Liên quan đến vụ rác thải công nghiệp chất đống tại cánh đồng thôn Yên Thịnh (xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), ngày 5/6, trao đổi với báo Tin tức, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, ông Đặng Quốc Việt cho biết, việc xử lý đống rác thải điện tử độc hại này phải mất khoảng 3 ngày.
UBND xã đã thông tuyến đường dẫn vào bãi rác (trong ngày 4/6), bằng việc sử dụng máy xúc san ủi đất, dọn đường cho xe thu gom chuyên dụng của Công ty Urenco 10 xử lý.
Đây cũng chính là đơn vị từng xử lý rác có chứa thuỷ ngân trong vụ cháy kho chứa bóng đèn của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ngày 28/8/2019.
Máy xúc dọn hàng trăm tấn rác thải điện tử ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Báo Tin tức. |
“Số rác trên đa phần là màn hình tivi hỏng đã bị đập vỡ và những linh kiện điện tử không còn giá trị. Số rác này bắt nguồn từ việc người dân hành nghề tái chế kim loại từ tivi cũ”, ông Việt khẳng định.
Trước đó, báo chí phản ánh về tình trạng người dân đổ trộm, đốt hàng triệu màn hình tivi và linh kiện điện tử tại thôn Yên Thịnh (thuộc xã Bình Dương, tỉnh Vĩnh Phúc).
Điều đáng nói, chính quyền địa phương mặc dù nắm được tình trạng trên xảy ra nhiều năm nhưng vẫn không ngăn được nạn đốt trộm rác thải nguy hại trên địa bàn.
Theo người dân nơi đây, rác thải điện tử bị chính những hộ kinh doanh bằng việc thu mua tivi, máy giặt, tủ lạnh... quanh khu vực vứt bỏ sau khi đã bóc tách, lấy đi phần linh kiện còn giá trị để bán.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường Trần Việt Cường cho biết, huyện đã từng cử cán bộ xuống khu vực bãi rác để rình bắt quả tang đối tượng đốt rác nhưng “chưa bắt được trường hợp nào”.
Sau thông tin báo chí phản ánh, ngày 3/6 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo xác minh, có biện pháp xử lý, báo cáo về Bộ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc kiểm tra, xác minh tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp và nguyên nhân vì sao chưa có biện pháp xử lý đối với tình trạng rác thải công nghiệp đổ đầy dọc đường...
Tổng cục Môi trường cũng đề nghị Vĩnh Phúc khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng có biện pháp thu gom, xử lý rác thải công nghiệp nêu trên theo đúng quy định, không làm ảnh hướng tới môi trường và sức khỏe của người dân xung quanh.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nguyên nhân của tình trạng trên là do trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhà phân phối. Mặc dù Quyết định 16/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Thông tư 34/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT có quy định, hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật nhà sản xuất, nhà phân phối phải có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ nhưng vẫn chỉ mang tính khuyến khích.
Ngoài ra, bản thân những hộ kinh doanh cũng chưa ý thức được tác hại của việc thải bỏ các chất thải điện tử ra ngoài môi trường.
“Nếu đúng theo quy định, những chiếc tivi đó phải chuyển cho các cơ sở tái chế xử lý chất thải nguy hại. Để tồn tại một bãi rác như vậy là một vấn đề đáng lo ngại về quản lý ở góc độ địa phương”, ông Hiền nói.
Minh Tuệ (t/h)
0 nhận xét