Open top menu
Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Những sai phạm của doanh nghiệp không được xử lý kiên quyết, kịp thời đã “tạo điều kiện” để doanh nghiệp coi thường cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khiến điều đó trở thành tiền lệ cho các doanh nghiệp khác “lộng hành” tại Thái Nguyên thời gian qua.

Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh trường hợp: Công ty Tân Hưng Thịnh khai thác tài nguyên trái phép tại mỏ núi Choẹt đem bán kiếm lời từ nhiều năm nay, bị cơ quan chức năng kiểm tra, chỉ ra 8 sai phạm hành chính với đề nghị xử phạt lên đến hàng tỷ đồng, nhưng chính quyền tỉnh Thái Nguyên lại “quên” không ra Quyết định xử lý cùng những biện pháp cứng rắn khác khiến doanh nghiệp này vẫn tiếp tục mang tài nguyên đi bán.

Hành vi vi phạm tiếp diễn của Công ty Tân Hưng Thịnh, ngoài việc gây thất thoát tài nguyên quốc gia còn thể hiện việc chính quyền cơ sở - UBND xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên, ngành chức năng là Sở Tài Nguyên và Môi trường và thậm chí là Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên bị doanh nghiệp này “coi thường”. Không những thế, đây còn có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm cho các doanh nghiệp khác “lộng hành”. Điều này đã được chứng minh trong thực tế, cũng chính tại tỉnh Thái Nguyên.

Đó là câu chuyện cách đây chưa lâu: Ngày 21/5/2020, ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Ván ép Việt Bắc (trụ sở chính tại tổ 2, phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) với tổng mức phạt hành chính cho 4 nội dung quy định về bảo vệ môi trường là 775 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Nguyên còn áp dụng biện pháp bổ sung đình chỉ hoạt động của Công ty Cổ phần Ván ép Việt Bắc trong thời gian 04 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định xử phạt.

Thế nhưng, dù có quyết định xử phạt và quyết định đình chỉ sản xuất thì trên thực tế, Công ty này vẫn ngang nhiên hoạt động và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, có dấu hiệu thách thức chính quyền.

Đầu tháng 7/2020, trao đổi với phóng viên, những người dân tổ 2, phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên bức xúc cho biết: “Doanh nghiệp vẫn chạy cả ngày lẫn đêm, ồn kinh khủng, UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt và tạm dừng hoạt động để khắc phục vậy mà chẳng thấy thay đổi gì”.

Tương tự, ngày 30/01/2020, Báo điện tử Xây dựng đã đăng bài viết “Thái Nguyên: Cận cảnh đoạn vỉa hè “đột biến” trên đường Bắc Sơn” phản ánh việc tại vị trí vỉa hè độc đáo nằm ở góc ngã tư đối diện với cột phát sóng truyền hình, với một bên là đường Bắc Sơn và một bên là đường rẽ sang UBND phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, chủ đầu tư công trình đã tự ý xây dựng vỉa hè theo kiểu “đột biến”, vỉa hè có chiều cao so với mặt đường từ 40 - 50cm và được cứng hoá tuyệt đối theo phương thẳng đứng, gây mất mỹ quan đường phố và nguy hiểm cho các phương tiện cũng như người tham gia giao thông tại khu vực này.

Ngay sau khi báo đăng, các cơ quan chức năng tại địa phương đã chủ động vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Đầu tháng 3/2020, ông Hoàng Đức Khánh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 456/SXD-PTĐ&HTKT yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện dự án theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, nhanh chóng thực hiện các nội dung đã làm việc, thống nhất với UBND thành phố Thái Nguyên, có báo cáo cụ thể về giải pháp, tiến độ thực hiện gửi về UBND thành phố Thái Nguyên và Sở Xây dựng. Thế nhưng hơn 3 tháng trôi qua, đoạn vỉa hè “đột biến” vẫn nguyên dạng, thách thức dư luận, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Lâu hơn một chút, ngày 12/7/2019, ông Nhữ Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên thời điểm bấy giờ đã ký Quyết định số 2123/QĐ-UBND về việc Thanh tra Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đại Nam trong thực hiện Dự án nhà ở xã hội chung cư Đại Nam, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên. Một dự án nhiều sai phạm mà Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh.

Ngày 23/11/2018, UBND thành phố Thái Nguyên ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đại Nam do xây dựng công trình nhà ở xã hội chung cư Đại Nam không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng với khoản tiền 40 triệu đồng.

Điều đáng nói là: Bất chấp lệnh ngừng thi công, quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu hoàn thiện hồ sơ… của chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đại Nam vẫn ngang nhiên tiếp tục xây dựng công trình ngay giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Trong diễn biến khác, dù quá hạn đã rất lâu, Kết luận Thanh tra Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đại Nam trong thực hiện dự án nhà ở xã hội chung cư Đại Nam, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên đến nay vẫn chưa được đưa ra.

Nhiều người cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp đã, đang bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm vẫn cố tình hoạt động như: Công ty Tân Hưng Thịnh, Công ty Cổ phần ván ép Việt Bắc, Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên hay Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đại Nam nói trên là do họ có người “chống lưng” nên ngành chức năng hoặc chính quyền cấp dưới vì nể, e ngại động chạm cũng không dám kiên quyết thực thi pháp luật - dù đúng.

Câu hỏi: Doanh nghiệp nhờn luật hay quản lý nửa vời? Chắc chắn chỉ có những người lãnh đạo cao nhất ở địa phương này mới có thể trả lời. Bởi những hành vi đã và đang diễn ra mà chúng tôi đơn cử nêu trên có thể thấy là những hành vi coi thường chính các vị - những người được Nhà nước, nhân dân giao trách nhiệm quản lý các ngành, lĩnh vực… tại địa phương.

Thiết nghĩ, nếu tỉnh Thái Nguyên không sớm có những quyết đáp cứng rắn với những vi phạm này, chắc chắn tình trạng “lộng hành” của doanh nghiệp và những thế lực phía sau họ sẽ có điều kiện nảy nở, trở thành trào lưu không thể kiểm soát trong tương lai!

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét