Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử phản ánh, việc đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ trước đây thuộc loại “có một không hai”.
Đơn cử như trường hợp gia đình ông Nguyễn Tiến Sĩ cùng bà Lê Thị Lan, tham gia và trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ năm 2006, (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2007). Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đất sử dụng, do mặt bằng không sạch (những ô đất này không có lối vào).
Đơn phản ánh của người dân gửi đến tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử |
Tưởng rằng chỉ có vậy, thế nhưng gần đây tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục nhận được đơn phản ánh của người dân xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ. Theo thông tin ban đầu, ông Trần Văn Đối, người dân khu 9 xã Khải Xuân cho biết: “Tháng 12 năm 2007 gia đình tôi có mua một mảnh đất tại xã Khải Xuân, với mức giá là 35.300.000 đồng. Tuy nhiên, điều bất thường là đến cuối năm 2008 (sau khi thu tiền của gia đình tôi được một năm), UBND xã Khải Xuân đã đưa mảnh đất này vào đấu giá quyền sử dụng đất. Nhưng điều làm tôi thấy ngạc nhiên và bất ngờ hơn đó là số tiền mà UBND xã Khải Xuân ghi vào trong hồ sơ đấu giá chỉ có 9.959.000 đồng, số tiền còn lại không biết đi đâu?”.
Ông Trần Văn Đối, người dân khu 9, xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ phản ánh về những sai phạm liên quan đến đất đai. |
Ở một diễn biến khác, ông Đỗ Kim Tiến, người dân khu 3 xã Khải Xuân còn cho biết: “Năm 2007 tôi có mua mảnh đất của UBND xã Khải Xuân, với mức giá 60.000.000 đồng. Do phải chờ đợi quá lâu, nên nhiều lần tôi có đến UBND xã Khải Xuân hỏi, thì Lãnh đạo địa phương trả lời “cứ yên tâm, tới đây sẽ có đất”.
Mãi sau này tôi mới biết, mảnh đất mà UBND xã Khải Xuân hứa bán cho gia đình tôi không nằm trong quy hoạch đất ở”.
Ông Đỗ Kim Tiến, người dân khu 3, xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ phản ánh về những sai phạm liên quan đến đất đai. |
“Khi nắm được nội dung này, tôi đã yêu cầu chính quyền địa phương trả lại số tiền 60.000.000 đồng cho gia đình tôi, tuy nhiên đến ngày hôm này tôi chưa có đất, cũng chẳng nhận lại được tiền. Tôi đã gửi đơn đến UBND huyện Thanh Ba và Công an huyện Thanh Ba hơn một năm rồi, nhưng không nhận được bất kỳ câu trả lời nào cả”, ông Tiến bức xúc cho biết.
Trước thông tin phản ánh của người dân, nhiều lần PV liên hệ với Lãnh đạo UBND huyện Thanh Ba, nhưng Lãnh đạo huyện cho rằng vấn đề này do UBND xã Khải Xuân, không liên quan gì đến UBND huyện Thanh Bạ.
Trao đổi với PV, ông Lê Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Khải Xuân cho biết: “Những hộ gia đình kể trên đã có đơn gửi Công an huyện Thanh Ba từ năm 2018, Công an huyện Thanh Ba cũng nhiều lần làm việc với UBND xã Khải Xuân về nội dung này. Nhưng đến nay tôi cũng chưa nhận được bất kỳ kết luận nào từ phía Công an huyện Thanh Ba, nên không biết trả lời với các anh thế nào”.
Ông Lê Trung Kiên còn cho biết: “Vấn đề đúng hay sai cụ thể như thế nào thì chúng tôi không dám khẳng định, bởi chúng tôi vừa mới lên, cái này liên quan đến Lãnh đạo địa phương trước đây”.
Theo đó, trách nhiệm đổ hết lên đầu người đã về hưu, còn những người đang làm việc thì dù đúng hay sai, giải quyết được hay không giải quyết được cũng chẳng liên quan đến mình. Nên mới có tình trạng người dân xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ phản ánh nhiều năm mà không hề có kết quả và người chịu thiệt vẫn chỉ là người dân.
Trước tình trạng này người dân xã Khải Xuân đang hoài nghi về năng lực quản lý của Lãnh đạo UBND huyện Thanh Ba? cũng như dấu hiệu lợi ích nhóm ở đây?
Để xảy ra sai phạm liên quan đến đất đai tại xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Và những nội dung này bao giờ mới được giải quyết? Đây cũng là câu hỏi mà người dân xã Khải Xuân muốn gửi đến đồng chí Lãnh đạo đứng đầu UBND tỉnh Phú Thọ.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
0 nhận xét