Chỉ có 2 tin nhắn phản ánh mùi rác trong tháng 6
Trả lời báo chí trong cuộc họp báo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm chiều 23-7, Sở Tài Nguyên và môi trường TP.HCM cho biết đã yêu cầu bãi rác Đa Phước tăng cường các biện pháp khống chế mùi hôi gây ảnh hưởng dân cư khu Nam thành phố.
Tại cuộc họp, ông Lê Trung Tuấn Anh - trưởng phòng quản lý chất thải rắn Sở TN-MT TP.HCM, cho biết hiện nay tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước có 3 đơn vị đang hoạt động gồm: VWS (Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam) - xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn xanh - xử lý bùn thải từ nạo vét và nhà máy nước, Công ty cổ phân dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình - xử lý bùn hầm cầu.
Trong đó VWS là đơn vị bị người dân phản ảnh nhiều nhất do gây ra mùi hôi khiến đời sống người dân khu Nam thành phố bị đảo lộn.
Về mùi hôi người dân phản ảnh, Sở TN-MT lý giải do mùa mưa nên độ ẩm không khí cao, mùi hôi không thể khuếch tán lên cao và gặp phải gió tây nam nên ảnh hưởng đến các khu vực phía Nam thành phố.
Liên quan đến thông tin người dân phản ánh mùi rác trong tháng 6, trả lời báo chí, Sở TN-MT ghi nhận có 2 tin nhắn phản ánh của người dân về mùi hôi, thông qua đường dây nóng. Ngoài ra, hàng loạt phản ánh của người dân trên mạng xã hội Facebook, do Công ty Phú Mỹ Hưng cung cấp.
Đáng chú ý, hầu hết các thông tin phản ánh về mùi hôi gây ô nhiễm môi trường không khí, đều trong tháng 6/2020 vừa trôi qua. Đặc biệt, mùi hôi phát ra trong khung giờ từ 19 – 23 giờ hàng đêm.
Chia sẻ với báo Dân Việt, chị Trần Thị Liễu – cư dân Khu đô thị Phú Mỹ Hưng – cho biết: "Mùi hôi phát ra thường vào nửa đêm đổ về sáng. Mùi hôi thoang thoảng, rất khó chịu. Chúng tôi không biết tránh né mùi hôi như thế nào. Chỉ còn biết chui hết vào trong nhà, đóng kín cửa, vô cùng ngột ngạt".
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Xuân – cư dân khu dân cư Rạch Bà Tánh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - kể: "Lẽ ra, hết ngày làm việc, về nhà nghỉ ngơi, cần hít thở khí trời tự nhiên, thì chúng tôi lại phải rúc trong nhà… Ra ngoài là không thở được, vì mùi hôi. Đến không khí trong lành, giờ đây cùng thành đồ… xa xỉ"…
Trong khi đó, tại văn bản gửi Cục Bảo vệ môi trường miền Nam về việc xác minh thông tin phản ánh liên quan đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường của bãi rác Đa Phước, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, không nhận thấy mùi hôi rác tại xã Phước Kiển và khu Phú Mỹ Hưng trong lần khảo sát ngày 30/6. Việc khảo sát được thực hiện trong điều kiện trời đứng gió và không mưa.
Công nghệ lạc hậu
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nằm tại xã Đa Phước trên diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD, chia làm bốn giai đoạn, hoạt động trong 24 năm. Giai đoạn 1 của dự án được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007. Công ty VWS được đầu tư 100% vốn từ Công ty California Waste Solution (có trụ sở tại Mỹ) chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành Bãi rác Đa Phước. Hiện nơi này tiếp nhận và xử lý hơn 5.000 tấn rác mỗi ngày bằng công nghệ chôn lấp.
Đến hẹn lại lên, nhiều năm qua, người dân tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu vực phía Nam Sài Gòn, TP.HCM lại lên tiếng phản ánh về việc họ phải hứng chịu mùi hôi thối kinh khủng từ bãi rác này.
Theo người dân, cứ vào tháng 5 - 10 hằng năm, ộ ẩm không khí cao và hướng gió chủ đạo là hướng Tây-Tây Nam khiến mùi hôi phát sinh có nồng độ đậm đặc hơn, nhất là trong thời gian từ 4-5 giờ, 9-10 giờ và 16-19 giờ hằng ngày.
Nói về nguyên nhân của mùi hôi ở khu Nam thành phố, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Mùi hôi xuất hiện vào thời điểm có sự thay đổi hướng gió khi giao mùa khô và mùa mưa, có nguyên nhân từ Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS).
Theo ông Thắng, bãi rác Đa Phước sử dụng công nghệ chôn lấp và hạn chế của công nghệ này là phải chấp nhận có mùi. Thời điểm trước đây, TP.HCM lựa chọn công nghệ chôn lấp cũng có phần do khu vực này nằm xa các khu dân cư. Hiện nay thành phố điều chỉnh quy hoạch, xây dựng các khu đô thị lân cận nên chịu ảnh hưởng mùi hôi từ bãi rác này. Theo lộ trình, khi bãi rác Đa Phước đủ công suất thiết kế thì phải đóng bãi.
“Thời gian bãi rác này đủ thiết kế là năm 2024, công nghệ mà thành phố lựa chọn là công nghệ đốt để giải quyết bài toán các khu xử lý chất thải nằm cạnh khu dân cư thì sẽ không bị mùi hôi từ công nghệ chôn lấp”, ông Thắng cho biết.
Sẽ chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện
Theo Zing, tại cuộc họp, ông Lê Trung Tuấn Anh cho biết, sau khi nhận được phản ánh liên tiếp của người dân, trong ngày 23/7, Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư bãi rác Đa Phước - đã tăng cường nhiều biện pháp giảm ảnh hưởng của mùi rác. Cụ thể, 43 đầu đốt khí di động được lắp đặt, tích hợp vào các ống thu khí, đảm bảo triệt tiêu mùi hôi.
Hệ thống phun sương được lắp đặt thêm 250 m, nâng tổng chiều dài lên thành 450 m quanh khu vực. Các máy phun chế phẩm khử mùi, giàn phun áp lực cũng được bổ sung.
Ngoài ra, khu vực tiếp nhận rác đã được hạ chiều cao từ 14 m xuống còn 13 m. VWS có trách nhiệm bố trí nhân lực và trang thiết bị để đảm bảo rác thải được xử lý ngay khi vận chuyển tới, không để tồn dư.
Sở TN-MT TP.HCM cũng yêu cầu 2 đơn vị xử lý bùn thải tại Khu liên hiệp xử lý rác Đa Phước tăng cường biện pháp vệ sinh công nghiệp, tăng diện tích che phủ nhà xưởng và tăng liều lượng phun thuốc khử mùi.
Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thông tin thêm về lâu dài, VWS cùng các đơn vị xử lý rác trên địa bàn đang dần chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện. VWS đang thực hiện lập dự án, thẩm định công nghệ hệ thống lò đốt theo hướng dẫn của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét