Open top menu
Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Giải bài toán ô nhiễm làng nghề, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, cần phải đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, loại bỏ dần các lò than để hướng các làng nghề truyền thống từ sống chung với khói bụi trở thành những “làng nghề xanh”.

Công nghệ lạc hậu giết chết môi trường

Có lịch sử hơn 400 năm, làng nghề bún Phú Đô (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) vốn nổi tiếng với sản phẩm bún truyền thống. Người dân ở làng nghề này chủ yếu mưu sinh bằng nghề làm bún.

Ông Nguyễn Văn Họa, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống bún Phú Đô cho biết, hiện tại, số lượng bún Phú Đô bán ra thị trường Hà Nội gần 90 tấn bún mỗi ngày. Trước những năm 1990, làng Bún Phú Đô có gần 1.000 hộ làm bún, chiếm hơn 90% số hộ trong toàn thôn với công nghệ làm bún hoàn toàn thủ công: từ xay bột, giá bột… hoàn toàn bằng sức người và chỉ sử dụng lò than để luộc bún. Than nắm, than tổ ong được sử dụng thường xuyên gây đã tác động tiêu cực đến môi trường.

Chỉ số AQI đo được tại các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội.

Theo kết quả khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vấn đề nan giải nhất về ô nhiễm môi trường của làng nghề bún Phú Đô là ô nhiễm nguồn nước và không khí, do nước thải và khí than thải ra môi trường trong quá trình sản xuất.

Kết quả điều tra 500 hộ làm bún của làng Phú Đô cho thấy, bình quân trong năm, mỗi hộ làm nghề tiêu thụ 17,59 tấn gạo, sản xuất 41,87 tấn bún, trung bình mỗi hộ tiêu thụ 19-22 kg than, hiệu suất tiêu hao nhiệt là 618 mcal/tấn bún. Bình quân mỗi năm, làng nghề này thải ra môi trường khoảng 1.586 tấn xỉ than và 6.158 tấn khí CO2. Công nghệ lạc hậu, hệ thống xử lý chất thải hoạt động kém khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại Phú Đô ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Thực trạng ô nhiễm môi trường không chỉ xảy ra đối với làng nghề bún Phú Đô mà nó là tình trạng chung của hầu hết các làng nghề trên cả nước hiện nay. Các làng nghề sản xuất giấy cũng là những nơi được coi là điểm nóng về ô nhiễm không khí, môi trường đơn cử như làng nghề Phong Khê tại Bắc Ninh có cường độ khói bụi, rác thải và ô nhiễm nguồn nước mạnh do các hoạt động sản xuất giấy sử dụng công nghệ lạc hậu, hệ thống xử lý chất thải kém.

Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết, ngành sản xuất giấy là một trong những ngành tiêu hao năng lượng lớn, chi phí năng lượng thường chiếm từ 20 đến 40% giá thành sản phẩm.

Trong khi tại Việt Nam, mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tại các doanh nghiệp sản xuất giấy, đặc biệt là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, luôn cao hơn từ 1,5 đến 2,0 lần so với sản phẩm cùng loại do các nước trong khu vực sản xuất.

Sử dụng công nghệ sạch

“Tương tự, ngành thép cũng là một trong những ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, nhiên liệu ở quy mô lớn”, ông Hùng cho biết. Theo ông Hùng, công nghệ luyện phôi thép hiện nay chủ yếu là lò điện, công suất thấp, lạc hậu nên suất tiêu hao năng lượng còn cao.

Tại Bắc Ninh, theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường Bắc Ninh năm 2017, mỗi ngày làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê sử dụng khoảng 40.000 tấn than củi các loại và 18.000 m3 nước, thải ra môi trường 150 tấn rác thải công nghiệp (gồm các loại xỉ than, phế liệu, vẩy sắt) và trên dưới 1 tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 15.000m3 nước thải...

Những con số nói trên thực sự là những con số đang bức tử môi trường tại các làng nghề truyền thống. Trước thực trạng này, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế để giảm chi phí sản phẩm, cải thiện môi trường có ý nghĩa rất quan trọng , đang là một hướng đi phổ biến trong sản xuất tại các làng nghề.

Theo ông Tăng Thế Hùng, thời gian qua, nhiều làng nghề đã sử dụng năng lượng thay thế vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, như làng gốm Bát Tràng thay lò nung gốm bằng than chuyển sang nung gốm bằng lò ga. Việc sử dụng lò ga để nung sản phẩm gốm vừa chủ động điều chỉnh được nhiệt độ trong quá trình nung gốm nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt việc thay thế than bằng ga đã giảm ô nhiễm, độc hại đáng kể cho cả vùng.

Ông Nguyễn Văn Họa, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống bún Phú Đô cũng cho biết, người dân làng nghề bún Phú Đô cũng đang dần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới loại bỏ lò than, thay thế bằng các thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm tăng năng suất đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, sức khỏe người dân được đảm bảo.

Giới chuyên gia nhận định, việc sử dụng công nghệ đốt gas để nung sản phẩm gốm sứ giúp tại Bát Tràng đã giúp DN giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tới 30%. Lợi nhuận cũng tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ, DN không chỉ tiết kiệm được chi phí năng lượng, mà công nghệ mới còn giúp tăng tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng tới 95% so với mức 60%-70% trước kia và giảm phát thải các chất ô nhiễm không khí ra môi trường.

Từ đó, không chỉ đời sống kinh tế của các hộ dân ngày càng nâng cao mà môi trường làng nghề cũng được cải thiện đáng kể. Chính bởi vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, các làng nghề truyền thống cần loại bỏ các lò than trong sản xuất để thay thế bằng công nghệ đốt mới hiện đại hơn, giảm thiểu ô nhiễm, khói bụi, hướng tới các làng nghề xanh, phát triển bền vững.

Theo báo Đại đoàn kết

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét