Hai nội dung quan trọng của hội nghị này là cho ý kiến về đề án không tổ chức HĐND quận, phường trên địa bàn TP và đề án thành lập TP phía đông.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, phát biểu khai mạc hội nghị, nói về đề án thành lập TP phía đông, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đề án này được hình thành từ việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Thời gian qua, ba quận này có chỉ số tăng trưởng tốt.
Theo ông Nhân, đây là nơi có cường độ ứng dụng công nghệ cao nhất nước. Đây cũng là nơi có cường độ đào tạo và nghiên cứu cao nhất cả nước và là nơi có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế. “Ba yếu tố này tác động lại tạo nên vùng tăng trưởng mới” - ông Nhân nói.
Theo Bí thư Thành ủy, với quy mô diện tích đất rất lớn 22.000 ha (bằng 1/10 diện tích TP), dân số trên 1 triệu người, đóng góp 1/3 kinh tế TP nên đơn vị mới phải là TP chứ không thể là quận. Bởi quy định cho phép các tỉnh được tổ chức TP trực thuộc.
Trên cơ sở đó, TP.HCM đã xây dựng đề án sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP phía đông và TP này sẽ có HĐND theo quy định. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan liên quan làm khẩn trương để trình Quốc hội.
Nói về Đề án không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm 2019, Bộ Chính trị đã cho phép với Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới, cấp quận, phường có thể không tổ chức HĐND nhưng để thực hiện thì phải có đề án để Quốc hội xem xét thông qua. Vừa qua, Quốc hội đã cho phép TP Hà Nội không tổ chức HĐND ở cấp phường và đã thông qua, cho phép TP Đà Nẵng không tổ chức HĐND cấp quận, phường…
Theo ông Nhân, nếu chỉ có HĐND cấp TP, những Nghị quyết của HĐND về phát triển TP cả về quy hoạch và ngân sách phải định hướng sát tới quận và hình thành các dự án có yếu tố phường. UBND quận, phường là cơ quan hành chính địa phương thực hiện Nghị quyết của HĐND TP và chỉ đạo của UBND TP.
Các chủ trương, chính sách, quyết định ở cấp thành phố trong quá trình chuẩn bị sẽ phải sát cơ sở và khi quyết định không phải qua khâu trung gian nên sẽ thực hiện nhanh hơn.
Đặc biệt, tất cả các dự án hạ tầng hiện nay đều được cấp quận, phường thực hiện. Nếu chia từng khúc đường ra cho quận quyết định đoạn qua địa phận của mình. Quận khác cũng phải có quyết định nối đầu ra, đầu vào với tuyến đường đó…
“Với những loại vấn đề này, cấp TP quyết định một lần và làm một lúc sẽ đồng bộ. Việc triển khai sẽ nhanh hơn. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn vướng mắc phản ánh, cơ quan quyết định về chính sách của TP chỉ có 1 cấp sẽ quyết định ngay, đồng thời việc sửa, làm mới các tuyến đường được quyết định ở cấp TP thì ở dưới sẽ làm ngay, không phải bàn lần lượt từ cấp phường, quận rồi trình lên TP”, ông Nhân phân tích.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cho rằng khi thực hiện mô hình bỏ HĐND cấp quận, phường, đại biểu HĐND TP sẽ giám sát tới từng phường. Còn ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ thực hiện quyền giám sát quyết liệt hơn và có cơ hội khẳng định vai trò, vị trí tốt hơn. Vai trò đại diện của người dân và quyền giám sát của nhân dân sẽ thông qua MTTQ. Như vậy, dù bỏ 2 cấp HĐND quận, phường, dân chủ vẫn được duy trì, thậm chí còn tốt hơn. Các quyết định hành chính sẽ nhanh, hiệu quả và toàn diện hơn”.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét