Đây là sự kiện diễn ra khi Mặt Trời và Mặt Trăng nằm chính xác trên một đường thẳng, nhưng vị trí của Mặt Trăng ở quá xa so với Trái Đất của chúng ta nên khiến Mặt Trời không bị che lấp hoàn toàn.
Mặt Trời thời điểm đó sẽ vẫn hiện ra như một vòng đai ánh sáng rực rỡ bao quanh Mặt Trăng như một chiếc nhẫn rực lửa trên bầu trời.
Tuy Việt Nam không nằm trong khu vực có thể quan sát được nhật thực hình khuyên, người dân cả nước sẽ vẫn có cơ hội được quan sát sự kiện nhật thực một phần.
Lịch xem nhật thực tại một số tỉnh, thành của Việt Nam. |
Theo Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, nhật thực một phần sẽ bắt đầu tại Hà Nội vào lúc 13h16, đạt cực đại lúc 14h55 chiều 21/6. Tại Đà Nẵng, nhật thực xuất hiện lúc 13h30 và đạt cực đại lúc 15h04. Tại TP.HCM, thời gian nhật thực bắt đầu là 13h37, đạt cực đại lúc 15h05’.
Thời điểm kết thúc nhật thực là 16h18 ở Hà Nội và TP.HCM. Sau đó 4 phút, hiện tượng này cũng chấm dứt tại Đà Nẵng. Như vậy, trong 3 thành phố, Hà Nội là nơi có thời gian quan sát nhật thực dài nhất. Thiệt thòi nhất là những người yêu thiên văn ở TP.HCM.
Để quan sát nhật thực, người xem sẽ cần tới một bầu trời quang mây và góc nhìn đủ rộng. Do vậy, nếu gặp điều kiện thời tiết bất lợi và tầm nhìn bị hạn chế, việc quan sát nhật thực có thể sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến.
Trong thời điểm diễn ra nhật thực, người dân cần hết sức lưu ý không được quan sát bằng mắt thường. Điều này là bởi bức xạ của Mặt Trời có thể ảnh hưởng trực tiếp tới mắt.
Do đó, để đảm bảo an toàn khi quan sát hiện tượng kỳ thú này, tuyệt đối không được nhìn trực tiếp bằng mắt thường, cũng không được quan sát qua ống nhòm hoặc kính thiên văn chưa lắp bộ kính lọc chuyên dụng.
Bạn nên mua kính quan sát nhật thực chuyên dụng. Nếu không kịp mua kính, bạn có thể tận dụng kính thợ hàn, ruột đĩa mềm hay phần đen trên phim X-quang.
Đặc biệt, bạn không nên sử dụng các loại kính râm để quan sát do nguy cơ mắt bị bỏng do bức xạ Mặt Trời là rất cao.
Minh Tuệ (t/h)
0 nhận xét