Nước ngập tại TP. Vũ Hán (Hồ Bắc). |
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc phải nâng mức ứng phó. Tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc hôm 6/7 đã nâng mức ứng phó khẩn cấp từ cấp 4, mức thấp nhất trong thang 4 cấp, lên cấp 3, theo Tân Hoa Xã. Cơ quan khí tượng dự báo có mưa lớn tại các thành phố Hàng Châu, Hồ Châu và Gia Hưng.
Giới chức cho biết mực nước của nhiều con sông trong khu vực đồng bằng chính của tỉnh Chiết Giang đã tăng vượt mức báo động, tính đến chiều 6/7.
Trùng Khánh, thành phố trực thuộc trung ương ở tây nam Trung Quốc, hôm 6/7 cũng thông báo chính quyền đã kích hoạt ứng phó cấp 3, với lũ lụt sau khi mưa lớn làm gia tăng mực nước ở nhiều con sông tại địa phương.
Thành phố cho hay giới chức đã điều phối dung tích hồ chứa tại các công trình thủy điện trên sông Ô Giang, nhánh chính của sông Trường Giang, để đối phó với áp lực ngập lụt ngày càng tăng.
Hôm 5/7, các tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc đã nâng mức ứng phó với lũ lụt lên cấp 3, trong khi tỉnh An Huy nâng mức ứng phó với mưa bão lên cấp 2.
Cục Khí tượng Trung Quốc hôm 6/7 tiếp tục phát đi cảnh báo "màu vàng", mức thấp thứ hai trong thang 4 cấp, trước diễn biến mưa bão.
Theo Tờ Nhân dân Nhật báo dẫn thông tin từ Bộ Quản lý Khẩn cấp cho biết, trên cả nước, các thảm họa do lũ lụt gây ra đã phá hỏng 17.000 ngôi nhà, gây thiệt hại 5,9 tỷ USD và khiến nhất 121 người chết hoặc mất tích.
Cơ quan khí tượng Trung Quốc cảnh báo mưa lớn sẽ tiếp tục diễn ra ở các tỉnh phía nam trong nửa đầu tháng 7, dự báo Đập Tam Hiệp sẽ đón một trận lũ mới.
Lưu lượng nước về đập thủy điện Tam Hiệp dài 2,5 km mạnh nên hiện phải mở 3 cửa xả lũ. Mực nước của 277 con sông đã vượt mức báo động, trong đó 11 con sông vượt kỷ lục lịch sử. Các tỉnh thành ảnh hưởng nặng nề nhất tính đến thời điểm này là Hồ Bắc, Trùng Khánh, Hồ Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Đông… Mưa lũ cũng làm sạt lở núi nghiêm trọng, chia cắt giao thông ở một số địa phương tỉnh Tứ Xuyên, thành phố Trùng Khánh.
Nhiều khu vực tại Nhật Bản bị tàn phá nặng nề. |
Trong khi đó tại Nhật Bản, Theo Cục khí tượng thủy văn Nhật Bản, hôm nay (7/7) mưa lớn trực tiếp ảnh hưởng nặng nề trên diện rộng từ Tây Nhật Bản sang Đông Nhật Bản. Theo đó, ngoài Kumamoto, Kagoshima, các tỉnh khác như Fukuoa, Oita… có nhiều khu vực bị tàn phá nặng nề cả về người và tài sản.
Theo cơ quan điện lực Kyushu, đến sáng nay, có hàng chục nghìn hộ dân các tỉnh thành bị ngắt điện. Ngoài điện, hệ thống nước cũng bị ngừng cung cấp do vỡ ống. Tình hình sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn.
Tính đến sáng nay (7/7), đã có 50 người thiệt mạng do mưa lũ tại khu vực Tây và Đông Nhật Bản, trong đó tỉnh Kumamoto có số người thiệt mạng nhiều nhất. Tại các tỉnh Oita, Kumamoto, Kagoshima… số người mất ý thức, tim ngừng đập vẫn tăng lên từng giờ.
Số người mất tích đang được lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm. Tại khu vực Kyushu, các tỉnh tỉnh Fukuoka, Saga, Nagasaki…nâng mức cảnh báo đặc biệt đối với nhiều khu vực về hiện tượng lở đất, sụt lún. Mực nước các con sông đã ở mức cao nhất. Số người thương vong và mất tích vẫn tiếp tục tăng.
Các con sông ở các tỉnh Kagoshima, Miyazaki, Kochi… đã đạt mức cảnh báo cao nhất do mực nước tăng nhanh. Chính quyền địa phương cảnh báo người dân không đến gần khu vực các con sông đề phòng lũ cuốn. Nước cũng tràn vào các khu dân cư, cuốn đi nhiều tài sản như ô tô, vật dụng gia đình… Mưa lớn, lũ lớn cũng gây ra hiện tượng lở đất nghiêm trọng làm đình trệ nhiều tuyến giao thông.
Theo Kyodo News, các trận lũ lụt lần này được xem là đợt thiên tai thảm khốc nhất mà Nhật Bản hứng chịu kể từ Siêu bão Hagibis hồi tháng 10 năm ngoái làm 90 người thiệt mạng.
Nhật Hạ (tổng hợp)
0 nhận xét