Một cơ sở kinh doanh của Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm - Vinapharm. Ảnh: https://map.coccoc.com |
Nội dung tố cáo 2: Trong năm 2017, khi lương người lao động (NLĐ) có 4.012.000 đồng/người/tháng, lãnh đạo Tổng Công ty Dược Việt Nam yêu cầu tất cả NLĐ tại Trung tâm Dược trung bình mỗi NLĐ phải nộp khoảng 10.000.000 đồng với lý do tiền lương vượt kế hoạch và tiền thưởng trả lại Tổng Công ty Dược, gồm người có tên dự họp họp ngày 12/10/2016.
Căn cứ báo cáo và tài liệu thu thập và căn cứ kết quả làm việc ngày 10/01/2020 giữa đoàn xác minh với ban lãnh đạo và 15 nhân viên của Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm - Vinapharm về nội dung liên quan cho thấy: 15 người có tên trong danh sách họp ngày 12/10/2016 đang làm việc tại Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm - Vinapharm cung cấp thông tin cho đoàn xác minh là không phải nộp 10 triệu đồng tiền mặt với lý do tiền lương chi vượt kế hoạch và tiền thưởng trả lại Tổng Công ty Dược Việt Nam.
Tại Mục 5.2, Biên bản làm việc ngày 30/3/2015 của Tổng Công ty Dược Việt Nam tại Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm, có đề xuất: “Đề nghị Trung tâm thực hiện tạm ứng Quỹ Tiền lương và chi lương cho NLĐ theo quy định tại Thông tư 18/2013/TT-BLĐTBXH ngày 09/9/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ. Việc Trung tâm tạm ứng và chi vượt Quỹ Tiền lương thực hiện thì phải hoàn trả từ Quỹ Tiền lương của năm sau liền kề theo quy định tại Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013”.
Đoàn xác minh làm việc với 03/8 người có chữ ký nộp lại tiền lương vượt kế hoạch (theo báo cáo của Tổng Công ty dược còn 03 người đang làm việc tại Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm), 02 người có ý kiến: “Số tiền trên phiếu thu là Trung tâm tự trừ vào khoản bán hàng khuyến mại không phải do tôi bỏ tiền túi của mình ra nộp”, 01 người nói tự lấy tiền của mình nộp trực tiếp cho Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm (số tiền này là 1.490.609 đồng).
Theo báo cáo của Trung tâm, với việc chi vượt quỹ tiền lương, Trung tâm đã thực hiện các biện pháp tài chính để xử lý khoản chi vượt quỹ tiền lương nêu trên. Số tiền trên đều nộp trả về Trung tâm, không có khoản nào nộp về Tổng Công ty Dược Việt Nam.
Với kết quả xác minh như đã nêu, đoàn xác minh nhận thấy không có cơ sở để nói rằng trong năm 2017, lãnh đạo Tổng Công ty Dược Việt Nam yêu cầu tất cả NLĐ tại Trung tâm Dược trung bình mỗi NLĐ phải nộp khoảng 10.000.000 đồng với lý do tiền lương vượt kế hoạch và tiền thưởng trả lại Tổng Công ty Dược.
Nội dung tố cáo 3: Tổng Công ty Dược Việt Nam, trước và sau khi cổ phần hóa (CPH) (từ năm 2015 đến 2018) không thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành và đã vi phạm khi yêu cầu bắt buộc một số NLĐ, gồm người có tên dự họp ngày 12/10/2016 tại Trung tâm phải bồi thường 30% thiệt hại về hàng hoá và công nợ.
Căn cứ báo cáo và tài liệu thu thập, đoàn xác minh thấy, trước khi Tổng Công ty Dược Việt Nam CPH (trước ngày 01/01/2014), chưa thấy có văn bản nào “bắt buộc một số NLĐ, gồm người có tên dự họp ngày 12/10/2016 tại Trung tâm phải bồi thường 30% thiệt hại về hàng hoá và công nợ”.
Sau khi Tổng Công ty Dược CPH (sau ngày 01/01/2014), tại mục 4, biên bản họp ngày 27/3/2017 với Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm, đoàn xác minh thấy có ghi: Ban Giám đốc, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Trưởng phòng Tổ chức hành chính và đại diện Tổ Công đoàn, ký xác nhận số liệu về khoản phải thu của cán bộ, công nhân viên do chi vượt quỹ lương là 314.166.424 đồng. Đối với NLĐ đang làm việc tại Trung tâm, Trung tâm ký xác nhận của từng NLĐ và tổ chức thu hồi dần đều hàng tháng, bắt đầu từ tháng 4/2017 và hoàn tất thu hồi chậm nhất 30/6/2018. Đối với phần phải thu của NLĐ đã nghỉ việc tại Trung tâm số tiền là 45.397.533 đồng, Ban Giám đốc Trung tâm, Trưởng phòng Tổ chức hành chính và Trưởng phòng Tài chính kế toán có trách nhiệm phải nộp thay 30% (13.619.260 đồng). Ban Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm tổ chức họp để phân bổ số tiền trên theo tỷ lệ trách nhiệm của từng cá nhân tương ứng. Số tiền còn lại (31 778 273 đồng), đề nghị được xử lý vào năm 2018.
Căn cứ nhu cầu công việc, ngày 06/8/2017, Tổng Công ty Dược Việt Nam ban hành Quyết định số 028/QĐ-TCD về thành lập tổ công tác xử lý công nợ của Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm.
Ngày 14/3/2018, Tổng Công ty Dược Việt Nam họp cùng với Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm về nội dung xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến công nợ khó đòi theo nội dung Tờ trình số 685A/TTr-TCĐ ngày 22/12/2017 của Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP.
Tại mục 1, 2 của biên bản làm việc ngày 14/3/2018, đoàn xác minh thấy có 06 cá nhân chịu trách nhiệm bồi thường 30%, gồm ông Nguyễn Việt Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm; ông Lê Đông Y, ông Phạm Hữu Quang; ông Trần Hưng Tôn; ông Trần Thanh Hà và ông Lê Văn Hưng.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm: Ngày 14/3/2018, ông Nguyễn Việt Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm chủ trì cuộc họp và phân bổ tỷ lệ bồi thường, 100% những người có mặt tại cuộc họp đều thống nhất. Như vậy, chỉ có 06 cá nhân chịu trách nhiệm bồi thường 30% trị giá thiệt hại hàng hóa đã hết hạn sử dụng và hàng hóa cận hạn sử dụng do Trung tâm phân bổ tỷ lệ bồi thường, không phải toàn bộ những người có tên dự họp ngày 12/10/2016 như người tố cáo nêu.
Với kết quả như đã nêu, đoàn xác minh nhận thấy không có cơ sở để nói rằng Tổng Công ty Dược Việt Nam, trước và sau khi CPH (từ năm 2015 đến 2018), không thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành và đã vi phạm khi yêu cầu bắt buộc một số NLĐ, gồm người có tên dự họp ngày 12/10/2016 tại Trung tâm phải bồi thường 30% thiệt hại về hàng hoá và công nợ.
Nội dung tố cáo 4: Tổng Công ty Dược Việt Nam chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất tại 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội có dấu hiệu vi phạm, trái quy định Luật Đất đai, với diện tích 2.670 m2, được Nhà nước giao quản lý theo hình thức thuê đất đã hợp tác với CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC theo Hợp đồng 393/HTĐT/2020 ngày 07/7/2010 để xây dựng công trình tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư (dự án PVV - Vinapharm Tower) đến năm 2015 đã được xây dựng và có dấu hiệu lợi ích nhóm.
Đoàn xác minh có Văn bản số 56/TTrB-ĐXM ngày 27/3/2020 đề nghị công dân cung cấp thông tin để làm rõ một số nội dung tố cáo trên. Ngày 30/3/2020, đoàn xác minh nhận được văn bản của công dân, trong đó công dân không trả lời rõ lợi ích nhóm trong nội dung tố cáo là lợi ích của nhóm nào. Do vậy, đoàn xác minh không có cơ sở xác minh nội dung tố cáo này.
Căn cứ Kết luận số 1468/KL-TTCP ngày 04/9/2018 của Thanh tra Chính phủ (bản photo do Tổng Công ty Dược Việt Nam cung cấp) thấy tại mục 34.1 của có ghi: “Tại thời điểm thanh tra, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhà chung cư cao 23 tầng và 01 tầng hầm. Đối với tầng kỹ thuật, hiện tại đang để trống, chủ đầu tư chưa sử dụng vào công năng kỹ thuật, vi phạm Khoản 11 Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014 - “sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung”.
Trong nội dung của Kết luận số 1468/KL-TTCP không thấy có mục nào nói về việc Tổng Công ty Dược Việt Nam có sai phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cũng như những sai phạm khác của Tổng Công ty Dược Việt Nam liên quan đến dự án. Các nội dung liên quan đến dự án tại lô đất 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội được nêu trong kết luận này đều giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, rà soát….
Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP báo cáo không nhận được văn bản chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội về các nội dung liên quan đến dự án tại lô đất 60B Nguyễn Huy Tưởng. Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc, kịp thời theo quy định của pháp luật nếu có yêu cầu của các cấp có thẩm quyền (Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội...).
Với những tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp và văn bản của công dân trả lời Công văn số 56/TTrB-ĐXM ngày 27/3/2020, đoàn xác minh nhận thấy không có cơ sở để xác minh, kết luận nội dung tố cáo 4.
Theo Thanh Hà/Báo Thanh Tra
0 nhận xét