Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Saint-Avold, miền Đông Pháp ngày 31/10/2018. Nguồn ảnh : AFP/TTXVN |
Sau cuộc họp trực tuyến kéo dài hai ngày 13-14/7, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) vẫn bị chia rẽ về quy mô cắt giảm khí phát thải cần thực hiện trong thập kỷ tới, với một số nước vẫn ngần ngại trong việc cam kết siết chặt hơn.
Trong cuộc họp trực tuyến, các Bộ trưởng Môi trường đến từ 27 quốc gia thành viên đã không tìm được tiếng nói chung về việc liệu mục tiêu trên có nên được đưa ra hay không.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze cho biết một số nước vẫn tỏ thái độ hoài nghi. Ông Schulze cho rằng, với các nước này, cần nêu rõ lý do tại sao hành động này lại quan trọng đến như vậy để có thể đưa ra mục tiêu cao hơn, và giải thích về các cách hỗ trợ của Ủy ban châu Âu (EC) để giúp đạt mục tiêu.
EU từng cam kết cắt giảm 40% lượng khí thải nhà kính so với mức của năm 1990 vào năm 2030, nhưng với nhiều người mục tiêu đó cần được nâng lên vì các nhà khoa học cho rằng việc cắt giảm nhanh hơn nữa là hành động cần thiết để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu thảm khốc.
Tháng Chín tới, EC sẽ đưa ra đề xuất về cắt giảm khí thải của EU vào năm 2030 với hai mức dự kiến là 50% hoặc 55%, sau khi đánh giá các tác động và với điều kiện là phải nhận được sự đồng thuận từ phía các quốc gia thành viên và các nghị sĩ châu Âu.
Ba Lan, Slovakia, Bulgaria, Romania, Cộng hòa Séc và Hungary đã gửi thư lên EC vào ngày 13/7 với thông điệp là họ sẽ không hỗ trợ cho một mục tiêu mới trước khi xem những đánh giá về tác động do Ủy ban đưa ra.
Trong khi đó, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, Áo và Luxembourg sẵn sàng hỗ trợ mục tiêu cắt giảm khí thải ít nhất là 55% vào năm 2030.
Theo Kim Chung/TTXVN
0 nhận xét