Năm 2010, tỉnh Vĩnh Phúc bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp, chỉ có 14 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 80 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 6,6 tiêu chí. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhân lực khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn...
Nhà văn hóa thôn Đông Xuân, xã Xuân Lôi (huyện Lập Thạch) khang trang, sạch đẹp. |
Hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các quyết định, cơ chế, chính sách, kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng NTM của từng giai đoạn; tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân và huy động nguồn lực tham gia xây dựng NTM của các thành phần kinh tế.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt những thành tựu ấn tượng. Đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã (112/112 xã) đạt chuẩn NTM; 4/9 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (5 địa phương còn lại đang được UBND tỉnh làm hồ sơ đề nghị trung ương công nhận đạt chuẩn). Diện mạo nông thôn Vĩnh Phúc thực sự đổi thay toàn diện, kinh tế nông nghiệp có sự chuyển biến rõ rệt, kết cấu hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều còn 1,46%.
Cũng sau 10 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh huy động được gần 13.000 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó, Trung ương hỗ trợ hơn 100 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 7.800 tỷ đồng, nguồn tín dụng hơn 3.200 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp gần 150 tỷ đồng và người dân đóng góp gần 635 tỷ đồng đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng KT-XH, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp cho người dân nông thôn.
Những thành công của Vĩnh Phúc trong thực hiện xây dựng NTM được nhiều địa phương trên cả nước mong đánh giá cao và tìm đến mong nhận được chia sẻ kinh nghiệm để học tập.
Theo Ban Điều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, đến thời điểm này có thể khẳng định đây là chương trình thành công. NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ hăng say, nhiệt huyết tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng quê hương.
Đặc biệt, từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, đã chuyển sang chủ động, xác định rõ lợi ích và trách nhiệm của mình với cộng đồng, xác định được vai trò chủ thể của cộng đồng tự lựa chọn công trình, phần việc thiết thực, phù hợp để xây dựng NTM tại địa phương.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định xây dựng nông thôn mới là chặng đường dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, trên cơ sở kết quả đạt được sau 10 năm đầu triển khai thực hiện chương trình, UBND tỉnh đã đề ra những mục tiêu và giải pháp cho chặng đường mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Là huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện thứ 13 của cả nước đạt chuẩn huyện NTM, những năm qua, huyện Yên Lạc không ngừng thực hiện các giải pháp nhằm giữ gìn và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM.
Giai đoạn 2016 - 2020, Yên Lạc tiếp tục duy trì giữ vững đạt chuẩn tiêu chí huyện NTM với hạ tầng KT – XH ngày càng được đầu tư khang trang. 100% tuyến đường GTNT, GTNĐ được cứng hóa, điện đường cao áp chiếu sáng từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã, 56/56 trường học đạt chuẩn quốc gia, có 8 trường đạt chuẩn mức độ II.
Kinh tế và tổ chức sản xuất được đổi mới, hình thành 4 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn được nâng cao. Vệ sinh môi trường nông thôn có chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 98%. Hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng lên. Ước năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 67,4 triệu đồng/người, tăng gần 25 triệu đồng/người so với năm 2015.
Trong năm 2020, huyện phấn đấu có 3 xã: Tam Hồng, Yên Đồng, Liên Châu đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 16 thôn đạt thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Việc thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao, thôn/xóm NTM kiểu mẫu đang được các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện Yên Lạc đẩy mạnh, quyết tâm xây dựng thành công NTM bền vững và phát triển.
Trong thời gian tới, mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc là tiếp tục duy trì, giữ vững kết quả đạt chuẩn nông thôn mới của giai đoạn trước, đẩy mạnh phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đảm bảo nông thôn phát triển ổn định và bền vững, dần tiến tới nông thôn mới giàu có, văn minh và hiện đại. Phấn đấu trong năm 2020, có 9/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 18 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu...
0 nhận xét