Tháo gỡ vướng mắc, đưa Bến xe miền Đông mới vào hoạt động
Sở GTVT TPHCM vừa đề nghị Hội đồng Thẩm định giá đất TP sớm xem xét, thẩm định nội dung đề xuất của Sở TN-MT về xác định phương án giá đất để tính tiền thuê đất, trả tiền thuê hàng năm đối với khu đất tại phường Long Bình (quận 9) do Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) xây dựng Bến xe miền Đông mới.
Sở KH-ĐT khẩn trương xem xét, hỗ trợ hướng dẫn Samco sớm được cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh theo quy định. Bên cạnh đó, Sở GTVT yêu cầu Samco chủ động phối hợp Hội đồng Thẩm định giá TP, Sở TN-MT, Sở KH-ĐT, Sở Tài chính và các sở ngành chức năng có liên quan để thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định, chủ động chuẩn bị mọi điều kiện để đưa Bến xe miền Đông mới vào khai thác đồng bộ, hiệu quả.
Bến xe miền Đông mới được Sở GTVT đưa vào dự án trọng điểm trên địa bàn TP, cần sớm được hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý 2 năm nay, nhằm góp phần cải thiện tình hình giao thông ở khu vực trung tâm TP, đặc biệt là giao thông khu phía Đông TP.
Hiện nay, về cơ bản Bến xe miền Đông mới đã đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đưa vào khai thác để di dời Bến xe miền Đông hiện hữu về đây.
Thông xe 6 cây cầu trên địa bàn tỉnh Long An
Trong đó, cầu Tân An được xây dựng bên cạnh cầu Tân An cũ, phân luồng là đường một chiều hướng từ Tiền Giang về TPHCM. Cầu có chiều rộng 12 m, chiều dài toàn tuyến 1.046 m. Phần nhịp chính được kết cấu thép dạng vòm mạng lưới với chiều dài trên 63 m. Dự án có vốn đầu tư 110 tỉ đồng.
5 cây cầu trên QL N1 thuộc địa bàn 2 huyện Đức Huệ, Thạnh Hóa, giáp biên giới với Campuchia, cũng được thông xe. Đó là các cầu: Mỏ Heo, Kênh T4, Kênh T62, Kênh T2 và Kênh T61, với tổng kinh phí đầu tư 55 tỷ đồng.
Cả 6 cây cầu trên địa bàn tỉnh Long An cùng thuộc Dự án tín dụng ngành Giao thông Vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2, được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, khởi công vào tháng 10/2019.
Cầu Tân An vừa được thông xe. |
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, việc hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Tân An và 5 cầu trên tuyến Quốc lộ N1 thuộc địa bàn tỉnh Long An sẽ xóa bỏ các điểm nghẽn về ùn tắc và an toàn giao thông, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ thành thị đến nông thôn, kết nối vùng sâu vùng xa gồm các huyện nghèo biên giới giáp Campuchia để tạo đà kết nối các tuyến vận tải nhằm đưa được hàng hóa tiếp cận nhanh về các trung tâm chế biến và tiêu thụ của tỉnh Long An.
Các cây cầu này còn góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, cải thiện mạng lưới giao thông đường bộ, tạo tiền đề và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ nói chung.
Đặc biệt, cầu Tân An mới đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết điểm nghẽn về giao thông trên 2 bờ Bắc - Nam sông Vàm Cỏ Tây của thành phố Tân An.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu các cơ quan quản lý, khai thác và các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý duy tu, sửa chữa thường xuyên, khai thác hiệu quả công trình, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy và vệ sinh môi trường.
Cuối năm 2020 sẽ khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Ông Phan Duy Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, cho biết nếu các thủ tục được đẩy nhanh, cuối năm 2020 sẽ khởi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Trước đó, ngày 2/6, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thẩm định dự án trên. Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long tiếp thu giải trình, và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Lai, nếu dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm, các đơn vị của Bộ GTVT sẽ triển khai nhanh các bước như: duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, sơ tuyển tư vấn thiết kế, duyệt thiết kế kỹ thuật, đấu thầu xây lắp… Các bước nếu triển khai nhanh, thuận lợi thì cuối năm 2020 có thể khởi công dự án.
Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến khởi công cuối năm 2020 nếu các thủ tục được hoàn thiện sớm |
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài khoảng 22,97km, điểm đầu là đoạn kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 tại thành phố Vĩnh Long, và điểm cuối tại nút giao thông Chà Và kết nối quốc lộ 1 (Vĩnh Long).
Ông Lai cũng cho biết, hiện đã có nguồn vốn 923 tỉ đồng để cấp tiền đền bù giải tỏa cho các địa phương. Đến tháng 10, tỉnh Vĩnh Long sẽ hoàn thành đền bù giải tỏa, và tháng 11 tỉnh Đồng Tháp sẽ hoàn thành đền bù giải tỏa bàn giao mặt bằng thi công. Nguồn vốn còn lại sẽ được bố trí trong nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2020 - 2025.
Dự án đường cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam phía đông. Do vậy, việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ hết sức cần thiết. Đặc biệt, hiện nay tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang gấp rút hoàn thành. Cầu Mỹ Thuận 2 cũng đã được khởi công xây dựng.
Hải Dương: Duyệt hồ sơ yêu cầu dự án chợ và khu dân cư 103 tỷ đồng
UBND tỉnh Hải Dương vừa phê duyệt hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng chợ Vé và Khu dân cư xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang.
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Theo kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư đã được phê duyệt, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là trong tháng 6/2020. Dự án có tổng chi phí thực hiện 103,078 tỷ đồng với diện tích sử dụng đất 49.321 m2. Chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư là 17,016 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty TNHH Xây dựng Việt Thanh (có địa chỉ tại thôn Vé, xã Đồng Tâm) là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển Dự án.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét