Viết bài báo này, tác giả có mong muốn cung cấp cho độc giả một cái nhìn đầy đủ về nhận chìm trên thế giới và ở Việt Nam, và hiểu đúng về việc bảo vệ môi trường biển trong hoạt động nhận chìm.
Các công ước quốc tế
Đã có một thời người ta coi đại dương thế giới là một không gian với sức tải môi trường vô tận và do vậy, người ta đã đổ tất cả mọi loại chất thải, kể cả chất thải hạt nhân xuống biển. Tuy nhiên, sớm nhận thức rằng sức tải môi trường của đại dương thế giới là hữu hạn, từ những năm giữa của thế kỷ trước, trên thế giới đã có nhiều tiếng nói kêu gọi phải xây dựng một điều ước quốc tế để điều chỉnh các hành vi đổ thải ở biển.
Vào tháng 6/1972, lần đầu tiên Liên hợp quốc đã kêu gọi xây dựng một Công ước về đổ thải xuống biển. Tháng 11/1972, tại Hội nghị Liên chính phủ tổ chức tại London, dự thảo Công ước về phòng ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác ở biển (Công ước London 1972) được thông qua. Trên thế giới hiện nay đã có 87 nước phê chuẩn Công ước.
Khu vực Hòn Cau, Bình Thuận, cách không xa điểm nhận chìm vật chất. Nhận chìm ở biển đâu chỉ có "duy nhất" ở Việt Nam. |
Tiếp theo đó, để hiện thực hóa Chương trình Nghị sự 21, tăng cường bảo vệ môi trường biển phục vụ phát triển bền vững, tại cuộc họp đặc biệt của các nước thành viên Công ước London 1972 vào năm 1996 tại London, Nghị định thư về Công ước về phòng ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác ở biển (Nghị định thư London 1996) được thông qua như là một điều ước quốc tế riêng biệt. Nghị định thư này có hiệu lực vào ngày 24 tháng 3 năm 2006, và cho tới nay được điều chỉnh vào các năm 2006, 2009 và 2013. Vào năm 2019, có 53 nước là thành viên của Nghị định thư.
Nếu tính cả Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996 thì có hơn 100 nước hoặc là thành viên của Công ước, hoặc là thành viên của Nghị định thư hoặc là của cả hai. Mục đích của Công ước cũng như Nghị định thư đều đảm bảo hạn chế tới mức thấp nhất ô nhiễm biển do đổ thải ở biển gây ra, đồng thời giúp tìm các phương án đổ thải thích hợp nhất, tăng cường hiệu quả của các dự án đầu tư, góp phần phát triển kinh tế biển.
Công ước London 1972 quy định một danh mục các chất cấm nhận chìm (đổ) xuống biển, các chất được phép nhận chìm với giấy phép đặc biệt và các chất được phép nhận chìm xuống biển theo giấy phép chung; trong đó, chất nạo vét không được coi là chất thải công nghiệp và được phép nhận chìm xuống biển theo giấy phép chung.
Cụ thể hơn, Phụ lục 1 của Nghị định thư London 1996 quy định rõ danh mục các chất có thể xem xét, cấp phép nhận chìm ở biển và chất nạo vét đứng đầu danh mục này. Cơ sở của việc này là chất nạo vét là chất được đưa lên từ đáy biển và việc đưa nó trở lại biển là một việc tự nhiên nếu nó không chứa những chất độc hại có khả năng làm môi trường biển thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Hai văn bản pháp luật quốc tế nêu trên cũng yêu cầu các quốc gia cần thực hiện việc cấp phép cho các hoạt động nhận chìm cũng như ghi chép về các giấy phép nhận chìm và thực hiện giám sát môi trường trong và sau quá trình nhận chìm.
Một số văn bản khác của luật pháp quốc tế về môi trường, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Điều 210) và một số Nghị quyết Đại hội đồng Liên hợp quốc về Đại dương và Luật biển cũng đề cập tới các hoạt động nhận chìm ở biển.
Thế giới ứng xử với biển
Việc nhận chìm cát nạo vét để bảo vệ bờ (nuôi bãi) rất phổ biến trên thế giới. Một thí dụ rất điển hình là bãi biển Palm, Florida, Mỹ. Đây là bãi biển đẹp và đắt giá nhất nước Mỹ. Bãi này bị xói lở do cát bị vận chuyển dọc bờ theo hướng sóng thịnh hành và lắng đọng ở phía cuối của bãi. Để duy trì bãi, người ta đã nạo vét cát ở cuối bãi, chở lên “nhận chìm” ở đầu bãi. Gần đây, các nhà khoa học Hà Lan đã đưa ra ý tưởng sử dụng động cơ cát (sand engine), tức là đổ cát thành một doi ở khu vực phía đầu sóng của một bãi biển bị xói lở để cát từ từ di chuyển về cuối bãi và vận chuyển vào bờ, bù cho lượng cát bị sóng đánh ra xa. Khi cát đã lắng đọng ở cuối bãi, cát lại được nạo vét để “nhận chìm” ở đầu bãi.
Chương 24 của Báo cáo đánh giá Đại dương lần thứ nhất do Liên hợp quốc xuất bản năm 2016 (https://ift.tt/1LYlghp global_reporting/WOA_ RegProcess.htm) nêu rõ vào năm 2010, có tới 35 trong số 38 báo cáo nộp cho Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) là về nhận chìm chất nạo vét, và riêng nước Bỉ đã nhận chìm khoảng 52 triệu tấn chất nạo vét (tính theo khối lượng khô) xuống biển trong năm 2010.
Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) là cơ quan quản lý Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996. Tất cả các nước tham gia hai văn bản luật pháp quốc tế nêu trên hàng năm phải nộp báo cáo về hoạt động nhận chìm cho IMO.
Báo cáo của IMO năm 2016 (http://www.imo.org/en/ OurWork/Environment/LCLP/TC/ Documents/London%20Protocol% 20Why%20it%20is%20needed%2020% 20years.pdf) cho thấy khoảng 80% đến 90% chất được cấp phép nhận chìm ở biển là chất nạo vét. Tuy nhiên, không chỉ có các nước tham gia Công ước London và Nghị định thư London thực hiện các hoạt động nhận chìm mà hầu như tất các các quốc gia ven biển trên thế giới hàng năm đều thực hiện các hoạt động nhận chìm, đặc biệt là nhận chìm chất nạo vét. Thí dụ điển hình nhất là về hoạt động nhận chìm của các nước thuộc Công ước OSPAR (Bắc Âu và Tây Âu), là những nước có những quy định nghiêm ngặt nhất về bảo vệ môi trường biển.
Báo cáo của Ủy ban Công ước OSPAR năm 2010 (https://ift.tt/3eCMM6M media/assessments/p00366_supplements/p00366_suppl_1_dredging_what_are_the_problem. pdf) viết rằng chất nạo vét chủ yếu được nhận chìm ở biển và cho thấy từ năm 1990 tới 2005, hàng năm các nước ở khu vực Đông Bắc Đại Tây dương đã nhận chìm hàng năm từ 80 đến 131 triệu tấn chất nạo vét tính theo khối lượng khô xuống biển.
Đặc biệt, Ủy ban Công ước OSPAR trên trang của mình (https://ift.tt/30pt2hB areas/eiha/dredging-dumping) đã viết rõ “trầm tích là một phần cốt yếu, toàn vẹn và động lực của hệ sinh thái. Trên 99% chất nạo vét được nhận chìm xuống biển đã được tạo ra gần vị trí nhận chìm và là kết quả của quá trình nạo vét các cảng và luồng vào để đảm bảo hoạt động hàng hải. Phần lớn các chất nạo vét được nhận chìm tại các vị trí được xác định. Chúng cũng được dùng để nuôi bãi và lấn biển” và "trầm tích là một phần của môi trường biển và việc di chuyển bùn cát không ô nhiễm ở biển hỗ trợ quá cân bằng bùn cát tự nhiên. Việc làm gia tăng độ đục cũng ảnh hưởng ngắn hạn tới các sinh vật phụ thuộc vào ánh sáng, nhưng ảnh hưởng này nói chung được coi là có thể bỏ qua".
Cũng theo trang nêu trên, tổng lượng chất nạo vét do các nước thành viên Công ước OSPAR nhận chìm xuống biển vào năm 2014 là trên 1,5 tỷ tấn tính theo khối lượng khô. Nếu lấy trung bình một m3 chất nạo vét có khối lượng khoảng 2,5 tấn, lượng chất nạo vét do các nước thuộc Công ước OSPAR nhận chìm xuống biển vào năm 2014 là khoảng trên 600 tr. m3.
Đặc biệt, một số nước, thí dụ như Bỉ, khuyến khích nhận chìm chất nạo vét gần bờ để chất nạo vét được đổ xuống biển tại các vị trí nằm trong hệ thống bùn cát và việc đổ này sẽ tạo điều kiện cho sóng biển vận chuyển chất nạo vét vào bờ, giúp giảm nguy cơ xói lở bờ biển.
“Nhận chìm ở biển” là hoạt động bình thường ở Việt Nam
Khái niệm “nhận chìm ở biển” được Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra lần đầu tiên khi dịch ra tiếng Việt và phổ biến Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 tại Việt Nam. Khái niệm này cũng được sử dụng lại trong Luật Biển Việt Nam năm 2012.
Do Việt Nam chưa là thành viên của Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996, trước đây chất nạo vét từ các hoạt động nạo vét bể cảng và luồng vào cảng ở Việt Nam được tự do đổ xuống biển, và trong một số trường hợp, gây tổn hại đến hệ sinh thái biển.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các quy định của Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996, khi xây dựng Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo xây dựng các quy định về cấp phép nhận chìm ở biển. Các thủ tục cấp phép nhận chìm ở biển quy định trong Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo và Luật bảo vệ môi trường Việt Nam là rất chặt chẽ và tuân thủ những quy định trong Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996.
Hoạt động cấp phép nhận chìm ở biển ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra một cách bình thường, đúng theo các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, đã góp phần giúp Việt Nam bảo vệ tốt hơn môi trường, hệ sinh thái và phát triển bền vững hơn nền kinh tế biển.
PGS.TS Vũ Thanh Ca
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Theo VietnamNet
0 nhận xét