Open top menu
Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

Hà Nội sẽ thành lập thêm 5 cụm công nghiệp

Tập thể lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội xem xét việc thành lập một số cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Cụ thể, Thành phố đồng ý về chủ trương thành lập 5 cụm công nghiệp, gồm: CCN Bình Phú I - Giai đoạn 2, huyện Thạch Thất; CCN Nam Phúc Thọ - Giai đoạn 1, huyện Phúc Thọ; CCN Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ; CCN Xuân Thu, huyện Sóc Sơn; CCN Hồng Dương, huyện Thanh Oai theo đề xuất của Sở Công Thương.

Chủ tịch Thành phố, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo văn bản của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, duyệt chủ trương theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.

UBND các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Sóc Sơn và Sở Công Thương chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thành phố trong việc lựa chọn Chủ đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định; Sở Công Thương chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ dự án theo đúng quy định pháp luật và Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Thành phố đồng ý về chủ trương thành lập 5 cụm công nghiệp. (ảnh minh họa).

Quá trình triển khai thực hiện dự án, Chủ tịch Thành phố yêu cầu UBND các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Sóc Sơn chịu trách nhiệm giám sát việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đồng bộ: giao thông (khu vực tập kết xe tải, container; hệ thống trạm sạc điện...), cây xanh, trạm xử lý nước thải, thu gom nước thải, nước mưa riêng biệt; phổ biến, quán triệt Chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND Thành phố về việc kêu gọi, khuyến khích lựa chọn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ mới, sản xuất vật liệu mới, hiện đại, thân thiện môi trường; tuyệt đối không bố trí văn phòng, đơn vị ở, lưu trú, trung tâm thương mại trong phạm vi ranh giới cụm công nghiệp.

TP Hồ Chí Minh vẫn còn 22 tuyến đường bị ngập nặng

Tại buổi họp cung cấp thông tin về tình hình chống ngập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày 9/6, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, TP xảy ra 3 trận mưa lớn diễn ra vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 gây ngập nặng ở 22 tuyến đường.

Cũng theo ông Điệp, có nhiều nguyên nhân gây ngập cho TP. Cụ thể, với một đô thị lớn, đông dân, tốc độ phát triển đô thị nhanh như TP Hồ Chí Minh thì trong quá trình phát triển, vào thời điểm gặp điều kiện thời tiết cực đoan như những trận mưa lớn vũ lượng cao, thời gian mưa ngắn, chưa thể tránh khỏi ngập một số tuyến đường, một số điểm trong khu đô thị.

TP Hồ Chí Minh đầu tư rất nhiều tiền của để giải quyết bài toán chống ngập nhưng kết quả còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung cũng như công tác thoát nước nói riêng đã được đầu tư quá lâu, duy trì cho tới bây giờ nên thiết kế không đủ đáp ứng được năng lực tiêu thoát thời điểm hiện nay. Các trận mưa vũ lượng lớn vượt quá thiết kế gây quá tải hệ thống thoát nước.

Tuy nhiên, so với những năm trước (2008), với cường độ mưa 112,3mm, TP đã giảm 105 điểm ngập. Thời gian ngập được rút ngắn chỉ còn 15 - 40 phút sau mưa, chiều sâu ngập cũng chỉ duy trì 0,1 - 0,3m.

Hiện nay, TP đã đầu tư hoàn thành nhiều dự án chống ngập, tình trạng ngập đã được kéo giảm về số tuyến đường ngập, chiều sâu ngập và thời gian ngập; đặc biệt khu vực trung tâm.

Với dự án 10.000 tỷ đồng giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1, hiện chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 10/2020. Dự án này hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập do triều và ngập do mưa kết hợp với triều cường cho khu vực trung tâm, các quận 7,8 và huyện Nhà Bè.

TP hiện nay đang sử dụng hệ thống bơm có công suất từ 27.000m/giờ đến 96.000m³/giờ để tăng cường khả năng thoát nước. Đồng thời, triển khai thi công dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (khởi công từ tháng 10/2019).

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh An Giang

Mục tiêu Quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Yêu cầu về nội dung lập Quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Một góc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang

Đồng thời, bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ tỉnh An Giang; phân bố, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử, di sản văn hoá, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai; việc phân bố phát triển không gian trong quá trình lập Quy hoạch phải thống nhất giữa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phân bố đất đai và bảo vệ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, có sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh; sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường trong quá trình lập Quy hoạch.

Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và lợi ích của cộng đồng, giữa lợi ích của các vùng, các địa phương; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Nội dung của từng loại quy hoạch phải thống nhất, liên kết với nhau và được thể hiện bằng báo cáo Quy hoạch và hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch. Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

P.V (tổng hợp)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét