Khoảng 3 tỷ người sống trong khu vực có nhiệt độ như sa mạc Sahara
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ sử dụng RCP8.5, một kịch bản mô tả mức phát thải carbon ở mức cực đoan nhất nhằm mô hình hóa những gì có thể xảy ra vào cuối thế kỷ này, cho thấy, các khu vực có nhiệt độ tương tự như sa mạc Sahara chiếm tới 20% diện tích Trái đất, cũng là nơi sinh sống của khoảng 3 tỷ người.
Và nếu không di cư tới khu vực khác, họ sẽ phải tiếp tục chung sống với nền nhiệt độ cao như sa mạc Sahara trong tương lai.
Vẫn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển của con người nhưng trên hết, nhiệt độ vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động tới sự tồn vong và phát triển của nhân loại. Đặc biệt, mức nhiệt độ tăng đột biến trong 50 năm nữa sẽ trở nên khắc nghiệt hơn nhiều những gì mà con người đã từng trải qua suốt 6.000 năm trước.
Nhóm nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu lịch sử từ khoảng 6.000 năm trước để khám phá những điều kiện khí hậu mà con người đã trải qua. Nền văn minh nhân loại thích nghi rất tốt với những mảnh đất màu mỡ có sự nuôi dưỡng của nước từ các con sông. Nhưng hiếm khi chúng ta thấy các nền văn minh xuất hiện ở những nơi khô hạn và quá nóng như ở sa mạc.
Nhiều nơi sẽ phải sống trong điều kiện nhiệt độ cao như sa mạc Sahara. |
Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, con người chỉ có thể tiến hóa và phát triển trong một dải nhiệt độ hẹp. Trong đó, nhiệt độ trung bình hằng năm dao động từ 11-15°C. Nếu con người được sinh sống ở khu vực có nền nhiệt độ ổn định, ít biến động, năng suất trồng trọt và chăn nuôi sẽ tốt hơn rất nhiều so với khu vực có biến động nhiệt lớn, nóng bức quanh năm. Tác động nền nhiệt độ cao cũng đang lan ra cả miền Nam nước Mỹ, vùng Địa Trung Hải. Lúc này, chỉ còn một phần diện tích ở các vùng xa xích đạo, gần Bắc Cực và Nam Cực trở thành nơi có thể sinh tồn.
Cảnh báo trên sẽ buộc chúng ta phải thay đổi nếu không muốn nhận lấy hậu quả cay đắng nhất. Nếu con người vẫn tiếp tục thải CO2 mà không có lộ trình cắt giảm mạnh mẽ, làn sóng di cư vào năm 2070 là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Một khi khí hậu vượt ngưỡng chịu đựng của con người, đó cũng là lúc quá trình chọn lọc tự nhiên bắt đầu và con người là những sinh vật trải qua quá trình đó. Tất nhiên mục tiêu hàng đầu hiện nay là cắt giảm khí thải nhà kính và quan trọng không kém là cần chuẩn bị từ sớm các kịch bản di cư do biến đổi khí hậu trong tương lai để tránh xảy ra biến động lớn.
Chuẩn bị kịch bản đối phó
Trái đất hiện đang trên đà nóng thêm 3°C vào năm 2100. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, các khu vực đất liền nóng lên nhanh hơn đại dương, nhiệt độ mà con người trải qua có thể sẽ tăng khoảng 7,5°C vào năm 2070.
Đáng ngạc nhiên, các nhà khoa học cho biết, con người đã sống trong những điều kiện này trong 6.000 năm qua - điều đó bất chấp những tiến bộ công nghệ gần đây như điều hòa không khí đã cho phép chúng ta vượt qua ranh giới này.
Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ diễn ra ngày 21/1, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi, đã kêu gọi, thế giới cần chuẩn bị phương án đối phó với tình trạng hàng triệu người sẽ phải rời bỏ nhà cửa do hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học Mỹ và Anh đã cùng biên soạn một bản đồ thế giới, trong đó thể hiện sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm cho từng khu vực - một chỉ số phản ánh ảnh hưởng khí hậu lên cơ thể con người so với nhiệt độ không khí trung bình. Theo đó, trên trái đất đã có những nơi gần như không thể sống nổi. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.
Các nhà khoa học từ Viện quan sát Trái đất, Đại học Columbia ở Mỹ và Đại học Loughborough ở Anh đã nghiên cứu trong 4 thập kỷ, phân tích dữ liệu từ 7.877 trạm thời tiết trên khắp thế giới trong giai đoạn từ 1979 đến 2017.
Nắng nóng cướp sinh đi sinh mạng hàng trăm người dân Ấn Độ mỗi năm. |
Trong sự ngạc nhiên, các nhà khoa học nhận thấy hiện nay trên trái đất đã có nhiều nơi mà các thông số khí hậu định kỳ vượt quá giới hạn sinh tồn của con người.
"Nghiên cứu trước đây dự đoán điều này sẽ xảy ra trong một vài thập kỷ tới, nhưng chúng tôi thấy nó đang xảy ra ngay bây giờ" - Colin Raymond thuộc Viện quan sát Trái đất cho biết trong một thông cáo báo chí của Đại học Columbia.
Các nhà khí tượng học đo lường tác động kết hợp của nhiệt độ và độ ẩm trên thang đo “nhiệt độ bầu ướt” (wet bulb temperature). Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy ngay cả những người khỏe mạnh thích nghi tốt nhất, cũng không thể làm việc ngoài trời ở nhiệt độ bầu ướt trên 32 độ C.
Trong khi đó, đỉnh 35 độ, ghi nhận tại các thành phố của vịnh Persian, được coi là giới hạn lý thuyết của sự sống còn. Với một sức tải quá lớn lên cơ thể, nếu một người không thể di chuyển vào một căn phòng có điều hòa, các cơ quan nội tạng bắt đầu gặp vấn đề.
Ở các nước nghèo, người ta không có cơ hội như vậy. Cụ thể các tác giả lưu ý, chỉ số 35 độ C đạt được vào ngày 31/7/2015 tại thành phố Bandar Mahshehr của Iran, nơi nhiều ngôi nhà không có điện, nói gì đến máy điều hòa không khí.
Tổng cộng, các nhà khoa học đã xác định được 80 địa điểm trên thế giới nơi nhiệt độ theo "bầu ướt" tăng lên trên 33 độ, rất gần với giới hạn chịu đựng sinh lý.
Minh Tuệ (t/h)
0 nhận xét