Trước đó, như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đưa tin trong bài viết, Bắc Giang: Lò 'hoả táng' rác thải sinh hoạt hủy hoại môi trường?. Trong bài viết có nêu rõ về tình trạng ô nhiễm môi trường từ lò xử lý rác thải sinh hoạt do huyện Yên Dũng quản lý. Ngay sau khi bài viết được đăng tải đã nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.
Rác thải sinh hoạt xử lý không hết sẽ được tập kết và đốt trực tiếp ngoài trời. |
Theo đó, trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 tới thời điểm hiện tại, bà con sống gần khu vực lò đốt rác thải sinh hoạt do huyện Yên Dũng quản lý nằm trên địa bàn thị trấn Nham Biền gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến hoa màu, đời sống của bà con. Mặc dù tình trạng này người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị tới chính quyền các cấp nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm, mà tình trạng này ngày càng bùng phát mạnh hơn.
Qua ghi nhận cho thấy, tình trạng ô nhiễm tại đây khá là phức tạp, bởi rác thải sinh hoạt được tập kết thành bãi rộng hàng trăm mét vuông bốc mùi hôi thối, không đảm bảo về tính chất pháp lý của môi trường đề ra, lượng rác thải sinh hoạt được đổ về đây ngày càng nhiều nên hầu như là không thể xử lý được hết, bởi ở đây chỉ có duy nhất một lò đốt mini, khối lượng xử lý trung bình một ngày của lò này chỉ đạt từ 12 đến 15 khối. Chính vì lẽ đó nên tình trạng rác tồn đọng được giải khắp xung quanh, chất thành đống cao và đốt trực tiếp bằng phương pháp thủ công.
Lò đốt có công xuất quá nhỏ không thể xử lý được hết lượng rác thải hàng ngày đổ về đây. |
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải đốt cả ngày lẫn đêm. |
Mặc dù đề án khu xử lý rác thải sinh hoạt do huyện quản lý, nhưng hầu như lò đốt này lại như một bãi đổ tự phát của người dân, vì lò không có hệ thống xử lý nước thải, không quan trắc, không bạt vải địa… rác được đổ xuống nền đất, nước rỉ rác đen kịt bốc mùi hôi thối chảy trực tiếp ra môi trường thẩm thấu vào nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến hoa màu của người dân.
Trao đổi với P.V vào ngày 3/7 về nội dung này, ông Lại Văn Hà – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thừa nhận việc báo chí phản ánh là hoàn toàn đúng, theo đó ông Hà cho biết: “Về những gì báo chí phản ánh huyện đã lắm bắt được, do lò đốt có công xuất xử lý quá nhỏ nên chúng tôi đành phải cho đốt ở ngoài trời để giảm bớt lượng rác thải hàng ngày, mặc dù biết là ô nhiễm nhưng hiện tại huyện vẫn chưa tìm được nhà đầu tư nên chưa thể xử lý được dứt điểm tình trạng trên. Chúng tôi sẽ cố gắng trong thời gian tới tìm được đơn vị về nhận xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn để giảm tải tình trạng ô nhiễm như hiện nay.
Để xảy ra tình trạng ô nhiễm như hiện tại, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về huyện do không có hướng xử lý dứt điểm. Chúng tôi đang kêu gọi xã hội hoá đầu tư làm công nghệ mới theo lò đốt rác thải sinh hoạt của huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Với công xuất mới sắp có, tôi tin rằng sẽ giảm bớt được một phần lớn rác thải sinh hoạt của huyện, tôi cũng tin rằng khi công nghệ mới này có sẽ không gây ô nhiễm môi trường như hiện tại nữa”.
“Với công suất xử lý hiện tại thì lò đốt này chỉ đảm bảo được tầm 15 khối rác thải trong một ngày, còn lại lượng rác thải tồn đọng công nhân sẽ gom thành đống để đốt, tình trạng này đã diễn ra từ đầu năm nay, chúng tôi đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư về để làm lò đốt công nghệ mới tuy nhiên tới thời điểm tại thì vẫn chưa có đơn vị nào nhận. Biết là không đảm bảo về vấn đề môi trường, ảnh hưởng tới chính người dân xung quanh, nhưng huyện chưa có đủ kinh phí đển xử lý nên đành phải chịu, đành phải để ô nhiễm”, ông Hà nhấn mạnh.
Lãnh đạo huyện Yên Dũng thừa nhận việc lò đốt này không đảm bảo công xuất xử lý, dẫn tới tình trạng ô nhiễm như hiện nay. |
Cũng theo ông Hà cho biết: “Riêng về vấn đề kinh phí duy tu bảo dưỡng, tiền lương cho công nhân thu gom, xử lý rác thải hàng ngày, huyện sẽ đứng lên trả lương cho công nhân với số tiền là 25 triệu đồng một tháng cho 4 công nhân hoạt động tại lò. Còn lại tiền thu gom rác thải hàng ngày của hơn 10 nghìn hộ dân, thị trấn Nham Biền sẽ giao cho hợp tác xã thị trấn đi thu, các hộ mặt phố sẽ là 40 nghìn đồng, các hộ trong ngõ là 25 nghìn đồng”.
Tuy nhiên, khi P.V hỏi số tiền do hợp tác xã thị trấn thu của các hộ dân về sẽ chi cho những khoản gì và có danh sách thu chi cụ thể không? thì ông Hà lại quanh co không trả lời, không những thế giấy tờ liên quan đến việc thu chi cũng không có. Về nội dung này, người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi. Liệu số tiền mà hợp tác xã thị trấn Nham Biền thu về có chi tiêu đúng mục đích hay không? hay số tiền thu về lại đút túi các “quan anh, quan chị” tại thị trấn? Riêng về nội dung này cần phải có sự can thiệp của lãnh đạo tỉnh uỷ Bắc Giang.
Liên quan đến vụ việc trước đó, trao đổi với P.V, ông Vũ Văn Thanh - Chủ nhiệm hợp tác xã thị trấn Nham Biền cũng xác nhận tình trạng ô nhiễm đang xảy ra tại thị trấn. Theo ông Thanh, “để làm môi trường mà không có kinh phí thì không thể làm được, bằng chứng là hiện tại thị trấn đang phải chịu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường từ việc không thể xử lý được lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày. Riêng về những giấy tờ liên quan đến việc thu chi mà báo chí yêu cầu được tiếp cận tôi không có, thị trấn Nham Biền là người quản lý”.
Thế nhưng khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Lân – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nham Biền lại cho rằng, những loại giấy tờ này là hợp tác xã quản lý, vì thị trấn đã giao cho hợp tác xã thu chi trong quá trình thu góm xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Qua cách trả lời trên của chính quyền các cấp tại thị trấn Nham Biền thì những loại giấy tờ này hiện tại ai mới là người quản lý?.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài sau.
0 nhận xét