Doanh nghiệp vẫn “làm ngơ” và ngang nhiên xả thải
Công ty Bạch Đằng có địa chỉ tại số 61 đường Võ Văn Bích, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Theo người dân phản ánh thì nhiều năm qua, trong quá trình sản xuất, công ty này đã xả thẳng nước thải theo đường cống bê tông dẫn từ khu vực xả thải của công ty ra rạch Ngọn Đất Huấn rồi theo con rạch này, nước thải ra kênh và chảy ra sông lớn. Nước thải của công ty Bạch Đằng xả ra đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và canh tác nông nghiệp của người dân.
Công ty bia Bạch Đằng đang khiến người dân vô cùng bức xúc |
Để có góc nhìn đa chiều về thông tin bạn đọc phản ánh, PV đã liên hệ làm việc với công ty Bạch Đằng và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ngoài phản hồi của cơ quan chức năng (như MTĐT đã thông tin kỳ trước) thì đến nay phía doanh nghiệp vẫn “bặt vô âm tín” với nội dung mà PV đề nghị cung cấp thông tin.
Mới đây, qua hệ thống liên lạc, người dân lại phản ánh rằng: “Công ty Bạch Đằng vẫn xả thải như cũ. Người dân chúng tôi hết chịu nổi rồi”.
Trao đổi với PV, anh D là hộ dân canh tác nông nghiệp ngay phía sau công ty này cho biết: “Chúng tôi có theo dõi báo chí và biết MTĐT có bài phản ánh về sự việc công ty Bạch Đằng xả thải. Nhưng cho đến nay, chẳng thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra hay hỏi thăm. Còn chuyện xả thải của công ty này vẫn y nguyên như trước. Nhưng bây giờ sợ người dân nhìn thấy, công ty này chuyển qua xả ban đêm”.
Dòng nước thải từ công ty Bạch Đằng ra rạch Ngọn Đất Huấn vô cùng ô nhiễm và hôi thối |
Trở lại với khu vực xả thải của công ty Bạch Đằng, PV nhận thấy rằng mọi thứ vẫn như lúc đầu người dân “tố”. Con rạch nhỏ vẫn oằn mình chứa dòng nước đen ngòm nổi đầy váng mà đến lục bình còn không sống nổi. Mùi hôi thối, chua loét xộc lên dưới cái nắng gắt mùa hè khiến ai cũng phải “nhăn mặt” khi ngửi thấy.
Con rạch nhơ nhớp này còn tồn tại đến bao giờ? Người dân ở đây “nơm nớp” lo sợ về dòng nước ô nhiễm này đến bao giờ? Theo chúng tôi, người dân cần lắm sự quan tâm từ phía cơ quan chức năng. Còn phía doanh nghiệp, có lẽ người dân cần “cái tâm của người làm kinh tế”.
Dòng nước đen sì như dầu thải, hôi hám và ô uế do công ty Bạch Đằng thải ra |
Qua trao đổi, người dân hỏi lại PV: “Theo các anh thì đến khi nào người dân chúng tôi mới đi qua được thảm họa này?”. MTĐT xin nhường lại câu trả lời cho các nhà chức trách.
Dân kêu trời, nhà chức trách ở đâu?
Nước thải của công ty Bạch Đằng vẫn đổ về nơi từng đổ bao nhiêu năm nay, người dân kêu than mãi rồi cũng nản. Bởi có kêu thế, kêu nữa thì cũng chỉ có trời đất và bản thân họ nghe thấy chứ nào có ai đến hỗ trợ họ đâu?
Công văn số 5754/UBND - TNMT của UBND huyện Củ Chi trả lời MTĐT với đại ý rằng "đã kiểm tra và mọi thứ đều ổn". Nhưng đến những ngày nửa cuối tháng 7 này, người dân lại phản ánh tới Tòa soạn MTĐT.
Công văn phúc đáp của UBND huyện Củ Chi với MTĐT |
Công văn phúc đáp của UBND huyện Củ Chi với MTĐT |
Công văn phúc đáp của UBND huyện Củ Chi với MTĐT |
Ô nhiễm hay không, hôi thối đến mức chịu không nổi hay không thì chỉ có người dân gắn bó với ruộng đồng nơi đó hiểu rõ nhất.
Sau khi xử phạt 294 triệu đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty Bạch Đằng, UBND huyện Củ Chi có yêu cầu Công ty Bạch Đằng: “Phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các hành vi vi phạm gây ra; thu gom, xử lý toàn bộ nước thải, khí thải đạt quy chuẩn về kỹ thuật về chất thải trước khi thải ra môi trường; chấm dứt việc xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn; không xả nước thải vào nguồn nước cho đến khi có giấy phép xả nước thải theo quy định. Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Bạch Đằng đã chấp hành đầy đủ nội dung Quyết định số 12054/QĐ – XPVPHC ngày 31/12/2019 của UBND huyện”.
Nhưng chúng tôi không thấy UBND huyện Củ Chi nói rõ thời gian thực hiện trong bao lâu? Đã có biên bản kiểm tra kết luận chưa? Cán bộ cấp nào giám sát những hoạt động khắc phục đó?
“Anh T người dân sống gần công ty Bạch Đằng chia sẻ: “Cán bộ xuống kiểm tra thì cũng ngồi máy lạnh uống trà thì làm sao thấu hiểu được những điều bức xúc của người dân”. Chúng tôi không rõ anh ấy có căn cứ gì để nói vậy không. Nhưng qua đó cho thấy rằng ở một khía cạnh nào đó, người dân không dám đặt nhiều niềm tin vào cách xử lý của các nhà chức trách.
Công ty Bạch Đằng nhiều năm sản xuất bia với trữ lượng 8 triệu lít/năm mà đã khiến người dân bức xúc “tố tội”, chính quyền xử phạt hàng trăm triệu đồng bởi hành vi gây ô nhiễm môi trường. Theo thông tin PV nắm bắt thì hiện nay trữ lượng tăng lên 18 triệu lít/ năm thì hệ lụy gì sẽ kéo theo sẽ ra sao nếu cơ quan chức năng không thắt chặt khâu quản lí và kiểm định sát sao mọi hoạt động của công ty này trong quá trình sản xuất? Và tăng trữ lượng như vậy thì phía doanh nghiệp có điểu chỉnh, báo cáo điều chỉnh hệ thống xử lý chất thải cho cơ quan chức năng hay chưa?
MTĐT sẽ tiếp tục thông tin với bạn đọc trong những kỳ tiếp theo.
0 nhận xét