Trước sức ép về đô thị hoá, các khu chung cư, đô thị mới đang mọc lên ngày càng dày đặc, và những không gian xanh lại co hẹp dần về diện tích. Nhiều chủ đầu tư hiện nay chạy theo các chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận mà "ăn bớt" những diện tích công cộng dành cho cư dân. Con người cũng trở nên bí bách, ngột ngạt và tự co mình lại với cộng đồng.
Mỗi công viên dù rộng lớn hay bé nhỏ, hoặc chỉ là một khoảng xanh nhỏ được tận dụng làm khoảng thở giữa chung cư cũng là điều quý giá. Từ những khoảng không gian xanh và trong hiếm hoi đó, các cư dân thoát ra khỏi những cánh cửa "im ỉm đóng" để trò chuyện, giao lưu, chia sẻ với nhau. Một khu đô thị đáng sống, chắc chắn phải là nơi có thể kết nối con người với con người, là nơi vun đắp và kiến tạo những cộng đồng cư dân nhân văn.
Để hiểu thêm giá trị của những “khoảng thở” xanh tại các đô thị mới, Reatimes lược ghi nhận định của TS.KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) trong bài viết dưới đây:
“Vốn xã hội” tạo ra sức sống cho các khu đô thị mới
Từ lúc ra đời, các khu đô thị mới thường được chi phối phần nhiều bởi những quy định trên phương diện “vật chất” tạo ra phần “xác” của khu đô thị mới như không gian, kiến trúc, hạ tầng… Tuy nhiên, những phương diện “phi vật chất” tạo ra cái “hồn” - một trong những yếu tố được xem là ảnh hưởng đến tính sống động lẫn cá tính riêng của một cộng đồng dân cư lại chưa được quan tâm tích cực.
Thông qua những cách tích hợp vào không gian đô thị và không gian xã hội của các các khu đô thị mới khác nhau, chúng ta mơ hồ nhận ra có một yếu tố “vô hình” nào đó chi phối tinh thần cư dân tại các khu đô thị mới. Các khu đô thị mới có những khác biệt về mặt xã hội rất khó xác định, khó nắm bắt, nhưng mỗi người đều có thể nhận định được - điều mà các nhà nghiên cứu xã hội gọi là “vốn xã hội”.
Khu đô thị mới tồn tại nhiều kiểu nhà chung cư gồm: Chung cư cao cấp, chung cư bình dân, nhà ở xã hội… Với thành phần xã hội đa dạng như hiện nay, dường như có sự khép kín nhất định trong quan hệ giữa các cư dân. Họ cùng sống trong một khu đô thị nhưng chỉ nhà nào biết nhà nấy, “kín cổng cao tường”, và hầu như chỉ chào hỏi khi gặp những người hàng xóm gần nhà mình nhất. Điều này một phần là do công việc khác nhau, giờ đi làm và về cũng khác nhau…
Cùng với đó, cuộc sống tiện nghi trong các căn hộ tại khu đô thị mới đã làm cho người dân “lười” ra đường. Họ thường ở trong nhà với không khí điều hoà, các thiết bị vui chơi thông minh. Khi di chuyển, họ sử dụng phương tiện cá nhân với tốc độ nhanh hơn, tiết kiệm thời gian… Nói cách khác, sự giao tiếp xã hội của các cư dân sẽ ít diễn ra trực tiếp theo kiểu “mặt đối mặt”. Có ý kiến cho rằng, các khu đô thị mới không còn có cảnh “tối lửa tắt đèn” nên “tình làng nghĩa xóm” cũng trở nên nhạt nhoà hơn.
TS.KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) |
Để một dự án khu đô thị mới thành một khu phố theo đúng nghĩa, cần xây dựng khu vực tự tạo dựa trên “cảm thức thuộc về một cộng đồng”. Nghĩa là, mỗi cư dân sẽ có cảm giác và ý thức về cộng đồng tại khu phố thông qua việc trả lời “có” cho những câu hỏi.
Đó là, khi đến một nơi khác, tôi có tự hào kể với mọi người về nơi tôi sống? Tôi có ý thức mạnh mẽ về cộng đồng ở khu phố tôi? Sống trong khu phố này mang lại cho tôi cảm giác về cộng đồng? Tôi thường xuyên dừng lại và nói chuyện với những người trong khu phố của tôi? Tôi nhận ra một số trẻ em và người lớn trong khu phố của tôi? Tôi tham gia vào các sự kiện hoặc các hoạt động của khu phố?...
Cụ thể hơn, vốn xã hội tại các khu đô thị mới được xem như một nguồn lực quan trọng trong việc hoàn thiện sức sống cho dự án. Nghĩa là, với một hình hài vật chất hấp dẫn, các khu đô thị mới cũng cần có một sức sống, sự sinh động thông qua mối liên hệ, tính năng động và tích cực của cộng đồng cư dân. Sức sống này được thể hiện thông qua các không gian kết nối xanh công cộng như sân chơi, vườn hoa, đường dạo…
Kịch bản “con gà có trước hay quả trứng có trước” tại các khu đô thị
Một khu đô thị là sự đồng bộ của 3 yếu tố: Nhà ở, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Yếu tố nhà ở là yếu tố luôn được xây dựng đầu tiên và được bán ngay. Hai yếu tố còn lại được hoàn thiện dần khi cư dân đến ở. Thực tế, có những dự án đô thị mới không thu hút được người dân bởi chưa hoàn thiện các yếu tố này. Có những dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm). Có dự án chưa có hạ tầng xã hội, nghĩa là thiếu các tiện ích, các kết nối và dịch vụ đô thị (khu vui chơi, công viên, trung tâm thương mại…).
Để khai thác và thu hồi vốn đầu tư nhanh từ các dịch vụ tiện ích đi kèm với môi trường cư trú, các chủ đầu tư thường chờ đợi sự tập trung một số lượng dân cư đến ở. Nhưng ngược lại, các cư dân khi cư trú thường mong muốn tính sẵn có, tiện ích và không gian kết nối. Xu hướng của không ít cư dân khi chọn mua nhà ở là dự án “có gì” để còn dọn về. Ngoài đợi chờ dịch vụ từ chủ dự án, họ còn đợi chờ xem xung quanh nhà mình “có ai” để mở rộng mối quan hệ xã hội kiểu “mua láng giềng gần”. Việc chủ dự án và người dân cùng chờ đợi cũng khiến các khu đô thị mới không thể có đủ cả cu dân lẫn tiện ích, dịch vụ, không gian xanh kết nối.
Trên thực tế, chủ đầu tư phải là tác nhân tiên phong, chấp nhận thu hồi vốn chậm, thậm chí lỗ trong một thời gian để tạo hấp lực thu hút cư dân về sinh sống thông qua các các dịch vụ tiện ích, các không gian giải trí, không gian xanh kết nối.
Mặt khác, ở thời buổi “tấc đất, tấc vàng” đã khiến nhà đầu tư khi xin được đất là tìm cách tăng nhà, nâng tầng mà xem nhẹ các không gian công cộng như sân chơi, vườn hoa, đường dạo… Số lượng các không gian này đang ngày càng tỷ lệ nghịch với số các đô thị mới. Thực tế cho thấy, có những dự án đã xin điều chỉnh nhiều lần, mỗi lần điều chỉnh là không gian công cộng lại bị thu hẹp. Chủ đầu tư chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế mà không hướng tới việc xây dựng một thành phố đa chức năng thân thiện với cuộc sống con người.
Một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của các cộng đồng cư dân là việc tăng mật độ xây dựng sẽ lấn chiếm và làm giảm diện tích các không gian mở mà cộng đồng có thể hưởng thụ. Bởi các không gian công cộng tạo ra tinh thần của toàn bộ khu đô thị, trở thành nơi an toàn, thuận tiện, khuyến khích người dân ra ngoài sinh hoạt, thúc đẩy sự giao tiếp, tương tác thay vì chỉ tập trung nâng cao chất lượng tiện nghi bên trong nhà ở khiến người dân trở nên “lười” ra ngoài.
Nhà ở là “thành trì” vững chắc, không chỉ là nơi ăn, chốn ở mà còn là nơi sinh hoạt tiện nghi, thoải mái, chống lại ảnh hưởng tiêu cực từ thế giới bên ngoài. Mong ước của con người về ngôi nhà không chỉ tiện nghi, sang trọng mà còn cần có môi trường sống hoàn chỉnh và đầy đủ tiện ích phục vụ cuộc sống.
Ngoài giá trị vật chất, tính đáng sống của dự án được đánh giá dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích nghi với các tình huống mới. Chất lượng nhà ở được nâng cao nhưng các xu hướng để đạt chuẩn “đáng sống” cũng cần được đẩy mạnh như xanh hóa, thông minh hóa và thân thiện hóa.
Việc xanh hóa các dự án nhà ở thông qua khu vườn, công viên, các không gian xanh được tích hợp vào dự án, mang đến bầu không khí trong lành, giúp người dân cảm thấy thoải mái, thư thái. Không gian xanh cũng được tích hợp trong ngôi nhà để chủ nhân có thể thư giãn, tinh thần an yên, vững vàng hơn.
Thông minh hóa các dự án nhà ở cũng được đẩy mạnh bởi việc ứng dụng công nghệ và tăng cường kết nối, tạo khu nhà ở thông minh, không chỉ hiểu con người mà còn “tự thay đổi”, “tự thích ứng” để tích hợp các chức năng mới vào nhà ở.
Thân thiện hóa các dự án nhà ở bằng việc cải thiện nhiều hơn các dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho người dân như mua sắm lương thực, thực phẩm… không chỉ trên không gian vật lý, mà còn cập nhật các phương thức giao dịch mới để người dân mua sắm tại chỗ, tiện lợi, tránh phải di chuyển nhiều.
Theo An An/Reatimes
0 nhận xét