Open top menu
Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng vàTrường Đại học Xây dựng Hà Nội vừa ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện Dự án SATREPS – Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam.

Phế thải xây dựng tại Việt Nam là loại phế thải đặc biệt và tăng trưởng rất nhanh, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng… Tuy nhiên, hệ thống quản lý, hệ thống tái chế còn chưa đủ năng lực, khó đáp ứng hết nhu cầu. Do đó, Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường tầm nhìn đến năm 2025 đã được xây dựng, trong đó có dự án SATREPS. Đây là dự án thuộc Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển bền vững giữa JICA và Tổ chức khoa học công nghệ Nhật Bản (JST). Tại Việt Nam, dự án được Trường Đại học Xây dựng chủ trì thực hiện, trong thời gian 5 năm (2018-2023). Tại Đà Nẵng Dự án sẽ thực hiện từ năm 2020 – 2025 với 3 giai đoạn (2020 -2021; 2021 – 2022; 2022 – 2025).

Dự án SATREPS hình thành với mục tiêu phát triển hệ thống quản lý tái chế phế thải xây dựng thân thiện môi trường, nâng cao nhân lực và đào tạo đội ngũ chuyên môn, công nghệ cao trong lĩnh vực tái chế phế thải xây dựng. Các hoạt động chính của dự án trong giai đoạn 1 gồm: Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cho việc xây dựng hệ thống quản lý phế thải xây dựng thân thiện với môi trường; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn, quy định về quản lý và tái chế phế thải xây dựng Việt Nam; Phát triển công nghệ mới tái chế từ tận dụng hợp lý phế thải xây dựng, ứng dụng trong một số lĩnh vực xây dựng, hạ tầng giao thông, kiểm soát ô nhiễm môi trường; Đề xuất mô hình kinh doanh chiến lược cho việc tái chế phế thải xây dựng và kế hoạch khả thi tái chế phế thải xây dựng nhằm đáp ứng chiến lược quốc gia về quản lý phế thải xây dựng đến năm 2025, tầm nhìn 2050.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã thỏa thuận hợp tác thực hiện Dự án với các nội dung: Xây dựng Đề án tổng thể nhằm quản lý và xử lý chất thải rắn (CHẤT THẢI RẮN) xây dựng, bao gồm: khảo sát, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển, tái chế hoặc tái sử dụng CTR xây dựng; Đề xuất vị trí, quy mô điểm tập kết, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý CTR xây dựng phù hợp; xây dựng hệ thống hoạt động quản lý CTR xây dựng tiên tiến; đề xuất các cơ chế chính sách, tiêu chuẩn quy phạm pháp luật nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tái chế; lập dự án nghiên cứu kêu gọi đầu tư xử lý CTR xây dựng tại khu liên hợp xử lý CTR của thành phố hoặc tại vị trí phù hợp; xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường đô thị và dự án điển hình xử lý một số vấn đề ô nhiễm môi trường cấp bách của thành phố và triển khai áp dụng thí điểm các kết quả của Dự án SATREPS tại Đà Nẵng.

Dự án hoàn thành, thành phố sẽ Quy hoạch được bãi chứa CTR xây dựng phù hợp; hướng dẫn quản lý phế thải xây dựng; vận hành được một hệ thống quản lý tiên tiến về CTR xây dựng; ít nhất một mô hình thí điểm trung tâm xử lý và tái chế từ CTR xây dựng; phát triển được hai công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.

Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng đề xuất Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tích cực hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát để đánh giá toàn diện thực trạng về phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đồng thời nghiên cứu hỗ trợ lập dự án quản lí tổng hợp về môi trường tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang một cách bền vững.

Được biết, trước tình trạng chất thải và phế liệu được đổ bừa bãi, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng với môi trường và cuộc sống của người dân, ngày 24.4.2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 về Quản lý chất thải và phế liệu. Trên cơ sở đó, ngày 16.5.2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 8 quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng. Trong đó, quy định chất thải xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật là vậy, còn trên thực tế, hầu hết các công trình xây dựng trên địa bàn đều thuê các đơn vị vận chuyển, thu gom, sau đó đổ thải trộm ra các khu vực ngoại thành. Do vậy, việc kiểm soát nguồn đổ thải vẫn là vấn đề nhức nhối.

Bãi phế thải xây dựng chưa được qua xử lý. Ảnh minh hoạ: nguồn internet


Ngoài ra, việc xử lý rác thải xây dựng hiện nay cũng gặp không ít khó khăn bởi muốn xử lý được thì cần phục kích bắt quả tang. Trong khi đó, việc quản lý, xử phạt đối với vấn nạn đổ trộm rác thải xây dựng thuộc rất nhiều ngành, bao gồm Thanh tra GTVT, Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Môi trường, Thanh tra Xây dựng... Ở đây, khi xe vận chuyển rác thải xây dựng trên đường, nếu vi phạm về che đậy, mui bạt, thành thùng thì Thanh tra GTVT, Cảnh sát Giao thông có thể sẽ xử lý. Còn khi bắt quả tang đối tượng đổ trộm chất thải thì Cảnh sát môi trường, Thanh tra Xây dựng có thể xử lý. Chính vì thế, nếu không có sự phối hợp trực tiếp của các đơn vị thì việc kiểm tra, xử lý đối với các đối tượng đổ trộm rác thải xây dựng là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, xử lý vấn nạn đổ trộm chất thải xây dựng không thể thực hiện ở việc bắt các xe đổ trộm rác thải, bởi đó chỉ là hình thức xử lý phần ngọn, còn phần gốc vấn đề là các công trình xây dựng có được kiểm tra kỹ lưỡng về điểm đổ thải hay không và nếu phát hiện công trình đó đổ thải sai quy định sẽ xử lý như thế nào, đó là bài toán cần giải quyết./.

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét