Bất chấp nắng nóng, nhiều người vẫn đi xem nhật thực. Ảnh: VNE. |
Có ít nhất 3 điểm quan sát nhật thực được tổ chức ngày 21/6 ở Hà Nội (Công viên Hòa Bình, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH và Trường Tiểu học Ban Mai). Tại điểm quan sát 18B Hoàng Quốc Việt (USTH), từ 12h30 đã có hàng trăm người tụ tập để chờ đợi quan sát hiện tượng kỳ thú này.
Ban tổ chức chuẩn bị tiếp đón, hướng dẫn, chia mọi người thành các nhóm để được phát kính. PGS.TS Ngô Đức Thành, Trưởng khoa Vũ trụ và Ứng dụng của USTH, cho biết: "Đây chắc chắn là trải nghiệm lý thú mà những người yêu thiên văn không thể bỏ qua, vì chúng ta sẽ phải chờ đợi 11 năm nữa mới có thể quan sát hiện tượng nhật thực đúng nghĩa này tại Hà Nội".
Tại Công viên Hòa Bình, đường Phạm Văn Đồng, Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội chuẩn bị 5 kính thiên văn chuyên nghiệp để phục vụ người quan sát nhật thực. Anh Nguyễn Tất Doanh cho biết: "Hội mất 1 tháng để tìm địa điểm và chuẩn bị cho sự kiện hiếm có này. Mục tiêu sự kiện là nâng cao sự hiểu biết, tinh thần yêu thiên văn của mọi người, đặc biệt là các bạn nhỏ".
Khoảng 14h, tại Hà Nội diễn ra hiện tượng nhật thực với tỉ lệ che phủ Mặt trời đạt mức 20%. Ảnh: Báo Lao động. |
Anh Doãn Tuấn Dương, Đài thiên văn Hưng Yên cho biết, ở điểm cầu Hưng Yên, nhật thực bắt đầu lúc 13h16. Ban đầu thời tiết hơi có mây nhưng vẫn có thể quan sát tốt. Đến thời điểm cực đại, tại điểm này cũng quan sát được Mặt Trời che khuất tới 71%.
Ảnh chụp tại Đài Thiên văn Phố Hiến, thành phố Hưng Yên (ảnh: Tuổi trẻ) |
Trong khi đó, tại Đà Nẵng người dân có thể quan sát nhật thực một phần với độ phủ 65%. Nhật thực đạt điểm cực đại vào lúc 15h04, thời điểm kết thúc nhật thực sẽ là 16h22. Điều đáng nói là 11 năm nữa tức năm 2031, Đà Nẵng mới có cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực tương tự.
Chình vì vậy bất chấp thời tiết nắng nóng, rất nhiều người dân đã có mặt ở các điểm quan sát. Tại công viên Biển Đông, Câu lạc bộ Thiên văn học Đà Nẵng đã chuẩn bị cho người dân xem nhật thực đầy đủ dụng cụ thiết yếu nhất để quan sát (phục vụ lên đến hơn 100 người đồng thời quan sát một lúc).
Chình vì vậy bất chấp thời tiết nắng nóng, rất nhiều người dân đã có mặt ở các điểm quan sát tại Đà Nẵng. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Nhiều người tại TP.HCM cho biết thành phố đang có mưa, do vậy không thể quan sát hiện tượng nhật thực. Trong khi đó, nhiều thành viên trên các diễn đàn thiên văn liên tục cập nhật ảnh chụp tại nơi mình sống.
Lần nhật thực này có vùng quan sát rộng lớn kéo dài từ khu vực châu Phi tới cả các quốc gia thuộc khu vực châu Á.
Hiện tượng này có thể quan sát tại các quốc gia gồm Cộng hòa Trung phi, Ethiopia, phía nam Pakistan, phía bắc Ấn Độ và một phần Trung Quốc.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có thể quan sát được nhật thực một phần với vùng che phủ đáng chú ý. Theo đó, người dân tại Hà Nội có thể quan sát nhật thực một phần với độ che phủ lên tới 77%. Tỷ lệ này sẽ giảm dần khi đi xuống các tỉnh phía nam.
Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời nhưng không ở khoảng cách đủ gần với hành tinh của chúng ta để bị che khuất hoàn toàn, để lộ vòng tròn mỏng của đĩa Mặt Trời hay còn gọi là "vòng lửa". Sự kiện này cứ 1 - 2 năm lại diễn ra và chỉ có thể quan sát ở phạm vi hẹp từ Trái Đất. Nhật thực hôm nay diễn ra trùng với hạ chí, ngày dài nhất ở bắc bán cầu khi cực Bắc của Trái Đất nghiêng về phía Mặt Trời nhiều nhất.
Minh Tuệ (t/h)
0 nhận xét