Ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị |
Hội nghị được tổ chức bởi Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tham dự hội nghị có ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội nghị có sự tham gia của 100 đại biểu là cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, cấp xã và đại diện khu dân cư của 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Nhiều mô hình điểm về BVMT
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Từ năm 2006 đến nay, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo trển khai xây dựng các mô hình điểm Khu dân cư BVMT, hiện đã được nhân rộng tại các địa phương và trong cả nước.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình phối hợp số 20, ngày 26/12/2016 giữa Bộ TN&MT với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2017 – 2020, việc xây dựng các mô hình điểm về BVMT, ứng phó với BĐKH ngày càng được đẩy mạnh và nhân rộng.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm như: lồng ghép nhiệm vụ BVMT và ứng phó với BĐKH trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; mô hình "Khu dân cư thực hiện hài hoà giảm nghèo bền vững và BVMT“... Theo thống kê, trong 3 năm từ 2017 đến 2019, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ dựng mới được 294 mô hình tại 50 tỉnh, thành phố.
Theo ông Phùng Khánh Tài, từ những mô hình trên, đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động thiết thực về bảo vệ môi trường được hình thành ở các địa bàn dân cư. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung BVMT được duy trì thường xuyên, có tác dụng tích cực, tạo thành phong trào trên địa bàn, giúp người dân xây dựng “thói quen tốt” về BVMT. Qua đó, đã hình thành được thói quen, phương pháp thực hiện trách nhiệm giám sát và tự giám sát thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.
“Người dân đã nêu cao ý thức, trách nhiệm hơn trong giám sát việc BVMT của các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân trong quá trình triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn khu dân cư” – ông Phùng Khánh Tài nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại Hội nghị |
Luật hóa vai trò cộng đồng dân cư trong BVMT
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường đã trình bày những nội dung chính của Dự thảo Luật BVMT sửa đổi, đặc biệt nhấn mạnh nội dung quyền và trách nhiệm của cơ quan MTTQ, cá tổ chức chính trị - xã hội...
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Dự án Luật BVMT sửa đổi đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua. Hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội.
Dự thảo Luật gồm 16 chương, 186 điều với quan điểm BVMT phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Dự thảo Luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày.
Đặc biệt, Dự thảo Luật đã thể hiện nhiều quy định, chính sách mới quan trọng, trong đó có nội dung nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của cơ quan MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong BVMT.
Để làm rõ hơn nội dung này, ông Hồ Kiên Trung, Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường cho biết: Luật BVMT 2014 đã đề cập đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tuy nhiên chưa tách bạch giữa quyền và trách nhiệm của các tổ chức, nội dung quyền và trách nhiệm chưa đầy đủ, chưa gắn với đặc thù, vai trò riêng của từng tổ chức chính trị - xã hội.
Vì vậy, Dự thảo Luật BVMT sửa đổi với 5 điều, 12 Khoản ( bổ sung 2 điều, 3 khoản so với Luật BVMT năm 2014) và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư.
Theo đó, Dự thảo Luật quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, tách riêng quyền và trách nhiệm của các tổ chức và cộng đồng dân cư, đại diện cộng đồng dân cư; bổ sung một chủ thể mới là các tổ chức xã hội khác; đưa ra định nghĩa cộng đồng dân cư và đại diện cho cộng đồng dân cư.
Về phân công trách nhiệm, cụ thể trách nhiệm của từng tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong hoạt động BVMT, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức.
Về cơ chế đảm bảo thực hiện, Dự thảo Luật dành riêng 1 điều quy định thêm về việc đảm bảo việc thực hiện quyền và trách nhiệm của các tổ chức và cộng đồng dân cư. Các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện thực thi này.
Toàn cảnh hội nghị |
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan MTTQ các địa phương đã phát biểu thể hiện đồng tình và hoan nghênh đối với Dự thảo Luật BVMT sửa đổi trong việc quy định rõ quyền và trách nhiệm của của cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch MTTQ xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri, (Bến Tre) cho biết: “Tôi rất ủng hộ với phương án điều chỉnh của Luật BVMT sửa đổi. Rõ ràng, vai trò của cơ quan Mặt trận trong công tác tổ chức, vận động nhân dân tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH đã được nâng lên. Đặc biệt, các quy định mới đã phát huy vai trò người dân (bảo vệ và khen thưởng) trong việc giám sát, phát hiện và tố cáo các vi phạm về môi trường tại địa bàn dân cư”.
Theo Nguyễn Quỳnh/TN&MT
0 nhận xét