Việc xử lý chất thải xây dựng hầu hết được phó mặc cho bên vận chuyển gây nên nhiều vụ đổ trộm phế thải. |
Thực trạng quản lý và xử lý chất thải nói chung, chất thải rắn xây dựng (CTRXD) nói riêng đang là vấn đề nóng, nhức nhối của đời sống kinh tế xã hội Việt Nam. Chỉ riêng Hà Nội, theo thống kê sơ bộ mỗi ngày Thành phố phát sinh khoảng trên 2.000 tấn CTRXD. Lâu nay, không ít chủ đầu tư đã tìm mọi cách để giảm chi phí xử lý chất thải nên đã đổ trộm CTRXD ra đường, khu vực ít dân cư, khu vực có nhiều ao hồ… Điều này đã gây ra nhiều hệ luỵ đối với xã hội như mất vệ sinh, ô nhiễm, bụi bẩn, ảnh hưởng tới cảnh quan Thành phố, đến sự phát triển hạ tầng đô thị trong tương lai.
Hiện nay, CTRXD sau khi phá dỡ thu gom không được phân loại, đa số chưa qua xử lý đã được các đơn vị đem đi san lấp dẫn đến không bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Việc san lấp không phải lúc nào cũng tuân thủ đúng quy định của pháp luật như nơi san lấp, yêu cầu về môi trường trong quá trình san lấp…
Từ những hậu quả của việc đổ bỏ bừa bãi, xử lý không tốt vấn đề CTRXD, tại Tọa đàm “Quản lý và xử lý chất thải rắn xây dựng hướng đến phát triển bền vững” do Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường (Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến công tác xử lý CTRXD. Theo các chuyên gia, các điểm trung chuyển CTRXD thông thường luôn trong tình trạng quá tải và không có các biện pháp xử lý cơ bản, dẫn đến tình trạng đổ trộm dường như là điều hiển nhiên. Mặt khác, cách thức xử lý CTRXD hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Điều này đòi hỏi có những bãi chôn lấp lớn, tốn diện tích, chưa kể, chất thải xây dựng rất khó phân hủy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.
Thực tế trên đòi hỏi cần có giải pháp quản lý mới, áp dụng công nghệ hiện đại vào xử lý CTRXD một cách hiệu quả, an toàn với môi trường. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh đến yếu tố phát triển, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, song phải kéo giảm được chi phí xử lý xuống mức thấp nhất. Trong quá trình xử lý, phải hạn chế tối đa phát sinh ra ô nhiễm thứ cấp như bụi, bụi mịn, tiếng ồn... Hướng tới công nghệ hiện đại trong phân loại, nghiền sàng, tái chế thành vật liệu mới hoặc sử dụng chế phẩm vào công việc khác đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, đảm bảo chi phí thấp nhất; tận dụng được nguyên liệu tái chế để thay thế các nguồn nguyên liệu khác đang cạn kiệt; góp phần xử lý tình trạng quá tải tại các bãi tập kết chất thải xây dựng; giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ cảnh quan sinh thái.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Sang, Giảng viên Trường đại học Giao thông vận tải cho biết, hiện nay công nghệ nghiền, tái chế CTRXD được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam có nhiều tính ưu việt hơn. Với công nghệ này, thay vì vận chuyển những khối bê tông cũ ra các bãi tập kết phế liệu xây dựng, hệ thống này được lắp đặt ngay tại chân công trình. Các khối bê tông có kích cỡ tới 60x80cm, được chuyển sang hệ thống nghiền và tự động phân loại riêng các loại vật liệu từ sắt đến hạt cỡ 3x4cm và cát mịn.
Công nghệ cho phép tận dụng 100% chất thải từ vật liệu xây dựng. Các hạt thành phẩm cho nhiều kích cỡ. Hạt to có thể dùng làm cấp phối san nền đường, cát mịn có thể dùng để sản xuất gạch lát vỉa hè, vườn hoa, công viên, đê chắn sóng... thậm chí có thể dùng để chế tạo bê tông tươi.
Công nghệ trên đã được Công ty Cổ phần Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu sử dụng cho việc phá dỡ 4 tòa nhà tại địa chỉ số 138 phố Giảng Võ, Hà Nội. Thiết bị có công suất từ 120 tới 250 tấn/giờ, có thể hoạt động được ở các khu vực đông dân và phù hợp với nhiều loại công trình cần phá dỡ.
Một số ý kiến cũng đề xuất cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền về hậu quả của việc đổ bỏ CTRXD không đúng quy định đi liền với đó là tổ chức các đợt ra quân, xử lý nghiêm tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng xuống hành lang đường bộ, hệ thống đê điều, sông ngòi, đất nông nghiệp và ra môi trường nói chung…
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố có 18 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có sáu khu đang hoạt động, hai khu đã có chủ trương đóng bãi, dừng chôn lấp để trồng cây xanh, 10 khu đầu tư xây dựng mới. |
Theo Thu Nga/Công nghiệp môi trường
0 nhận xét