Số lượng căn hộ bán trong năm 2019 đạt khoảng 37.700 căn, tăng 26% so với năm trước đó. Nguồn cung cũng được dự kiến ở múc ổn định với 124.000 căn sẽ được bàn giao trong 3 năm tới.
Lượng dân số ngày càng tăng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích nguồn cầu cho các dự án nhà ở tại Hà Nội. Bên cạnh đó, mặt bằng giá ở Hà Nội cũng thấp hơn khoảng 30% so với TP.HCM.
Phân khúc nhà phố và biệt thự bị hạn chế trong năm 2019, tuy nhiên được kỳ vọng sẽ tăng nhiều hơn trong 2 năm tới.
Thị trường Hà Nội cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều chủ đầu tư lớn từ nước ngoài. Trong năm 2019, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đã hợp tác với Tập đoàn BRG của Việt Nam để phát triển dự án thành phố thông minh rộng 272 ha tại huyện Đông Anh.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư và phát triển nước ngoài khác cũng đang có khoản đầu tư ở thị trường tiềm năng này như Keppel Land, CapitaLand, Mistsubishi Estate, Gaw Capital Partners và Hongkong Land.
Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết, tính liên kết và giá trị bất động sản ở Hà Nội đang cải thiện nhờ sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng với hệ thống tàu điện ngầm, đường và cầu xung quanh thành phố. Trong khi đó, nguồn cung các dự án bất động sản hiện đại của thành phố đang tăng lên và chủ đầu tư trong nước đang tập trung cung cấp ra thị trường bất động sản tiêu chuẩn quốc tế.
Cũng trong năm 2019, nguồn cung bán lẻ của Hà Nội tăng 14% lên đến 1,6 triệu m2. Quy mô văn phòng cũng tăng 10%, chạm mức 1,8 triệu m2 và giá thuê trung bình tăng 5% trong năm 2019. Tỷ lệ trống của các dự án hạng B và hạng C gần như không có. Thị trường bán lẻ đạt công suất lấp đầy gần như kín ở mọi loại hình kinh doanh nhưng giá thuê giảm 1% theo năm.
"Hà Nội tiếp tục khẳng định sức hút và tiềm năng đầu tư trong tương lai từ nguồn cầu lớn được tạo ra bởi sự phát triển hạ tầng mạnh mẽ, dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, triển vọng thu hút FDI lớn… và đặc biệt từ nguồn cung có thể được hình thành chủ yếu với quỹ đất còn tại các khu vực vành đai", bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận tư vấn & nghiên cứu Savills Hà Nội cho hay.
Theo đánh giá chung, thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây luôn được ghi nhận vượt trội hơn Hà Nội thông qua các chỉ số thống kê, như: Nguồn cung mới sản phẩm, số lượng giao dịch, tỷ lệ hấp thụ, giá bán...
Lý giải về vấn đề này, chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) TS Đoàn Văn Cương cho biết, TP Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển kinh tế mạnh hơn Hà Nội mặc dù có diện tích nhỏ hơn.
Trong thời gian qua, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính phải tiếp tục đầu tư các nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng, thì TP Hồ Chí Minh với sự ổn định trong thời gian dài nên hệ thống hạ tầng được đánh giá là kiện toàn hơn Hà Nội.
Bên cạnh đó, các trung tâm kinh tế lân cận mới nổi như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên được đánh giá là mới có sự kết nối với Hà Nội; trong khi TP Biên Hòa (Đồng Nai), TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) thị xã Thuận An (Bình Dương)... đã trở thành những vệ tinh của TP Hồ Chí Minh trong một thời gian dài, dễ dàng tạo được sự cộng hưởng trong quá trình phát triển.
“Dựa vào những nền tảng kết nối như vậy, nên các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam thường ưu tiên và tập trung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và các vệ tinh lân cận để đặt văn phòng và nhà xưởng sản xuất.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh do đặc thù về ví trí nên cũng tạo ra sự phát triển đa dạng về các sản phẩm BĐS hơn so với Hà Nội, từ đó dẫn đến các sản phẩm BĐS tại TP Hồ Chí Minh được quan tâm nhiều hơn và có giá bán cao hơn” - ông Cương nhìn nhận.
Minh Tuệ (t/h)
0 nhận xét