dựng tuyến đường dây, trạm biến áp mới tại các khu công nghiệp chuẩn bị đi vào hoạt động; Nâng cấp hệ thống đường dây, trạm biến áp cũ tại các khu công nghiệp đang hoạt động và các điểm du lịch có mật độ khách cao như Tây Thiên, Tam Đảo.

Bên cạnh đó, hạ tầng cấp nước đô thị tập trung cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước tập trung xã Như Thụy, huyện Sông Lô; Cải tạo, mở rộng mạng lưới cấp nước khu vực Phúc Yên, Bình Xuyên – khu vực lõi của đô thị Vĩnh Phúc; Xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên xã tại các huyện: Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Lập Thạch và Tam Dương; Xây dựng nhà máy nước Đức Bác từ 150.000m3 lên 500.000m3/ngày đêm, nhà máy nước sông Hồng công suất 29.000m3/ngày đêm, nhà máy nước sông Lô công suất 16.000m3/ngày đêm.

Riêng đối với hệ thống cây xanh sẽ cải tạo, chỉnh trang hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Bình Xuyên, Tam Đảo; Cải tạo chỉnh trang hệ thống chiếu sáng, cây xanh đô thị Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên.

Hệ thống hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đang từng bước được đầu tư xây dựng. 100% các khu công nghiệp đi vào hoạt động đều có hệ thống thoát nước thải riêng và nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định. Dự án thu gom và xử lý nước thải khu vực thành phố Vĩnh Yên với công suất 5.000m3/ngày đêm từng góp phần xử lý một phần lượng nước thải sinh hoạt tại thành phố...

Với sự ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại và đồng bộ đã, đang và sẽ giúp Vĩnh Phúc tạo được các lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo tiền đề để trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỉ XXI.

P.V (tổng hợp)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét