Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, sản lượng toàn ngành đạt được trong 6 tháng chỉ đạt 3.087 tỷ đồng, bằng 78,6% cùng kỳ; doanh thu chỉ đạt 3.023 tỷ đồng, bằng 80,6% cùng kỳ. Trong đó, công ty mẹ doanh thu điều hành giao thông vận tải thực hiện 823,8 tỷ, bằng 75,9% cùng kỳ.
Khối vận tải ảnh hưởng nặng nề nhất do phải dừng chạy nhiều tàu khách trên các tuyến.
Tính từ tháng 2 đến thời điểm tháng 5/2020, Tổng công ty đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ; sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội nhưng chưa công bố hết dịch, đến nay tỷ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu cũng chỉ đạt trên dưới 56%.
Dù vận tải hàng hóa vẫn duy trì được ổn định, bù đắp cho vận tải hành khách nhưng tính chung doanh thu vận tải vẫn chỉ đạt khoảng 1.631 tỷ, bằng 70% cùng kỳ. Dự kiến 6 tháng đầu năm lỗ từ hoạt động vận tải khoảng 450,6 tỷ đồng.
Khối công nghiệp cơ khí cũng tương tự, sản lượng thực hiện được 57,3 tỷ, chỉ bằng 19,1% cùng kỳ; doanh thu 80,5 tỷ, bằng 43,7% cùng kỳ.
Cũng do ảnh hưởng dịch Covid-19, 4.387 lao động phục vụ các đoàn tàu khách thuộc các đơn vị vận tải đường sắt bị thiếu việc làm, với các hình thức lao động nghỉ luân phiên từ 5 ngày đến 13 ngày/tháng, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng.
Số lao động bị thiếu việc làm chiếm tỷ lệ khoảng 78,3% số lao động hiện có phục vụ vận tải của các công ty CP vận tải đường sắt.
Tuy nhiên, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sản xuất kinh doanh của các đơn vị đường sắt tuy bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 như vậy nhưng chưa hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng (do không đủ điều kiện hoặc đang tiếp tục kiến nghị). Vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống cho người lao động gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc duy trì dòng tiền phục vụ sản xuất.
“Để giải quyết khó khăn trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, miễn nộp các loại thuế, phí năm 2020 như: Thuế thu nhập cá nhân; miễn đóng BHXH, BHYT, BHTN; miễn đóng phí công đoàn. Cùng đó, miễn khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải năm 2020, ước tính số tiền là 280,6 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vận tải…
Đối với các khoản vay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc và miễn giảm lãi vay cho các khoản vay của các ngân hàng cho các dự án đầu tư của Tổng công ty và các công ty vận tải đường sắt nhằm giảm áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong giai đoạn khó khăn. Dự kiến cả nợ gốc và lãi vay năm 2020 các doanh nghiệp vận tải đường sắt phải trả ngân hàng là 333,16 tỷ đồng.” - ông Trần Thiện Cảnh – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông tin.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó vận tải là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng rất nặng nề.
“Sau khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, hoạt động sản xuất trở lại, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Có rất nhiều DN bị ảnh hưởng chứ đâu phải chỉ có đường sắt. VNR là một Tổng công ty. Lâu nay, các tập đoàn, tổng công ty vẫn được coi là “đại gia” mà suốt ngày kêu lỗ và xin hỗ trợ từ Chính phủ, từ Nhà nước thì không nên" - PGS. TS Ngô Trí Long nhìn nhận.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội khẳng định, đã đến lúc ngành đường sắt phải tự “lớn lên” và tự đứng trên đôi chân của chính mình. Nhà nước không thể mãi hỗ trợ và bao cấp cho ngành này được. "Đường sắt phải tự vận động và thay đổi để thích ứng được với quy luật cạnh tranh, cơ chế thị trường hiện nay” – PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho biết, đồng thời khẳng định, muốn ngành giao thông nói chung đường sắt nói riêng phát triển được thì phải trả lại đúng quy luật cạnh tranh của thị trường.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét