Nói “đặt lại” vì trước tháng 4.1975, con đường vốn dĩ mang tên vị Tổng trấn Thành Gia Định lừng danh. Cũng chính trên con đường này từng có một trường nữ trung học mang tên Lê Văn Duyệt, sau giải phóng đổi thành Võ Thị Sáu.
Câu chuyện thay đổi tên đường, tên đất ở Việt Nam sau các biến động lịch sử nhiều năm nay vẫn là “chuyện dài nhiều tập” bởi chưa giải tỏa được nhiều hệ lụy sau mỗi lần đổi hay đặt tên. Thêm nữa, các nguyên tắc đặt tên chỉ mới được đưa vào văn bản pháp quy thống nhất cả nước gần đây, song chính việc thực hiện từng lúc từng nơi cũng không giống nhau.
Truân chuyên sau các biến cố
Lê Văn Duyệt là một điển hình cho câu chuyện nhìn nhận khác nhau một nhân vật lịch sử tùy thuộc vào các chính quyền khác nhau, thời điểm khác nhau. Thời Gia Long, ông là “khai quốc công thần” song sang thời Minh Mạng ông bị nhà vua ghét bỏ, coi là “nghịch thần”. Thậm chí, sau khi ông qua đời, Minh Mạng còn cho tước bỏ chức vụ và san bằng mộ phần. Sang đời Thiệu Trị và Tự Đức, ông lại được minh oan, phục hồi thanh danh và lăng mộ. Thời Pháp, tên ông được đặt cho một con đường nhỏ bên hông chợ Tân Định (về sau đổi thành Mã Lộ).
Trong khi đó, người dân vẫn truyền miệng một cách thành kính tên đất Lăng Ông và Vườn Ông Thượng (tên chính thức là công viên Maurice Long, sau đổi thành Tao Đàn). Sau 1955, hầu hết các con đường mang tên Pháp tại Sài Gòn và miền Nam đều được chính quyền Ngô Đình Diệm đổi sang tên Việt. Trong đó, con đường lớn Verdun ở Sài Gòn, nguyên là con lộ duy nhất từ thế kỷ XVIII nối Gia Định thành với biên giới Chân Lạp (Campuchia) được đổi sang tên Lê Văn Duyệt. Đặt tên ông cho con đường này là rất phù hợp, bởi Lê Văn Duyệt chính là người có công xây đắp con lộ ấy và lãnh đạo công cuộc phòng thủ phía Tây, ngăn chận Xiêm La (Thái Lan) xâm chiếm đất Việt. Tên Lê Văn Duyệt còn được đặt rất hợp lý cho con đường băng qua lăng mộ của ông. Cũng tại khu vực Lăng Ông, ngoài đường Lê Văn Duyệt, còn có các con đường mang tên các danh tướng và công thần cùng thời với ông như Lê Quang Định, Nguyễn Văn Học, Trịnh Hoài Đức, Đỗ Thành Nhân, Nguyễn Văn Thành…
Đã từng có hai đại lộ Lê Văn Duyệt tại Sài Gòn từ 1955-1975 (vị trí mũi tên). Bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1956 cho thấy đại lộ Lê Văn Duyệt trên địa bàn Đô thành Sài Gòn, bắt đầu từ Ngã sáu Sài Gòn (nơi đặt tượng Phù Đổng Thiên Vương sau này) kéo dài lên Ngã tư Bảy Hiền hướng đi Tây Ninh và Campuchia (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Còn đại lộ Lê Văn Duyệt thứ hai, nằm trên địa bàn tỉnh Gia Định (sau tháng 4.1975, Sài Gòn và Gia Định hợp nhất), bắt đầu từ Cầu Bông qua Lăng Ông hướng đi Thủ Dầu Một và Biên Hòa, nối tiếp đường Đinh Tiên Hoàng của quận Một (tư liệu của tác giả). Sau tháng 4.1975, đường Lê Văn Duyệt bị nhập vào đường Đinh Tiên Hoàng. Nếu trở lại tên hai con đường riêng biệt thì vẫn đảm bảo giá trị lịch sử đồng thời không ảnh hưởng đến việc phân biệt số nhà và địa giới! Ảnh: TLTG |
Sau tháng 4.1975, tên đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn và Gia Định đều bị xóa vì có quan điểm cho rằng ông là công thần đắc lực của nhà Nguyễn chống lại nhà Tây Sơn. Tuy nhiên, lạ thay, đó chỉ là chuyện xảy ra ở TP.HCM vì cho đến nay vẫn có nhiều thành thị miền Nam giữ nguyên tên đường Lê Văn Duyệt. Chẳng hạn, vẫn có đường Lê Văn Duyệt tại Lái Thiêu (Bình Dương), Mỹ Tho (Tiền Giang), Bạc Liêu, Tân Châu (An Giang), Biên Hòa (Đồng Nai), La Gi (Bình Thuận) và Đà Nẵng! Hơn nữa, năm 2000, chính Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức một cuộc tọa đàm lớn với sự tham gia của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt để giải oan cho Tả quân. Tượng Lê Văn Duyệt được Hội quyên góp xây dựng và an vị tại Lăng Ông - nơi đã được Bộ Văn hóa công nhận di tích quốc gia. Đến năm 2010, Hội này chính thức có thư gởi lãnh đạo TP.HCM đề nghị nên có tên đường Lê Văn Duyệt, vậy mà vì trở lực nào đó, việc vinh danh trở lại cho ông qua tên đường vẫn chưa hoàn thành!
Cùng với đường Lê Văn Duyệt, nhiều con đường khác mang tên những nhân vật lịch sử ở Sài Gòn cũng bị đổi tên - không một lời giải thích. Trong đó, các chúa Nguyễn có công mở đất phương Nam đã bị xóa tên đường một cách tức tưởi: Nguyễn Hoàng (đổi thành Trần Phú), Hiền Vương (thành Võ Thị Sáu). Hay Phan Thanh Giản - vị đại khoa cương trực hiếm hoi của Nam bộ (đổi thành Điện Biên Phủ), Trương Vĩnh Ký - nhà bác học văn hóa (đổi thành Lê Hồng Phong). Ngay cả Duy Tân - vị vua trẻ dám nổi dậy chống Pháp được đặt tên cho con đường chạy qua “khung trời đại học” thân quen của giới trẻ cũng mất tên (đổi thành Phạm Ngọc Thạch).
Một số danh nhân nước ngoài lúc đầu cũng bị đổi tên đường, sau này mới lấy lại, như Pasteur (thuở đầu đổi là Nguyễn Thị Minh Khai) hay Alexandre de Rhodes (đổi thành Thái Văn Lung). Mặt khác, thật “khó hiểu”, một số con đường lớn mang tên khát vọng lâu đời của người dân và đất nước như Thống Nhứt (ban đầu đổi thành 30/4, về sau là Lê Duẩn), Tự Do (thành Đồng Khởi ), Công Lý (thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Các đoạn đường dọc bến sông Sài Gòn từng mang các tên chiến tích chống ngoại xâm đầy kiêu hùng như Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử, Bến Vân Đồn cũng dần dần biến mất, thay bằng tên các nhân vật hiện đại. Rộng lớn hơn, ba tên đất và đơn vị hành chính hình thành nhiều thế kỷ, nay may mắn chỉ còn trong ký ức và thương hiệu công ty hay hàng hóa: Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn.
Nghị định 91 và lối ra tích cực
Theo tiết lộ của ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ngay sau chiến thắng Ban Mê Thuột tháng 3.1975, một nhóm chuyên viên nhiều ngành, trong đó có các sử gia ở Hà Nội, đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu bản đồ tên đường Sài Gòn để đề xuất... đổi tên!
Ngày ấy, không rõ nhóm chuyên viên và cấp trên của họ đã quyết định sửa đổi tên đường theo nguyên tắc nào và có lưu lại văn bản hay không? Có lẽ đó là nguồn cơn xáo trộn, thay đổi tên đường tên phố ở Sài Gòn và miền Nam. Và rồi, có đến 30 năm dường như chưa có văn bản pháp quy nào của nhà nước trung ương về các nguyên tắc đặt tên đường và sửa đổi. Phải đến ngày 11.7.2005, lần đầu tiên Chính phủ mới có Nghị định số 91 về quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng. Quy chế này có ba chương, bao gồm 17 điều, thể hiện quan điểm rõ ràng và đưa ra hướng dẫn nhiều việc cụ thể. Hiện giờ, đây là công cụ pháp lý quan trọng để phòng chống việc đặt tên đường tên phố một cách tùy tiện, thiếu dân chủ và khoa học.
Đường Lê Văn Duyệt tại thành phố Thuận An (Lái Thiêu trước đây, thuộc Bình Dương) chạy từ khu vực trung tâm ra bờ sông, nơi có nhiều đền miếu xưa |
Nội dung nổi bật ở Nghị định 91 là chủ trương: Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hóa của dân tộc, của địa phương, đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ (điều 5). Đây chính là nguyên tắc “vàng” để xem xét lại việc xóa bỏ nhiều tên đường phố quen thuộc ở Sài Gòn và các tỉnh thành phía Nam trước đây!
Nghị định 91 còn đưa ra định nghĩa thế nào là danh nhân trong nước và nước ngoài được xem xét đặt tên cho đường phố. Đó là “người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận” (điều 10). Với các tiêu chuẩn này, nhiều nhân vật đã bị xóa tên đường đều có thể cân nhắc, xem xét lại trên tinh thần “gạn đục khơi trong”, không vì định kiến hay quan điểm phục vụ tuyên truyền hay đấu tranh nhất thời để bỏ qua các công lao và hoạt động chính yếu của các nhân vật này.
Về quy trình và bộ máy thực hiện việc đặt và đổi tên đường phố, Nghị định 91 nêu rõ hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đặt tên và đổi tên chứ không phải cơ quan nào khác (điều 16). Để giúp hội đồng nhân dân làm việc này, ủy ban nhân dân các tỉnh thành nói trên phải thành lập hội đồng tư vấn (nghiên cứu lập ngân hàng tên, danh mục cần đặt tên và đổi tên...). Hội đồng này khi làm việc phải lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn (Hội Khoa học Lịch sử, Hội Văn học Nghệ thuật...), các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các nhà khoa học.
Đặc biệt, Nghị định 91 quy định cần công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường phố, các công trình công cộng để nhân dân tham gia góp ý kiến trước khi ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trình hội đồng nhân dân cùng cấp tại các kỳ họp thường kỳ hàng năm (điều 17). Trong thời hạn 30 ngày, từ khi có nghị quyết của hội đồng nhân dân về đặt tên hay đổi tên, các cơ quan chức năng phải thực hiện việc gắn biển tên đường phố và công trình công cộng. Đồng thời, sở văn hóa - thông tin và các phương tiện thông tin đại chúng... phải phổ biến, tuyên truyền cho việc đặt tên hay đổi tên nói trên và làm rõ ý nghĩa sự kiện, kể cả công trạng của danh nhân được chọn đặt tên. Với Nghị định 91, việc đổi tên vội vã trước đây, bất chấp các yếu tố lịch sử và tiện nghi của các tên đường lâu năm, là điều hoàn toàn có thể sửa chữa chứ không phải là “sự đã rồi” nên không thể thay đổi được nữa.
Các vướng mắc cần khơi thông
Nghị định 91 ra đời 15 năm nay, rất cần được quảng bá rộng khắp để giải quyết các hệ lụy tồn đọng trong việc đặt tên đường trước đây, cũng như trong việc đặt tên cho các đường phố mới, công trình công cộng mới. Tuy nhiên, bản thân Nghị định và Thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thông tin (Thông tư số 36, ký ngày 20.3.2006) đều cần được tu chỉnh để khơi thông một số vướng mắc còn lại. Trước nhất, đó là quy định: Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường phố và công trình công cộng” (điều 5 Nghị định 91).
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần quy định rõ thế nào là “ý kiến đánh giá còn khác nhau” và “chưa rõ về mặt lịch sử”. Chúng tôi cho rằng nên bổ sung quy định hội đồng nhân dân phải “vào cuộc” bằng cách tổ chức tọa đàm, hội thảo hoặc có những phiên “điều trần”, đối thoại giữa bên đề xuất và bên phản bác, chứ không thể dừng lại ở việc tranh biện trên báo chí hay thư góp ý, để tránh việc thảo luận kéo dài, hay tình trạng “án binh bất động”. Ngoài ra, về mặt chuyên môn, cần có ý kiến của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Sử học và các hội sử học trung ương và địa phương - như một dạng “trọng tài” khi đã có tranh luận về đánh giá các nhân vật lịch sử, chứ không thể chỉ có ý kiến của sở văn hóa hay một vài sở khác!
Vừa qua, Bộ Văn hóa quy định Hội đồng tư vấn đặt tên và đổi tên đường phố bao gồm đại diện các sở văn hóa, quy hoạch, giao thông, tài nguyên và một số nhà nghiên cứu về các lĩnh vực có liên quan, với sở văn hóa làm cơ quan thường trực. Chúng tôi đề nghị nên có thêm đại diện các sở tư pháp, giáo dục, du lịch, khoa sử các trường đại học trên địa bàn là những cơ quan liên đới trực tiếp lĩnh vực này. Với các thành viên là nhà nghiên cứu, Bộ nên đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn cụ thể. Việc tham mưu, đề xuất đặt tên và đổi tên đường phố cần đảm bảo tính khoa học và công minh ngay từ “đầu vào”.
Mặt khác, ngân hàng tên và danh mục đề xuất do Hội đồng đề xuất, cũng cần được công khai và mời gọi góp ý chính thức trên báo đài từ sớm. Việc hỏi ý kiến về các dự kiến này không nên chỉ thực hiện với cử tri trên địa bàn, hay các hội đoàn chuyên môn và các ban ngành. Chính quyền cần lấy ý kiến rộng rãi nơi cử tri trường học (nhà giáo và sinh viên - học sinh, qua đó, kết hợp giáo dục lịch sử) và các tầng lớp xã hội, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là phương tiện internet.
Trong khi Trương Vĩnh Ký chỉ được đặt tên cho một con đường nhỏ tại Tân Bình - TP.HCM, thì Bến Tre đã đặt tên nhà bác học văn hóa này cho một đại lộ mới xây |
Các đại biểu hội đồng nhân dân và các ban trực thuộc (ban văn xã, ban đô thị, ban kinh tế...) nên được thông tin đầy đủ và sớm nhất, và có thể lấy ý kiến trước về việc đặt và đổi tên đường phố, chứ không đợi đến kỳ họp mới được thảo luận. Ngay cả bản thân các đại biểu hội đồng nhân dân, chủ tịch và các thành viên ủy ban nhân dân khác đều có quyền và có thể đề xuất đặt tên và đổi tên đường phố và công trình công cộng theo yêu cầu cử tri hay do tình hình mình nắm bắt. Hội đồng tư vấn không nhất thiết là nơi duy nhất có quyền đề xuất này!
Gillian Thorton, một cây bút kỳ cựu trên website France Today, cho rằng tên đường chính là “cái tay áo để đất nước mặc vào chiếc áo lịch sử”. Đúng vậy, tên đường tên phố -“chiếc áo” của một đô thị hay một quốc gia phải được “may cắt” đường hoàng, phải tiêu biểu cho một quá khứ đa dạng và trung thực để phục vụ một hiện tại và tương lai - không phiền lụy và hận thù. Đừng vội vã, cố chấp hay “may cắt” qua loa, để “chiếc áo lịch sử” luôn được người dân hài lòng, hãnh diện. Đừng buông trôi những cơ hội lắng nghe để sửa đổi tốt hơn “chiếc áo” đó để sau này không phải tiếc nuối hay hối hận vì trách nhiệm về những lỗi lầm trong việc đặt tên đường, tên phố.
Theo Phúc Tiến/nguoidothi
0 nhận xét