Open top menu
Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

6.000 khối đất, đá sạt lở lấp kín đường đi Sìn Hồ - Lai Châu

Khoảng 17 giờ 30 phút chiều qua (24/7), tại km 17+680, tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện biên giới Sìn Hồ, xảy ra sạt lở núi, gây ách tắc giao thông cục bộ trên tuyến.

Trong đêm qua, đất đá tại đây tiếp tục sạt trượt xuống, gây khó khăn cho đơn vị thi công trong công tác khắc phục.

Vào đêm qua, khoảng 2.000m3 đất, đá tại điểm sạt trượt núi trên tỉnh lộ 129 tiếp tục đổ xuống mặt đường, trong đó chủ yếu là đá hộc lớn, nâng tổng khối lượng đất, đá tại đây ước tính lên hơn 6.000m3 và hiện toàn bộ mặt đường dài khoảng 50m phủ kín đá hộc.

Sau 1 đêm ngưng thi công để đảm bảo an toàn, sáng nay, khi đơn vị quản lý tuyến đã tập trung máy móc, nhân lực và phương tiện để khắc phục. Tuy nhiên, thời tiết trên địa bàn tiếp tục có mưa nhỏ, địa chất sườn núi tại điểm sạt yếu, đất đá vẫn tiếp tục rơi xuống gây khó khăn cho thi công.

Đêm qua điểm sạt trượt núi tại km 17+680, tỉnh lộ 129 (Lai Châu) đất đá tiếp tục rơi xuống, nâng tổng khối lượng đất đá tại đây lên khoảng 6.000m3.

Ông Nguyễn Kiên Chung, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng cầu đường 3, đơn vị phụ trách khắc phục điểm sạt lở cho biết: Do địa hình tại điểm sạt phức tạp, nên đơn vị chỉ có thể huy động 2 máy xúc và hơn mười công nhân tới đây. Do khối lượng sạt lở lớn, trong đó chủ yếu là đá hộc lớn nên các công nhân đang phải dùng máy thủy lực để phá đá.

“Địa hình thi công phức tạp, một bên là núi cao, bên vực sâu, do đó việc đưa nhiều phương tiện, máy móc vào cũng rất khó khăn. Thứ hai nữa là khối lượng đá sạt rất lớn, gây khó khăn rất nhiều cho công tác khoan, phá bằng búa thủy lực. Thứ 3 là do mưa nhiều, địa chất ở phía ta luy dương đang có xu hướng sạt lở thêm, thế nên là trong quá trình làm đơn vị phải cử rất nhiều người để cảnh báo trong quá trình triển khai hót sạt. Công ty cũng đã huy động nhân lực và máy móc để làm sao cố gắng thông được tuyến nhanh nhất”, ông Chung nói.

Khối lượng đất đá lớn, cộng với địa hình, thời tiết tại địa bàn phức tạp nên công tác thi công khắc phục tại điểm sạt lở trên tỉnh lộ 129 đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi chờ khắc phục, các phương tiện từ thành phố Lai Châu đi huyện Sìn Hồ và ngược lại phải di chuyển theo quốc lộ 4D lên huyện Phong Thổ, sang quốc lộ 12 rẽ theo đường ngang thị trấn Phong Thổ - Tà Ghênh - Nậm Pậy để nhập vào tỉnh lộ 129.

Hà Giang tiếp tục mưa to, lũ quét, miền bắc oi nóng những ngày cuối tuần

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết trong sáng 25/7, mưa vẫn tiếp tục xảy ra trên khu vực tỉnh Hà Giang với lượng mưa phổ biến 20-30mm, có nơi trên 50mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại thành phố Hà Giang, các huyện Vị Xuyên, Bắc Mê, Hoàng Su Phì. Các huyện Yên Minh, Bắc Quang, Mèo Vạc, Quản Bạ, Xín Mần có nguy cơ ở mức trung bình. Trước đó, từ 3 giờ đến 5 giờ sáng 25/7, xuất hiện mưa vừa, mưa to ở Hà Giang với lượng mưa đo được tại Thủy điện Nậm Ngần 69mm, Thủy điện Sông Lô 2 là 28mm, Việt Lâm 16mm…

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai hướng dẫn: "Lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất".

Hà Giang tiếp tục mưa to, đề phòng lũ quét

Thủ đô Hà Nội có mây, ngày nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông Nam đến Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 27-29 độ C, cao nhất 34-37 độ C.

Phía Tây Bắc Bộ có mây, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C, có nơi dưới 25 độ C; cao nhất 34-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ có mây, ngày nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi kèm khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Đông Nam đến Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 26-29 độ C, cao nhất 34-37 độ C.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mây, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Đông đến Đông Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 26-29 độ C; cao nhất 34-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, ngày nắng, riêng phía Bắc có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Đông đến Đông Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C; cao nhất phía Bắc 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C; phía Nam 31-34 độ C.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mây, ngày nắng, chiều tối có mưa rào và dông rải rác, đêm có mưa rào và dông vài nơi, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió nhẹ. Nhiệt độ ở Tây Nguyên thấp nhất 20-23 độ C; cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 32 độ C. Nhiệt độ ở Nam Bộ thấp nhất 24-27 độ C; cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C.

Đồn Biên phòng Phước Tỉnh ra quân làm sạch biển

Hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường biển xanh – sạch – đẹp, sáng 25-7, Đồn Biên phòng Phước Tỉnh, BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra quân làm sạch môi trường biển thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tuổi trẻ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh ra quân làm sạch biển thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Văn Danh

Tại buổi ra quân, có gần 40 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh đã tiến hành thu gom rác thải, dọn vệ sinh môi trường được khoảng 2km bờ biển dọc khu vực bãi biển thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hoạt động này góp phần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên và cán bộ, chiến sỹ BĐBP trong tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn bãi biển xanh – sạch – đẹp.

Trong quá trình làm sạch biển, các cán bộ, chiến sĩ cũng tuyên truyền, kêu gọi người dân địa phương nêu cao ý thức, trách nhiệm cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Người dân Quảng Ninh bức xúc vì khói bụi của Nhà máy xi măng Lam Thạch II

Người dân sinh sống tại khu vực Hợp Thành, Bạch Đằng 1 và Hồng Hà thuộc phường Phương Nam, thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đang hết sức bức xúc vì đã hàng chục năm nay phải sống trong môi trường không khí bụi bặm, ô nhiễm từ hoạt động sản xuất và xả thải của nhà máy xi măng Lam Thạch II, thuộc Công ty xi măng và xây dựng Quảng Ninh.

Trong khu vườn cây ăn quả rộng gần 2 hecta, ông Vũ Duy Chinh, người dân sinh sống sát với nhà máy xi măng Lam Thạch xót xa nhìn những hàng cây na, cây bưởi còi cọc phủ trắng lớp bụi dày: “Đây là bụi Clinker. Cứ tầm 20h đêm hôm trước đến 3h sáng hôm sau họ xả thẳng lên trời. Soi đèn pin thấy rất rõ. Mùa vải mới thấy rõ, quả màu đỏ mà chuyển thành màu bạc. Không thu hoạch được”

Bụi từ nhà máy xi măng Lam Thạch II. (ảnh người dân cung cấp, ảnh tư liệu chụp năm 2016)

Không chỉ vườn cây của các hộ dân bị thất thu mà các diện tích nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng. Mỗi khi mưa lớn, nước cuốn theo nhiều loại tạp chất từ khu vực nhà máy xi măng Lam Thạch II chảy tràn xuống các ao đầm nuôi tôm, cá của người dân.

Ông Phùng Văn Bảo, khu Hồng Hải, Phương Nam, Uông Bí cho biết: “Ngay lúc nước lụt ấy, tôi có gọi địa chính và hội nông dân xuống. Các hộ lụt hết vì tất cả các ao của chúng tôi thông nhau. Thiệt hại thì gia đình cháu Sơn sát nhà tôi là hơn 170 triệu, còn nhà tôi là 20 triệu. Phía công ty nói đến đầu tháng 7 sẽ bồi thường nhưng đến giờ chưa thấy đâu”.

Nhà máy xi măng Lam Thạch II thuộc Công ty Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, khai thác đất tại khu vực mỏ đá vôi Phương Nam và mỏ Núi Rùa, đi vào hoạt động từ năm 2009. Kể từ đó, cuộc sống của những hộ dân khu vực gần nhà máy ít nhiều bị đảo lộn khi tốn thêm tiền mua lưới chắn bụi quanh nhà hay buộc phải định kỳ rửa tường, mái nhà...

Ông Bùi Ngọc Thoan, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Nam cho biết: “Phường đã họp và kết luận trong biên bản đề nghị công ty Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh thỏa thuận dân sự với người dân nhưng đến nay công ty chưa thực hiện. Nhiều lần chúng tôi gọi điện đôn đốc nhưng công ty nói còn bận”.

Không chỉ khói bụi mà hơn chục năm nay, những hộ dân ngay sát nhà máy xi măng Lam Thạch cũng sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn. Để làm rõ những bức xúc của người dân và vai trò giám sát của cơ quan chức năng, Ông Nguyễn Văn Trìu, Phó Chi cục trưởng Phụ trách môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, không nhận được phản ánh bức xúc của các hộ dân và cần thêm thời gian để kiểm tra và sẽ có thông tin chính thức sau.

Tình trạng ô nhiễm bụi và tiếng ồn từ Nhà máy xi măng Lam Thạch II đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân là điều dễ nhận thấy, và tình trạng này đã kéo dài từ hơn chục năm qua. Năm 2011, người dân đã phản ứng gay gắt tới mức tập trung đông người khiến tình trạng an ninh trật tự bị xáo trộn. Sau đó, nhà máy phải dừng hoạt động 3 tháng để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường nhưng tình hình không được cải thiện là bao.

P.V (Tổng hợp)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét