Open top menu
Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

Trả lời ĐBQH chất vấn tại kỳ họp từ 2015 đến 2020 về giải pháp nào hạn chế nước sông Nhuệ ô nhiễm nặng chảy từ Hà Nội tới Hà Nam, Bộ TN-MT đã trả lời có 6 nhóm giải pháp: tăng cường, đẩy mạnh, chú trọng, đề nghị, triển khai, phối hợp… những giải pháp "kinh điển" đã làm trong 30 năm qua, nhưng ô nhiễm không giảm mà ngày càng trầm trọng thêm trong 5 năm gần đây. Ảnh tư liệu

Về rác

Trong kỳ họp Quốc Hội tháng 6.2020, Bộ TN-MT đã trình Dự thảo luật Bảo vệ môi trường. Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết điểm mới là sẽ thu phí rác sinh hoạt… lượng rác, đo bằng khối lượng, thể tích thải ra và coi đó là một giải pháp tích cực.

Xin thưa, thu phí thu gom rác theo khối lượng/trọng lượng thì chỉ "mới" với Việt Nam, nhiều quốc gia đã áp dụng, thậm chí áp dụng cách đây hàng trăm năm rồi. Và họ cũng đã tổng kết rằng: muốn thu tiền theo bất cứ hình thức nào thì phụ thuộc vào khả năng đo lường và bộ máy/thiết chế thực hiện. Họ đúc kết rằng “nếu không đo lường được thì tốt nhất là không phát hành chính sách thu phí (hay thuế)”.

Trích Báo cáo Chất thải rắn tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới lập 2018 (WB2018), tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn Việt Nam hiện nay hơn 31 triệu tấn (2018) , dự báo là 54 triệu tấn (2030).. Năm 2019, ngành TN-MT mới liệt kê số lượng nguồn gây ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp mà chưa rõ tổng lượng phát thải.

Cũng từ báo cáo trên, trong tổng lượng rác thải, chỉ có 1% rác thải độc hại là không thể tái dụng, 15-28% chất trơ vẫn có thể tài dụng san lấp xây dựng. Như vậy >80 % rác thải có thể tái sử dụng. Nhiệm vụ của ngành TN-MTlà đề xuất "Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế tái chế rác thải" chứ không phải đưa ra lời kêu gọi, khẩu hiệu sáo rỗng hay giải pháp phi thực tế. Muốn huy động xã hội cùng chung tay, ngành TN-MT cần công khai, minh bạch toàn bộ thông tin đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải, nhập khẩu rác thải, quản lý khai thác tài nguyên…

Bộ máy của ngành TN-MT từ Trung ương cho tới 63 tỉnh/thành, 707 quận/huyện, 11.000 xã/phường/thị trấn có thể tới hàng chục ngàn viên chức... tuy vậy hầu hết các địa phương đều có tồn tại về ô nhiễm môi trường. Hãy khoan nói về trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngay tư lệnh ngành TN-MT khi giải trình "sáng kiến mới" cũng khiến người ta cảm nhận về sự mơ hồ về cách đo lường. Thu phí rác thải mà theo thể tích thì chỉ cần một quán cóc bán nước mía trên vỉa hè cũng thải ra một khối tích tương đương với hàng trăm hộ dân xả rác mỗi ngày… với thu nhập từ vài ngàn đồng/cốc nước mía thì sẽ nộp phí thế nào?

Đó là chưa kể vô số các loại rác sinh hoạt được hóa lỏng trôi qua cống nước thải, thậm chí để nguyên dạng rắn thả trôi vào cống thải (đó là chưa kể ngay cả túi đựng rác thải cũng là rác thải khó phân hủy). Giả định là giải pháp này thực hiện tốt thì rác thải sinh hoạt chỉ chiếm <10% tổng lượng, hơn 90% là từ công nghiệp và nông nghiệp.

Chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết địa điểm chụp bức ảnh ngập rác gây ám ảnh này là ở "đảo ngọc" Phú Quốc. Ảnh tư liệu: Zing.vn

Nếu theo tính toán của Pháp (*) thì rác thải sản xuất công nghiệp nhiều gấp 5 lần rác thải sinh hoạt, còn nông nghiệp nhiều gấp 13 lần. Việt Nam có thể khác, tuy vậy với mô hình sản xuất nông nghiệp phân tán và cơ chế kiểm soát chưa hiệu quả dư lượng hóa chất, phế thải từ trồng trọt, chăn nuôi… với khối lượng lớn, phạm vi lan truyền rộng, thì nguồn rác thải này sẽ được thu gom, xử lý, thu phí như thế nào?. Tư lệnh ngành kêu gọi "chống ô nhiễm môi trường như chống giặc", đương nhiên ngành TN-MT phải là chủ công/dẫn dắt, nhưng "cuộc chiến" mà không nhận diện rõ kẻ thù thì nguy cơ "thất thủ" rất cao.

Về nước

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc Hội về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách ngày 15.6, Bộ trưởng TN-MT cho hay trong mùa khô hạn, các quốc gia thượng nguồn sông Mekong chỉ cần giữ lại 20% nước tại các hồ chứa, thủy điện thì an ninh nguồn nước của Việt Nam sẽ bị đe dọa...

Tôi và các cử tri quan tâm rất muốn biết ngành TN-MT có giải pháp như thế nào? Rất tiếc là thay cho trách nhiệm trả lời, thì họ lại đặt câu hỏi.

Nguy cơ thiếu nước sạch có tại nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam. Chúng ta có thể học hỏi từ các quốc gia độc lập, tự cường luôn đặt nhiệm vụ "an ninh nguồn nước" lên hàng đầu. Ví dụ như Israel nằm giữa vùng khô hạn và bất ổn chính trị nhưng họ luôn đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất bằng cách tái tạo nước và tối ưu hóa trong sử dụng… không những đủ mà còn xuất khẩu nông sản cao cấp. Hay Singapore tự chủ nguồn nước từ việc tái chế nước thải, cất giữ nước mưa và lọc nước ngọt từ nước biển...

Miền Tây vừa trải qua những tháng ngày khô hạn khốc liệt. Ảnh: Lê Thế Thắng

Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn, nước ngọt nội nguồn vẫn có thể thay thế một phần từ bên ngoài, ngay cả khi đầu nguồn sông Mekong giảm thì lượng mưa quanh TP.HCM luôn ở mức cao. Việc còn lại là bảo vệ nguồn nước sạch một cách thận trọng và sử dụng một cách thông minh. Ngành TN-MT cần đưa ra tổng nguồn, phương pháp bảo vệ và phục hồi; Ngành Nông nghiệp phải đưa ra tổng nhu cầu… thiếu đủ ra sao, bổ sung bằng cách nào? Hai ngành cùng xác định cụ thể không gian lưu trữ, tái tạo nguồn nước thay vì chỉ đưa ra nguy cơ!

Bộ trưởng bộ TN-MT cho rằng Dự thảo luật Bảo vệ môi trường “Chưa bộ luật nào có cách tiếp cận mạnh mẽ như Luật Bảo vệ môi trường lần này, luật mới giúp cắt bỏ 40% thủ tục hành chính, đưa những yếu tố công nghệ thông tin hiện đại vào để quản lý giúp quy định môi trường của Việt Nam ngang bằng với châu Âu và phương Tây”… Theo tôi chúng ta cần thận trọng với những viễn cảnh cảnh kỳ vĩ , những dự báo khoa trương, đại loại như: Việt Nam ngang bằng với châu Âu và phương Tây.

Bài toán nước sạch cũng cần phải có đáp số khi quy hoạch khu dân cư. Ảnh: Lê Thế Thắng

Bộ luật Bảo vệ môi trường có tác dụng tích cực tới đâu vẫn còn ở phía trước, còn hiện tại, chúng ta cần biết tiến độ hoàn thành và nội dung của bản "Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình" do Bộ TN-MT lập, khởi động từ năm 2016. Tháng 12.2017, Bộ phê duyệt nhiệm vụ. Năm 2019, Bộ họp đẩy nhanh tiến độ, dự kiến trình duyệt vào quý 3.2021.

Bộ cũng nên công bố công khai toàn bộ tài liệu “đánh giá tác động môi trường" của các cơ sở sản xuất… Đặc biệt là các giấy phép cho phép xả thải (chất thải rắn, khí thải, nước thải) của các cơ sở này, trong đó có 17 nhóm mà ngành TN-MT tập trung quản lý trong số 300-400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, góp tới 80% ô nhiễm ở nước ta.

Với những thông tin công bố công khai theo Luật như vậy sẽ nhận được sự chung tay của nhiều ngành nhiều giới. Có như vậy mới hy vọng công tác bảo vệ môi trường quốc gia sớm được cải thiện.

Trích Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019:

Nhận diện nguồn gây ô nhiễm của Bộ TNMT

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 372 khu công nghiệp. Khoảng 4.575 làng nghề. Có trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất giấy, bột giấy; 25 nhà máy nhiệt điện than; 65 dự án sản xuất gang thép công suất 100.000 tấn/năm trở lên… Nhiều cơ sở có nguồn phát thải lớn như Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân, Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng...

Còn 171 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.

Cả nước có khoảng 31.668 trang trại nông nghiệp, trong đó 19.639 trang trại chăn nuôi. Tổng lượng phân bón vô cơ các loại khoảng 2,4 triệu tấn/năm, thải ra môi trường khoảng 240 tấn rác thải rắn nguy hại/năm; 11.000 tấn bao gói thực vật.

Cả nước cũng có 82 dây chuyền sản xuất xi măng, sản lượng ước đạt trên 100 triệu tấn; 93 cơ sở sản xuất gạch ốp lát đạt 821,6 triệu m2/năm; 26 cơ sở sản xuất sứ vệ sinh đạt khoảng 26,55 triệu sản phẩm/năm; có 8 cơ sở sản xuất kính, sản lượng khoảng 308 triệu m2/năm.

Theo Trần Minh Ngọc/nguoidothi.net.vn

Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét